Chuyến đi định mệnh của ông bố chồng tật nguyền
Đau đớn vì muốn thêm mẻ cá phụ vợ nuôi con
Chiều muộn, mưa nặng hạt, gió biển rít từng cơn lạnh buốt nhưng chị Nguyễn Thị Hân, thôn Tân Hưng, xã Hưng Lộc có chồng, bố chồng và cháu ngoại mất tích tại vùng biển Quảng Ninh vẫn giữ thói quen tất tả chạy ra bờ biển ngóng thuyền về. Nhìn bóng chị liêu xiêu trước những cơn gió mạnh, hết đứng lại ngồi, đôi mắt vô hồn dõi ra biển cả trong tuyệt vọng mới thấy hết nỗi đau buồn ở đây. Thương chị nhưng cũng phải rất chật vật, vất vả, những người thân mới động viên được chị quay trở về nhà.
Từ ngày nghe tin dữ, anh em, hàng xóm đến động viên rất nhiều, ai cũng cố nhen lên cho chị một ngọn lửa hy vọng. Trong câu chuyện ngắt quảng bởi tiếng khóc nấc gọi tên chồng, chị Hân nghẹn ngào: “Khoảng 9h sáng ngày 27/7 chồng tôi (anh Đặng Văn Toanh – PV) điện về nói có mưa nhưng gió không lớn nên cả thuyền vẫn cố nán lại kiếm thêm mẻ cá. Sau đó thì điện thoại bị mất sóng. Chiều cùng ngày tôi nhận tin dữ, không ngờ đây là lần cuối cùng vợ chồng tôi nói chuyện với nhau”.
Do nhà neo người nên bố chồng chị là ông Đặng Văn Oanh dù bị tật ở chân vẫn quyết đi biển cùng con trai, ai cản cũng không được. Ông bảo muốn đi cho đỡ nhớ nghề và giúp được gì cho con thì giúp. Chuyến ra khơi này có 5 thuyền cùng đi, sau khi biết thông tin có rãnh áp thấp nơi mọi người đang đánh bắt cá, chị Hân cố liên lạc với chồng nhưng không được.
“Chúng tôi cưới nhau được 13 năm, hiện có 5 đứa con. Đứa lớn bắt đầu vào lớp 7, đứa nhỏ 2 tuổi rưỡi. Năm 2005 tàu cá nhà tôi bị chìm ở Hải Phòng, may mắn mọi người được cứu thoát. Để nuôi 9 người, trong đó mẹ chồng thường xuyên ốm đau, sau lần mất trắng tài sản đó, còn nợ nần rất nhiều nhưng vợ chồng tôi cố gắng vay mượn đóng con tàu khác để ra khơi. Bây giờ như vầy, đàn ông ra đi không về, số tiền nợ trên 1 tỷ, không biết mấy người đàn bà như chúng tôi bao giờ mới trả hết đây!” - chị Hân tuyệt vọng.
Cách không xa nhà chị Hân những tiếng khóc gào thét gọi tên con của bà Đặng Thị Hoa có con là Triệu Văn Đức cũng mất tích trên con thuyền xấu số khiến mọi người không cầm được nước mắt. Ông Triệu Văn Tiến, bố Đức nức nở: “Trước kia tôi cũng đi trên con thuyền đó, thời gian gần đây do sức khỏe yếu nên ở nhà, cháu nó đi thay. Nó là con đầu, 2 đứa con gái còn lại, đứa lớn đi làm công nhân ngoài Hà Nội, đứa út đang học lớp 3. Nó gọi Toanh bằng cậu, biết nghề biển vất vả, nguy hiểm nhưng những ngư dân như chúng tôi không bám biển biết lấy gì mà sống, không ngờ tai nạn lại xảy ra với gia đình tôi. Nó mất đi, không biết những năm tháng cuối đời vợ chồng tôi sống sao đây”.
Chồng ra khơi nuôi anh, em tàn tật
Rời Hưng Lộc, chúng tôi đến gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn (1983), thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc, 1 trong 6 người mất tích trên thuyền của anh Toanh. Trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng, chị Nguyễn Thị Niên, vợ anh Tuấn khóc chồng khản đặc cả tiếng. Đau đớn, vật vã vì hung tin nhưng chị vẫn mong có phép mầu đến với chồng. Ôm con nhỏ chưa đầy 2 tuổi vào lòng, chị nghẹn ngào thốt mãi mới lên lời: “Chúng tôi thuộc diện nghèo nhất thôn, năm nào chính quyền cũng phải cấp gạo cứu trợ. Bố mẹ chồng đều đã mất, anh ấy là trụ cột chính trong gia đình nuôi 1 người anh và 2 đứa em đều bị tàn tật không có khả năng lao động, những ngày qua bà con, hàng xóm người cho bát gạo, người cho ít rau nấu cháo cho qua ngày. Nếu anh ấy không trở về thì anh em, vợ con không biết sống thế nào đây?”.
Cuối giờ chiều ngày 1/8, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Văn Hữu, trưởng thôn Tân Hưng, xã Hưng Lộc cho biết: “Khoảng 12 giờ trưa, xác của anh Toanh được tìm thấy tại khu vực gần đảo Mã Cháu (huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Hiện gia đình anh đã ra ngoài đó làm các thủ tục nhận xác về mai táng theo phong tục địa phương. Chưa bao giờ thôn chúng tôi lại chứng kiến cảnh đau thương như thế này. Thôn có 4 người mất tích, trong đó, 3 người là bố con, cậu cháu. Gia đình anh Toanh thuộc diện hộ nghèo, gia đình có 2 nhân khẩu đang hưởng chế độ 67. Theo tôi được biết hiện gia đình anh đang phải gánh trên vai một khoản nợ khổng lồ do đầu tư mua sắm thuyền”.
Rời Hậu Lộc, chúng tôi cứ bị ám ảnh mãi, hình ảnh những giọt nước mắt thấm đẫm sự đau đớn cứ lăn dài trên má người thân của những ngư dân xấu số. Năm nào cũng vậy, nơi biển cả mênh mông lạnh lẽo nhấn chìm biết bao ngư dân, những trụ cột chính của gia đình, để lại cảnh vợ góa, con côi, bi kịch nối tiếp bi kịch, nỗi đau này kéo dài không nguôi
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất