5 đặc điểm nhận diện tội phạm trên mạng
Nâng cao năng lực phòng thủ an ninh mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp / Ồn ào Phương Mỹ Chi lộ clip nóng: Chuyên gia an ninh mạng xác nhận nữ ca sĩ không phải nhân vật trong clip
Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gia mạng gia tăng mạnh. Điều này đang trở thành vấn nạn gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc dư luận xã hội.
Có 5 đặc điểm nhận diện loại hình tội phạm này. Đó là lợi dụng tính ẩn danh, không biên giới của không gian mạng, đối tượng dễ dàng tiếp cận, tương tác người bị hại với nhiều vai qua mạng xã hội. Hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, quy mô lớn theo mô hình “công ty” từ vài chục đến vài trăm.
Cùng với đó, các đối tượng lừa đảo hoạt động chuyên nghiệp, phân công vai trò, vị trí, chia thành nhiều giai đoạn của quá trình lừa đảo (thu gom tài khoản, lừa đảo). Lợi dụng dịch vụ thanh toán nhanh qua tài khoản ngân hàng, ví tiền ảo không chính chủ.
Hoạt động lừa đảo đa dạng về phương thức, thủ đoạn. Tội phạm lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ, chủ trương, chính sách chuyển đổi số để gia tăng các hình thứ lừa đảo tinh vi.
Theo ông Tùng, có nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gia mạng. Điển hình là lừa đảo đầu tư việc làm, quan hệ tình cảm, lừa đảo trên thương mại điện tử, sử dụng bẫy kỹ thuật.
Các đối tượng lừa đảo thường lôi kéo nạn nhân tham gia sàn chứng khoán, ngoại hối, Forex, tiền ảo quốc tế với chiêu bài đầu tư nhỏ sinh lời cao, việc nhẹ lương cao, trúng thưởng, bán hàng hiệu chính hãng giá rẻ. Đối tượng lừa đảo cài đặt ứng dụng nhúng mã độc, gửi link giả mạo, tin nhắn SMS Brand.
Đáng chú ý, tháng 2/2024, Công an tỉnh Nghệ An triệt phá ổ nhóm 32 đối tượng do Tăng Quảng Vinh (sinh năm 1989, TP Hồ Chí Minh) quản lý, điều hành cấu kết với các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức cho các đối tượng người Việt Nam tại Campuchia hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của hàng trăm bị hại trên cả nước.
Tháng 7/2023, Cục A05 phối hợp Công an tỉnh Quảng Bình và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá ổ nhóm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa đảo đầu tư tài chính qua sàn RosyStyle chiếm đoạt hơn 1.800 tỷ đồng. Các đối tượng người gốc Trung Quốc, quốc tịch Malaysia cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam tổ chức, điều hành sàn RosyStyle.
Tháng 4/2024, Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá ổ nhóm 56 đối tượng sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng thủ đoạn trúng thưởng mua bán trực tuyến do Lê Đức Kông, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Bá Võ Tuấn điều hành. Các đối tượng chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn bị hại, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Tháng 4/2024, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp lực lượng chức năng Campuchia triệt phá ổ nhóm 20 đối tượng do người Trung Quốc tổ chức, điều hành tại tỉnh Svayrieng, Campuchia. Các đối tượng lập các ứng dụng chat sex, hẹn hò để lừa đảo hàng trăm người bị hại, chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng.
Tháng 1/2024, Cục A05 phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị nghiệp vụ, đấu tranh, triệt phá ổ nhóm 40 đối tượng do Nguyễn Như Phương (sinh năm 1996, trú tại Gia Lai) cầm đầu, hoạt động tại Lào, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của hàng ngàn bị hại tại Việt Nam.
Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cảnh 4 hình thức lừa đảo trên không gian mạng thời gian tới. Bao gồm: mở tài khoản tại các tổ chức tín dụng kiểm soát đặc biệt; lập doanh nghiệp “ma”.
Cùng với đó là mở tài khoản doanh nghiệp; tuyển mộ người mở tài khoản, “nuôi nhốt”, ăn ở tại chỗ để xác thực tài khoản; lợi dụng công nghệ Deepfake, khai thác lỗ hổng trên phần mềm eKYC của các ngân hàng.
Ông Tùng khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần quyết liệt triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Kết nối nền tảng cơ sở dữ liệu về tài khoản liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật, hệ thống văn bản điện tử của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, các ngân hàng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, khách hàng về các thủ đoạn của tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo