Tin tức - Sự kiện

Chuyện chưa từng tiết lộ về tướng cướp Hiền “đầu bạc” khét tiếng xứ Thanh (Kỳ 2)

Cho đến bây giờ, Hiền “đầu bạc” vẫn là tướng cướp duy nhất to gan chống lại lực lượng công an với quy mô lớn, nhiều đợt các lực lượng chức năng tổ chức tấn công vào bãi Kịt đều bị quân của Hiền đánh bật ra ngoài.

Ông Hà Văn Thao - 48 tuổi, hiện là Trưởng thôn Kịt, xã Lũng Cao, nguyên thôn đội trưởng năm 1990 - kể lại chuyện đã chỉ huy hơn 50 dân quân thôn vây bắt Hiền “đầu bạc”.

Những cuộc vây bắt bất thành, những vụ trả thù đẫm máu

Trước tình hình an ninh trật tự ngày càng diễn biến phức tạp trên bãi vàng, bọn tội phạm do Nguyễn Mạnh Hiền hoạt động ngày càng liều lĩnh táo tợn hơn trước, ngày 28.3.1990, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Thanh Hóa được lệnh tấn công bãi vàng thuộc khu vực hang Công Cộng, bắt các đối tượng hình sự đang có lệnh truy nã.

Bao vây… công an

Khi lực lượng tổ công tác vừa xuất hiện, Hiền “đầu bạc” cùng Thành “toét” đã dùng súng AK, K54 bắn trả như mưa, đồng thời cho đàn em bao vây cả lực lượng công an.

Trước đó, khi tên Nguyễn Mạnh Hòa - tức Hòa “đớ”, em ruột Hiền - cũng là đối tượng hình sự đang trốn trại mang mìn lên hang Kịt “cứu trợ” cho Hiền, thì bị tổ công tác bắt giữ. Hiền tuyên bố nếu công an không thả tên Hòa thì y sẽ dùng thuốc nổ giết chết tất cả tổ công tác cùng với tên Hòa, bấy giờ đang ở thế hiểm, bị bao vây.

Trước hành động liều lĩnh của tên Hiền, do địa hình hiểm trở, lại đang bị bao vây dưới thung lũng, tổ công tác hội ý và quyết định để đảm tính mạng nhân dân cũng như đoàn làm nhiệm vụ, tổ công tác buộc phải thả tên Hòa, rút lực lượng truy quét về.

Cuộc “phế ngôi” bất thành, kết cục đẫm máu

Kiểu “cai trị” độc tài của Nguyễn Mạnh Hiền đã trở thành mầm mống cho những mâu thuẫn ngay trong nội bộ của chúng. Hiền “đầu bạc” khống chế, ép buộc tất cả các hội đào vàng khác buộc phải phục tùng mọi yêu cầu do y đề ra: Bất kỳ ai muốn đào đãi vàng đều phải mua hàng của y với giá cao cắt cổ, và phải bán vàng cho y với giá rất rẻ mạt, ai sai sẽ bị trừng trị nghiêm minh, nhưng khi ăn chia trong hội lại không sòng phẳng.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi ngày 2.4.1990, Lê Văn Chiến (tức Chiến “toàn”) cùng với Trịnh Văn Sỹ (tức Sỹ “giao”) bất ngờ mang súng K54 đến lán của Hiền “đầu bạc” và Thành “côi”, Thành “toét” ở hang Công Cộng. Vừa bước chân lên bậc thang thứ 7 của lán, Chiến đã rút súng tuyên bố: “Hôm nay tao giết chết hết bọn bay”, rồi nhằm vào Hiền “đầu bạc” nổ súng.

Thấy vậy Thành “côi” lao vào đỡ đạn cho Hiền nên bị bắn vào bụng, bị thương nặng. Khi tên Chiến định “bồi” thêm phát nữa, thì súng hóc đạn.

Nắm được thời cơ, Thành “toét” tung chân đá một cước trí mạng khiến tên Chiến ngã lăn ra đất, hất văng khẩu súng sang một bên. Cả hai lao vào nhau vật lộn rơi từ trên hang Cộng Cộng xuống hố nước cạnh đó. Thấy vậy, Hiền vội rút súng AK ra bắn lại tên Sỹ “giao” làm tên này sợ chạy trốn, đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích.

Tên Chiến vừa lăn xuống hố chưa kịp đứng dậy đã bị Hiền gí họng súng đen ngòm vào đùi trái bóp cò ba phát, làm đùi Chiến vỡ nát. Rồi Hiền lạnh lùng nói: “Mày mà cũng đòi giết tao hả, mày chưa đủ sức đâu”. Vẫn chưa hết cơn điên, Hiền đã dùng gậy đánh vào đầu Chiến cho đến khi Chiến hoàn toàn tắt thở.

Khi lửa hận thù trong lòng đã nguôi đi phần nào, Hiền sai Hòa “đớ” cùng một số tay chân mang Thành “côi” đi cấp cứu ở Bệnh viện Hà Sơn Bình. Khi Thành “côi” vừa được băng bó vết thương xong, bọn chúng lại lén lút trốn khỏi bệnh viện và sống ẩn náu tại nhà ông Phạm Như Lai - cậu ruột Hiền ở 69 Lò Sũ, Hà Nội để chữa trị vết thương.

Sau này, tử thi tên Chiến được cơ quan chức năng khai quật và đưa ra kết luận: Y chết do bị ba phát đạn bắn vỡ nát đùi trái làm đứt động mạch chủ dẫn đến việc mất máu, làm truỵ tim mạch. Trước cái chết tức tưởi của Chiến “toàn”, các nhóm côn đồ khác càng hoảng sợ trước sự dã man của Nguyễn Mạnh Hiền.

Đại ca của những đại ca

Vào những ngày giữa tháng 4, khi Thành “côi” đã được chữa lành vết thương, Hiền cùng nhóm đệ tử vẫn ở lại Hà Nội ăn chơi hưởng thụ. Chỉ trong vòng một tuần, chúng đã tiêu hết tám cây vàng mà Hiền mang theo. Hết tiền chúng mới quay về bãi Kịt, tiếp tục đào vàng. Khi thấy tên “chủ bưởng của các chủ bưởng”, “đầu gấu của các đầu gấu” trở về, tất cả các hội đãi vàng trong bãi Kịt đều “bỏ của chạy lấy người”.

Anh Nguyễn Văn Hảo - thôn Hoàng Giang 1 (bên trái ảnh) kể lại.

Tiếp sau đó, Hiền vác súng đến các lán của các hội đào vàng tịch thu toàn bộ lương thực, thuốc men, đạn dược, đồ dùng, thản nhiên mang về lán của y ở hang Dong. Y tiếp tục xây dựng “đế quốc” của riêng y tại bãi Kịt với một lực lượng hùng mạnh bao gồm các tên “sĩ quan” đầu sỏ: Nguyễn Mạnh Hòa, Nguyễn Quang Thành, Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Văn Tâm, Lê Văn Hạnh, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Thị Huệ, Phạm Văn Uyên, Phạm Văn Đề, Lê Phi Dũng, Nguyễn Xuân Lập, Vũ Thi Lý, Bùi Văn Thiệp, Nguyễn Văn Bằng, Chu Kim Phong...

Tháng 8.1990, Hiền kết nạp thêm hai tên tù mới trốn tại trại tạm giam Thanh Hóa cũng “mò” lên hang Kịt là Võ Văn Hòa và Bùi Văn Thăng, cho vào tổ chức đãi vàng của Hiền.

Việc “kết nạp” cũng được Hiền tổ chức khắt khe hơn, phải là những tên “mặt đầy tiền án, trán đầy tiền sự”. Khi có lực lượng khá “chính quy” trong tay, Hiền lập tức tổ chức thành từng nhóm, đội có đối tượng đứng đầu, rồi phân công canh gác, bảo vệ thành nhiều vòng, việc kiểm soát bên ngoài và bên trong rất chặt chẽ, nghiêm khắc.

Y thường xuyên tổ chức đi cướp, mua thêm súng đạn, mìn, bộc phá, thuốc nổ, dây cháy chậm, dao rừng, lưỡi lê... nhằm trang bị vũ trang cho các lán trại, hang ẩn náu. Ngoài việc tập bắn, Hiền còn yêu cầu các “sĩ quan” phải “huấn luyện chính quy”, tập cách đánh du kích, tập võ thuật, bắn tỉa như kiểu thổ phỉ.

Bản thân Hiền và những tên cầm đầu bất kể lúc nào ăn hay ngủ đều có súng kè kè bên mình. Để tránh bị các băng nhóm khác thủ tiêu nên đi đâu, bất kể ở chỗ nào, Hiền cũng cho tên Hòa “đớ” và Mai Văn Sinh (Sinh “cò”) vác súng theo sau bảo vệ.

Hàng ngày Hiền bắt đàn em làm việc chia thành nhiều ca kíp, chui xuống hang sâu 70-80 mét đào vàng suốt 24/24 giờ để nộp cho y.

Tên Nguyễn Văn Đường (Đường “con”) được Hiền giao cho nhiệm vụ liên lạc, quán xuyến, thu gom vàng ở các tốp đem về cho Hiền; Thành “côi” được giao nhiệm vụ bán độc quyền lương thực, thực phẩm ở bãi vàng mang tiền về cho y; Hòa “khàn” được giao nhiệm vụ canh gác toàn bộ khu vực, nếu công an tấn công phải lập tức báo động ngay cho Hiền. Y còn cáo già đến mức lên cả phương án chạy trốn sang Hòa Bình rồi sang Lào khi có cơ quan chức năng tấn công.

Trong tổ chức của y có hai phụ nữ chuyên phục vụ nấu ăn và bán dâm tại chỗ cho những tên đồng bọn khi chúng có nhu cầu. Riêng Hiền “đầu bạc” chỉ “ngồi chơi xơi bát vàng”, dùng luật để xử lý những tên chống đối, ai trái ý, hoặc có ý định trốn về sẽ bị y đánh đập, đe dọa.

Như tên Nguyễn Xuân Lập (SN 1971, ở Hà Sơn Bình) bỏ trốn bị Hiền đánh cho trọng thương rồi cho người mang ra cửa hang dọa ném xuống núi. Các nhóm khác nếu có ý nghĩ chống lại lập tức Hiền cho quân tấn công, tàn sát, tịch thu vũ khí nên đều sợ xanh mặt, răm rắp phục vụ y.

Tất cả dân anh chị nếu có ý định vào khai thác tại bãi vàng, Hiền đều lấy cớ gây sự. Riêng những ai ở các thôn Nũa, Cao, Trình, Hin, Cao Hoong, Ron, Mười, Bá... thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước đến bãi Kịt đào vàng thì y đều tạo điều kiện, không gây phiền hà, đây chính là điểm tốt mà cho đến ngày nay y vẫn còn để lại một ít tình cảm trong lòng bà con nơi đây.

Ông Hà Văn Thao -Trưởng thôn Kịt, xã Lũng Cao cho biết thêm: “Hiền “đầu bạc” chỉ gây sự với đám đầu gấu, đầu bò đến tranh bãi vàng với y thôi, riêng với dân làng thì y tỏ ra rất hiền, y thường xuyên xuống làng chơi, nhưng không gây sự với ai, súng mang theo chỉ để bảo vệ mình tránh bị đám đầu gấu chống lại”.

Do thực hiện áp bức bóc lột một cách triệt để, nên chỉ tính trong vòng từ tháng 4.1990 đến tháng 8.1990, y đã thu được 20 cây vàng. Để bảo vệ bãi Kịt Toong Hoong khỏi các tay đầu gấu sẵn sàng chống lại, cũng như việc đánh trả lại lực lượng công an phá án, Hiền đã mua 4 khẩu súng AK, K54, 600 viên đạn, 40 quả bộc phá và rất nhiều mìn, các loại lựu đạn...

Sở hữu vũ khí nóng, y đã uy hiếp, đe dọa những người đào vàng, và củng cố tinh thần, tăng thêm sức mạnh lòng tin cho tay chân của y. Chính điều đó, mà chỉ trong một thời gian ngắn Hiền đã độc quyền toàn hang Dong, hang Bương được mệnh danh là những hang có trữ lượng vàng nhiều nhất trong vùng.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo