An ninh mạng

Đảm bảo an toàn an ninh mạng là nhiệm vụ then chốt trong chuyển đổi số quốc gia

DNVN - Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam xác định việc bảo đảm an ninh mạng là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đã đến lúc phải thay đổi cả cách nghĩ, cách làm về an toàn thông tin / An ninh mạng Viettel xây dựng hệ sinh thái giải pháp an toàn thông tin "Make in Vietnam" đầu tiên

Không gian mạng trở thành “vùng lãnh thổ đặc biệt”

Tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn, an ninh mạng 2020 (Vietnam Security Summit 2020), TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngày nay không gian mạng trở thành “không gian chiến lược mới”, “vùng lãnh thổ đặc biệt” gắn chặt chẽ với chủ quyền về đất liền, biển đảo, trên không, vũ trụ. Đây là không gian ưu tiên hàng đầu của các nước trên tất cả cấp độ: Chính phủ, doanh nghiệp cho đến người dân để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển KT-XH. Việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng được coi là yếu tố quan trọng để chuyển đổi số thành công và bền vững.

Quá trình chuyển đổi số diễn ra trên toàn cầu dẫn đến số lượng thiết bị Internet kết nối vạn vật (IoT) và dung lượng dữ liệu sinh ra, được xử lý tăng theo cấp số nhân. Dữ liệu này trở thành tài nguyên quan trọng nhưng nguy cơ về đánh cắp, hủy hoại, giả mạo thông tin ngày càng tăng cao. Các đối tượng tấn công mạng đã khai thác điểm mạnh của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào kỹ thuật tấn công mạng, điển hình như xuất hiện những mã độc thông minh hơn với công nghệ giả mạo giống như thật; đã có đối tượng có thể giả mạo video của người nổi tiếng hay bẻ gẫy hệ thống nhận dạng giọng nói bằng việc tái tạo lại giọng nói dựa trên mẫu thu được; đã có những mạng botnet từ thiết bị IoT với khả năng tấn công mạng có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoặc phần lớn mạng Internet của một quốc gia.

Để an toàn hơn trên không gian mạng, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng các thiết bị kết nối Internet phải luôn sẵn sàng để ứng phó nguy cơ từ các cuộc tấn công mạng, tin tặc, mã độc…

Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nhận định, hoạt động tấn công mạng vào Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong quý III/2020, Cục đã phát hiện 937 trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tin tặc tấn công, thay đổi giao diện, chèn tập tin, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái...

Theo Đại tá Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, thời gian gần đây, các cuộc tấn công mạng, gián điệp, tội phạm mạng không ngừng gia tăng nhằm đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật nhà nước, phá hoại hệ thống thông tin. Ngày càng nhiều tổ chức tội phạm mạng, tổ chức phản động được thành lập, hoạt động tinh vi, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến trật tự an toàn xã hội, sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia. Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ là đơn vị giám sát, đảm bảo an toàn thông tin cho 20 mạng CNTT trọng yếu của cơ quan Đảng, nhà nước và hệ thống Chính phủ Điện tử. Trung bình hàng năm, Trung tâm phát hiện hàng trăm nghìn tấn công mạng nguy hiểm nhằm vào hệ thống mạng CNTT các cơ quan trọng yếu của Đảng và nhà nước. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã ghi nhận hơn 500.000 cảnh báo tấn công mạng với nhiều hình thức tinh vi, liên quan đến tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật và sử dụng mã độc.

Việt Nam cần làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng

Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, các cuộc tấn công mạng không chỉ gia tăng nhanh về số lượng, thời lượng và tần suất, mà còn được tăng cường bởi sức mạnh của các công nghệ mới, dẫn tới các vụ rò rỉ, đánh cắp, phá huỷ dữ liệu quy mô lớn nhắm vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia, doanh nghiệp. Trên không gian mạng trung bình có khoảng 500 cuộc tấn công được ghi nhận mỗi giây và hơn 300 mã độc mới được tạo ra trong vòng một phút.

Hacker có nhiều “cửa ngõ” hơn để thâm nhập vào kho dữ liệu của các tổ chức và khiến quy trình bảo mật thông tin trở nên phức tạp.

Hacker có nhiều “cửa ngõ” hơn để thâm nhập vào kho dữ liệu của các tổ chức và khiến quy trình bảo mật thông tin trở nên phức tạp. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong bối cảnh các tài nguyên, dữ liệu quan trọng đang lưu trữ ngày một nhiều trên môi trường số cùng sự bùng nổ của các thiết bị kết nối cá nhân, điều này trở thành “điểm yếu” dễ bị khai thác. Hacker có nhiều “cửa ngõ” hơn để thâm nhập vào kho dữ liệu của các tổ chức và khiến quy trình bảo mật thông tin trở nên phức tạp.

Để giải bài toán trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việt Nam cần làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm “Made in Vietnam”. Bộ TT&TT sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong phát triển hệ sinh thái sản phẩm công nghệ đảm bảo an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Hệ sinh thái này là một mô hình tổng thể, toàn diện, đầy đủ giải pháp. Doanh nghiệp có thế mạnh về giải pháp nào sẽ được giao để tập trung phát triển sâu, chuyên nghiệp về giải pháp đó, được ưu tiên, khuyến nghị sử dụng. Cần thành lập một liên minh giữa các công ty CNTT nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối. Các thành viên trong liên minh doanh nghiệp phải cam kết sử dụng sản phẩm của nhau để cung cấp một giải pháp an ninh tổng thể cho khách hàng.

Chia sẻ về định hướng triển khai đảm bảo an toàn thông tin, ông Lịch cho biết, muốn Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng, lọt vào nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số GCI vào năm 2030, cần tập trung phát triển định hướng theo 5 trụ cột gồm pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, nâng cao năng lực, hợp tác.

Đại diện Cục An toàn thông tin cũng nêu ra các định hướng lớn khác trong đảm bảo an toàn thông tin thời gian tới, đó là: bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số quốc gia; bảo vệ người dùng trên không gian mạng; thúc đẩy triển khai mô hình 4 lớp tại các cơ quan tổ chức…

 

Tại Việt Nam, theo số liệu mới nhất được ghi nhận bởi Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, trong tháng 10/2020, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 1.378.107 địa chỉ, giảm 22,42% so với tháng 9/2020 và giảm 24,57% so với cùng kỳ tháng 10/2019. Tổng số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý trong tháng 10/2020 là 582 sự cố, bao gồm 119 cuộc Phishing, 193 cuộc Deface và 270 cuộc Malware. Tính trong 10 tháng đầu năm 2020, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được cảnh báo, hướng dẫn xử lý là 4.161 sự cố.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm