Chuyện con chữ ở Tân Dân: Kì 2 - "Cuối cùng, con trai của mẹ đã là thầy giáo rồi đấy!"
Tâm huyết thầy cô
Hầu hết, các thầy cô giáo của trường tiểu học Tân Dân B đều ở trong thị trấn Mai Châu, cách đểm chính của trường khoảng 50 cây số. Từ chiều tối ngày Chủ nhật, họ đã phải đón thuyền hoặc tự chạy xe máy lên trường cho kịp buổi họp giao ban sáng thứ Hai đầu tuần. Các thầy cô dạy và ở luôn tại trường đến tận chiều thứ Sáu mới về nhà và cứ thế cho tới khi kết thúc năm học.
Thầy Hiệu trưởng Cắm chia sẻ: “Hiện tại, nhà ở của giáo viên chưa có mà mới chỉ ngăn tạm các lớp học ra để làm nơi ở”. Với đặc thù công việc xa nhà, mọi việc ở gia đình các thầy cô giáo đều phải giao phó cho những người ở “hậu phương” quán xuyến.
Chị Tâm, giáo viên lớp đơn duy nhất của trường Tiểu học Tân Dân B chia sẻ, chị đã có gia đình riêng. Việc tuần nào cũng phải vượt hơn 90 cây số từ nhà lên đến điểm trường xóm Cải có rất nhiều bất tiện. Tuy nhiên, vì công việc nên chị cố gắng vượt qua tất cả để đem được con chữ lên cho các em học sinh vùng cao.
Anh Minh, giáo viên lớp ghép 3 - 4 tại điểm trường xóm Cải cũng cho biết, khi lên đây dạy học là muốn đóng góp xây dựng cho quê hương, mảnh đất mình sinh ra, truyền đạt những kiến thức mình học tập được cho các em, để các em có thể tự phục vụ cho cuộc sống sau này. “Tuy điều kiện còn nhiều hạn chế nhưng vì tâm huyết nên mình không hề cảm thấy thiệt thòi”, anh Minh nói. Có nhiều thầy cô tại trường đã lớn tuổi hiện đang sinh sống tại địa phương vẫn đi dạy đều đặn vì yêu nghề và tâm huyết với học sinh ngay tại làng quê của mình.
Cơ sở vật chất thiếu thốn, không có mạng điện thoại cũng như Internet phủ sóng tới...nhưng các thầy cô tại điểm trường xóm Cải vẫn phải đều đặn soạn giáo án tất cả các môn học cho lớp mình chủ nhiệm.
Hàng năm, trường Tiểu học Tân Dân B liên tục thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên chủ nhiệm giữa các khối lớp với nhau. Là một giáo viên trẻ mới tham gia công tác giảng dạy tại trường, nhưng anh Minh đã có khá nhiều kinh nghiệm chủ nhiệm các lớp đơn và lớp ghép đặc thù của trường Tân Dân B.
Năm nay, được Ban Giám hiệu phân công chủ nhiệm lớp ghép 3 - 4 tại điểm trường xóm Cải, anh Minh không hề cảm thấy khó khăn mà còn quyết tâm làm sao để đem lại những tiết học chất lượng cho học sinh: “Sau khi truyền đạt đủ lượng kiến thức và giao bài tập cho nhóm trình độ lớp 3 xong, mình lại sang nhóm học sinh lớp 4 để hướng dẫn các em”.
Vì thế, việc dạy và học tại các lớp ghép của thày và trò tại trường Tân Dân B luôn có sự hài hòa, đan xen hợp lý giữa hai luồng kiến thức song song nhau.
Việc học sinh mất trật tự và không tập trung là điều khó tránh khỏi trong những lớp học. Vì vậy, anh Minh và những giáo viên còn lại của trường phải luôn chủ động tìm cách hướng sự chú ý của học sinh vào mình để tiết học đạt được hiệu quả cao nhất. “Âm lượng giảng bài của giáo viên có ảnh hưởng lớn đến mức độ tập trung của các em học sinh” - Anh Minh “bật mí”.
Niềm vui giản đơn
Tại xã Tân Dân, đồng bào chủ yếu là người dân tộc Mường và Tày, sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng trọt những loại nông sản quen thuộc như ngô, sắn và đánh bắt tôm cá quy mô nhỏ suốt dọc chiều dài con sông Thượng Đà.
Đời sống khó khăn, cả vụ mùa bà con chỉ có vài tạ thóc để tích trữ nên sự quan tâm của các vị phụ huynh tới các thầy cô giáo đang trực tiếp dạy dỗ con em mình cũng thiên về giá trị tinh thần: “Những món quà tri ân thầy cô giáo của phụ huynh và các em học sinh khi là nải chuối, khi là tấm mía của nhà trồng được” - thầy hiệu trưởng Lường Văn Cắm tâm sự.
Giáo viên trường Tân Dân B ai cũng thông cảm với nỗi khó khăn của bà con và hiểu rõ nhiệm vụ của mình là đem kiến thức tới cho những em học sinh nghèo vùng sâu vùng xa nên không hề cảm thấy thiệt thòi. Điều duy nhất các thầy cô mong mỏi là các em học sinh tại xã Tân Dân luôn học tốt và theo đuổi được sự học đến cùng.
Ngược lại, thấu hiểu sự vất vả và hy sinh của các thầy cô giáo khi vượt đường xa trắc trở mang cái chữ lên vùng cao, bà con xóm Cải ai nấy cũng coi họ như con em trong gia đình. Họ ăn cùng nhau, uống cùng nhau, giúp đỡ và đối xử với nhau bằng cả chân tình. Cô Tin một người dân xóm Cải, khi đón đoàn chúng tôi lên đây đã xúc động chia sẻ: “Ở đây ai cũng thương các thầy cô giáo hết. Cả tuần đi dạy có ngày thứ Bảy, Chủ nhật được về nhà. Lỡ chẳng may trời mưa thì chẳng biết làm thế nào. Ở lại thì nhớ nhà, mà về thì đường trơn, nguy hiểm!”.
Với các em học sinh, khi được hỏi về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hầu hết các em đều chưa có nhận thức gì về ý nghĩa của ngày trọng đại này dù thường xuyên được các thầy cô giáo giới thiệu và đề cập tới trong nhiều buổi học.
Thầy Minh tâm sự: “Hai năm đầu tiên đi dạy, mình cũng chạnh lòng lắm vì không thấy em học sinh nào để ý tới ngày 20/11 cả. Nhưng rồi tới năm thứ ba, lần đầu tiên được học sinh ở đây tặng cho một cuốn sổ. Vừa vui vừa cảm động, mình gọi ngay cho mẹ kể chuyện, thế là mẹ khóc rồi nói: “Cuối cùng con trai của mẹ đã là thầy giáo rồi đấy”.
Thu nhập chỉ đủ sống, điều kiện sinh hoạt còn hạn chế… nhưng tới dịp 20/11 hàng năm, các thầy cô giáo tại trường Tiểu học Tân Dân B vẫn đều đặn tổ chức những buổi sum họp nho nhỏ để kỉ niệm. Không khí của ngày 20/11 trọng đại được các thày cô trang hoàng bằng những tờ báo tường thu thập từ những tranh ảnh đẹp trên các tờ báo thiếu nhi, được chắp bút bằng nét chữ nắn nót của các em học sinh.
Ngoài ra, các thầy cô còn chủ động chuẩn bị và tập luyện những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” để giao lưu với các cán bộ Ủy ban Xã tại điểm chính của trường Tân Dân B vào tối ngày 19/11. Để thêm phần tình cảm và gắn bó trong dịp đặc biệt này, mỗi thày cô đóng góp chút ít tiền lương để tổ chức một bữa liên hoan mặn thân mật, ấm cúng. Mọi thứ tuy có thể đơn sơ giản dị, cuộc sống còn nhiều khó khăn... Nhưng ở Tân Dân, tình cảm là thứ quý giá nhất và chỉ cần thế là đủ!
Rời xóm Cải - Tân Dân sau vỏn vẹn hai ngày công tác ngắn ngủi, chúng tôi trở về Hà Nội để tiếp tục nhịp sống nơi Thủ đô, mang theo ấn tượng sâu sắc về tình cảm giản dị mà gắn bó giữa thầy trò và người dân nơi xóm núi, với cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” có từ ngàn đời xưa. Có vượt qua cả chặng đường dài mới thấm thía tình yêu thương pha lẫn nỗi nhọc nhằn được gửi gắm vào từng con chữ ở nơi này!
End of content
Không có tin nào tiếp theo