Chuyện cơ cực và “khó nói” của đời nữ lái taxi
Đón tết trên những cung đường
Hoàn cảnh chị Hoàng Thị Thanh Hương (41 tuổi, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, hiện đang lái xe cho hãng Taxi Group Hà Nội) khá đặc biệt. Chúng tôi gặp chị lúc chị tranh thủ dừng xe để dùng bữa trưa, khi đồng hồ đã điểm hơn 13h chiều. Cũng phải cố gắng lắm, chị Hương mới dành được cho chúng tôi khoảng thời gian ít ỏi, mà theo chị là “sớm sủa”. “Em thông cảm, công việc của chị là vậy đó, cái nghề này nó buộc chặt mình với những hành trình trên đường, quên cả giờ nghỉ”, chị Hương cho biết.
Dáng người thấp, nhỏ thó nhưng khuôn mặt luôn rạng rỡ nụ cười, đó là bấy nhiêu ấn tượng của chúng tôi khi chị bước ra từ chiếc taxi 7 chỗ có vẻ quá cỡ với ngoại hình của chị. Chốt khóa xe, chị đi một vòng quanh xe kiểm tra lại an toàn. Hỏi ra thì chị bảo, nghề lái taxi đã rèn cho chị tính cẩn thận, có khi trở thành cầu kì quá. “Là phận nữ, lại làm cái nghề nhiều rủi ro, nên tôi phải cẩn thận hơn để phòng ngừa bất trắc”, chị Hương cho biết.
Không chỉ trong công việc, mà cả trong cuộc sống, sự tỉ mỉ, cẩn thận là không thừa, điều này được minh chứng rõ trong quá trình gần 5 năm theo nghiệp lái taxi, chị Hương chưa để xảy ra sai sót hay sự cố đáng tiếc nào gây ảnh hưởng đến hành khách, công ty cũng như an toàn của bản thân bị đe dọa.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Hương phải sớm lao động vất vả. Lập gia đình, chị quyết tâm phải học nghề để có thể nuôi sống bản thân, gia đình. Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng, chị đã học lái xe ôtô. Nghề lái taxi vốn vất vả, nhưng với nữ, sự vất vả đó càng nhân lên gấp bội. Không chỉ chịu sức ép về doanh thu, nhiều tài xế nữ còn không được hưởng các chế độ, chính sách chung dành cho người lao động nữ như thai sản, bảo hiểm...
Một ngày làm việc của chị Hương bắt đầu lúc 7h, kết thúc sau 11h đêm. Theo chị Hương, gần 5 năm trong nghề, số lần chị về ăn cơm tối với gia đình và chuyện trò cùng các con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giờ chị về nhà cũng là thời điểm chồng và mấy đứa nhỏ đã sâu giấc từ lâu. Một mình chị lại dò dẫm, lụi hụi dọn dẹp rồi mới đi ngủ. Tất cả đều diễn ra trong lặng lẽ để không làm ảnh hưởng tới gia đình. “Biết làm sao, vì miếng cơm, manh áo thôi thúc mà mình phải kiếm tiền. Số mình đã vất vả rồi, chỉ mong con cái học hành tốt để thoát cảnh lao động chân tay”, chị Hương tâm sự.
Hiện tại, người con trai lớn của chị đã lập gia đình, còn cô con gái nhỏ đang học lớp 8. Cuộc sống tại thủ đô luôn trở nên quá sức với vợ chồng chị. Ba người trong gia đình sống trong gian phòng rộng chừng 10m2. Chồng chị - một nhân viên bảo vệ - lương cũng chẳng đáng là bao, nên mọi chi tiêu, trang trải gia đình đều trông chờ vào thu nhập lái xe của chị. “Tính ra, trung bình mỗi tháng chăm chỉ chạy cũng kiếm được gần chục triệu đồng, nếu không có số tiền này, việc học của con gái tôi dễ bị dở dang”, chị Hương nói thêm.
Cũng như nhiều người làm nghề phục vụ khác, càng vào dịp lễ tết, tài xế taxi càng bận rộn. “Từ ngày vào nghề, chưa giao thừa nào tôi được ở bên các con”, chị Hương bùi ngùi kể. Tết năm trước, chị cũng phải chở khách tới 2h30 sáng mùng 1 mới đỗ xe trước cửa nhà, chỉ kịp ăn bát mì, chợp mắt một lát lại có khách gọi đi luôn. Khi hỏi tết năm nay ra sao, với nụ cười buồn nhạt trên môi, chị bảo: “Chắc cũng vẫn như năm trước, có khách gọi là đi thôi mà”.
Nói tới đây, chị Hương lại nhìn về phía xa. Đã 5 năm rồi, chị chưa được ngồi ăn bữa cơm ngày đầu năm mới với gia đình. “Có người còn hàng chục năm không được ăn tết cùng gia đình ấy chứ. Cũng tủi thân lắm, nhưng biết làm sao khi đã trót theo nghề”, chị Hương tâm sự.
Những góc khuất của nghề
Tự thừa nhận nghề lái taxi không phù hợp với nữ, có nhiều nguy hiểm, cám dỗ, bị khách đối xử sỗ sàng, nhưng với nhiều “bóng hồng”, nghề lái taxi giống như một định mệnh. Tiếp xúc với nữ tài xế mới biết, lái taxi dường như là sự lựa chọn cuối cùng của chị em. Có chị do buôn bán vỡ nợ nên vào công ty với hai bàn tay trắng, có chị bươn trải khắp trong Nam ngoài Bắc, không biết làm bao nhiêu nghề rồi giờ coi chiếc xe như mái nhà làm chỗ che nắng, che mưa…
Theo chị Hương, trong số gần 4.000 nhân viên đang làm việc tại hãng, số nhân viên là nam chiếm tới 95%, nữ giới làm nghề lái taxi rất ít. Bởi thế, hình ảnh những nữ lái xe taxi cũng đem lại sự thú vị nhất định cho hành khách. “Nhiều hành khách khi trông thấy lái xe taxi là nữ thì lấy làm lạ. Sau thành quen, nhiều người chủ động gọi đến hãng đề xuất lái xe nữ”, chị Hương nói thêm.
Chị Nguyễn Thị Hải (40 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) - một nữ tài xế taxi khác trên địa bàn Hà Nội - tâm sự, bản thân chị cũng gặp không ít tình huống khách hàng có phản ứng về tài xế nữ. Theo chị Hải, nhiều hành khách thích lựa chọn tài xế nữ, nhưng chỉ đi cự ly ngắn. Còn đi đường dài, khách lại thích tìm đến tài xế nam hơn, vì họ lo ngại tay lái của xế nữ không vững vàng, đảm bảo. Chuyện taxi nữ bị quỵt tiền không phải là hiếm. Chị Hải kể, thời gian đầu mới vào nghề, do tin tưởng khách, khi khách khất nợ vì không mang đủ tiền, chị Hải đã đồng ý. Đợi lâu không thấy khách tới trả tiền, tìm tới địa chỉ và số điện thoại được cho, thì tất cả đều là số “ma”. Chỉ tới lúc đó, chị mới ngậm ngùi nhận ra mình đã bị lừa.
Điều đáng nói, những rủi ro kể trên không phải là hy hữu và không chỉ xảy ra với những nữ tài xế mới vào nghề. Nhưng đó vẫn chưa phải là những rủi ro duy nhất đối với các nữ tài xế taxi. Cũng giống như bao tài xế taxi khác, nghề này luôn tiềm ẩn những nguy hiểm không lường, thậm chí dễ mất cả tính mạng. Với nữ, những nguy hiểm trên càng thường trực. Chị Hải kể, cách đây ít lâu, một người bạn của chị - cũng là tài xế taxi - phải chở khách muộn từ Hà Nội về Hòa Bình. Biết là không an toàn, nhưng do chưa đủ định mức của ngày nên nữ tài xế này vẫn đánh liều. Trông khách có vẻ lịch sự, nên chị bỏ qua quy định kiểm tra giấy tờ tùy thân. Nào ngờ, chạy xe đến Xuân Mai (Hà Nội), vị khách này yêu cầu chị dừng xe để đi vệ sinh rồi khống chế và bắt phải đưa hết tiền, tài sản thì mới thả đi. “Về nghe bạn kể mà mình thót tim, nhưng cũng mừng và động viên vì cô ấy đã thoát chết trong gang tấc”, chị Hải nói.
Với chị Hương, kinh nghiệm 5 năm lái xe đã giúp chị hình thành khả năng nhận biết đối tượng khá tốt. Tuy nhiên, theo chị Hương, các đối tượng ngày càng phức tạp, có nhiều trường hợp dấu hiệu nhận biết không rõ ràng. Chị chia sẻ, với những trường hợp khách không có biểu hiện khác thường, nhưng trên đường đi, nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường, cách hay nhất là tìm vào một đồn công an gần đó và nhờ các anh can thiệp.
Chị Hương kể, có lần, chị đưa một nhóm thanh niên về Bắc Ninh, trên đường đi, chị phát hiện nhóm này có biểu hiện lạ. Vượt qua giây phút sợ hãi, chị đã trấn tĩnh và nghĩ ngay ra phương án thoát nạn, đó là nhờ lực lượng công an can thiệp. “Cách làm này cũng phải rất khôn khéo, bởi nếu không đối tượng có dụng ý xấu sẽ manh động, bản thân mình cũng gặp nguy trước”, chị Hương chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất