Chuyển đổi cơ cấu hàng xuất, giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên.
* Năm 2014 được coi là năm vất vả của nền kinh tế đất nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng, ngành luôn được coi là ngồi trên “ghế nóng” trước dư luận. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những kết quả mà ngành Công Thương đã làm, đã vượt qua và đã đạt được trong năm 2014?
- Năm 2014, cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hoá toàn cầu ngày càng gay gắt, bất ổn về chính trị ở một số khu vực thế giới…
Trong khi đó, ở trong nước chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, ách tắc của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chậm được tháo gỡ. Song ngành Công Thương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Năm 2014, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,6%. Chỉ số tồn kho chung của toàn ngành giảm dần qua các tháng, phù hợp với quy luật, hiện nay tồn kho đã ở mức bình thường.
Trong lĩnh vực công nghiệp đã tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông – lâm - thuỷ sản được quan tâm hỗ trợ phát triển...
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng rất tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy một việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia trong khuôn khổ cơ chế một cửa ASEAN. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong việc dịch chuyển hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, tiết kiệm được hàng triệu USD cho doanh nghiệp thông qua giảm thời gian làm thủ tục hải quan bởi tính đơn giản, hài hòa và tự động hóa.
Đặc biệt, xuất khẩu tiếp tục phát triển với tổng kim ngạch hàng hoá cả năm ước đạt 150 tỷ USD, vượt 3,16% so với kế hoạch. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu được mở rộng, giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.
Bên cạnh đó, đã cân đối cung cầu hàng hóa kể cả hàng thông dụng và hàng thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng sốt giá, sốt hàng.
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai tích cực cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam.
* Sắp tới Việt Nam sẽ tham gia một số Hiệp định Thương mại tự do, xin Bộ trưởng cho biết, điều này sẽ tác động như thế nào đến ngành Công Thương của nước ta? Năm 2015, ngành Công Thương sẽ có những chính sách hỗ trợ gì đối với doanh nghiệp để tận dụng tốt những cơ hội đến từ Hiệp định? Đặc biệt, Việt Nam chuẩn bị tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN. Vậy theo Bộ trưởng, chúng ta đã làm được gì và sẽ làm gì trong thời gian tới?
- Hiện Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán 5 FTA là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh Châu Âu (EU), với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm các nước Thụy Sỹ, Na-uy, Lích-tân-xten và Ai-xơ-len, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), giữa ASEAN và 6 nước đối tác: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôt-xtrây-lia, Niu Di-lân và Trung Quốc, và FTA giữa khối ASEAN và Hồng Công. Theo kế hoạch, đàm phán các FTA này sẽ được hoàn tất trong 1-2 năm tới.
Việt Nam tham gia FTA sẽ xây dựng được quan hệ hợp tác kinh tế mang tính chiến lược với tất cả các cường quốc kinh tế (EU, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc). Việt Nam cũng là thành viên tham gia đàm phán 2 trong số các FTA quan trọng nhất đang được đàm phán là RCEP và TPP.
Thực hiện các FTA nói trên sẽ mang lại những cơ hội lớn về phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam; Giúp đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu... tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng, giá trị trong khu vực và trên thế giới.
Để tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do, trước mắt, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp với đối tác hoàn thiện về mặt kỹ thuật và hoàn tất thủ tục nội bộ cần thiết để sớm chính thức ký kết các FTA nói trên trong năm 2015.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, để tận dụng tốt cơ hội đến từ các FTA, Bộ Công Thương sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường có FTA với Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo, bám sát tình hình thị trường. Đồng thời, hợp tác với những cơ quan đồng cấp trong đảm bảo việc triển khai các cam kết được thỏa thuận tại các Hiệp định nhằm tạo môi trường thương mại thuận lợi, giảm thiểu rào cản thương mại và rủi ro cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng rất tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy một việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia trong khuôn khổ cơ chế một cửa ASEAN. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong việc dịch chuyển hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, tiết kiệm được hàng triệu USD cho doanh nghiệp thông qua giảm thời gian làm thủ tục hải quan bởi tính đơn giản, hài hòa và tự động hóa.
Bộ Công Thương cũng đã thống nhất đưa 5 thủ tục của Bộ tham gia thí điểm cơ chế này và dự kiến từ cuối năm 2015 sẽ kết nối nhiều thủ tục hơn. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề về quy trình thủ tục, kỹ thuật triển khai… Hy vọng trong thời gian tới, hệ thống này sẽ ngày càng hoàn chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa.
* Một câu chuyện được dư luận rất quan tâm vừa qua, đó là mục tiêu giảm nhập siêu - nhất là giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những việc đã làm và sẽ làm trong năm 2015 để thực hiện mục tiêu này?
- Năm 2014, giá trị nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 28,8 tỷ USD. Xét trong tổng thể chung của nền kinh tế thì việc nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc là cần thiết để phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Trên thực tế, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc nhưng lại xuất siêu sang các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản...
Tuy nhiên, trong dài hạn, cần nghiên cứu các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển sản xuất trong nước để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài trong đó có Trung Quốc.
Trước tình hình nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhanh, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng các mặt hàng nguyên liệu, khoáng sản thô.
Bên cạnh đó sẽ tiếp tục nâng cao trình độ sản xuất trong nước, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới cũng như trong nội địa.
Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam, qua đó hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng.
* Giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương luôn có mối quan hệ mật thiết, Bộ trưởng có thể cho biết đánh giá của mình trong mối quan hệ hợp tác, phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua?
- Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính trong một số lĩnh vực như hướng dẫn việc quản lý, điều hành ngân sách thuộc lĩnh vực Công Thương... Đồng thời, hai bộ thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính; Phối hợp trong điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô...
Hai bộ đều chủ động phối hợp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung, cũng như giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp nói riêng, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và mật thiết với nhau nhằm mục tiêu phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả cải cách thể chế kinh tế thị trường.
* Với cương vị là “Tư lệnh” của ngành Công Thương, xin Bộ trưởng có vài chia sẻ với độc giả cả nước nhân dịp đầu Xuân mới 2015?
- Năm 2014, kinh tế cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ngành Công Thương đã đạt được những kết quả khả quan.
Để đạt được những kết quả nói trên, ngành Công Thương xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ, chia sẻ của Bộ Tài chính. Bộ Công Thương mong muốn sẽ tiếp tục nhận được những tình cảm quý báu trên trong thời gian tới.
Bước sang năm 2015, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ, nhưng nguy cơ giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển là rất lớn. Dự báo kinh tế thế giới nói chung và thị trường hàng hóa sẽ tiếp tục chịu tác động từ các cuộc khủng hoảng chính trị, tranh chấp chủ quyền tại nhiều khu vực trên thế giới; thiên tai, dịch bệnh... là những nhân tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thế giới và kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành các mục tiêu phát triển ngành, góp phần đảm bảo các mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
* Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên