An ninh mạng

Mê hồn trận bẫy lừa đảo “kiếm tiền online” qua app, mạng xã hội

DNVN - Khi dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, những trò gian lận, lừa đảo qua hình thức mời gọi “kiếm tiền online” trên các ứng dụng trực tuyến đang ngày càng gia tăng với nhiều chiêu trò tinh vi.

Công an Hà Nội vạch trần thủ đoạn lừa đảo của các sàn giao dịch Forex / Đủ chiêu trò lừa đảo qua mạng: Giả mạo tài khoản Zalo, ăn tiền chênh lệch qua dịch vụ Ship COD

Kiếm tiền triệu chỉ bằng thao tác đơn giản trên điện thoại!?

“Thời đại khởi nghiệp mạng Internet, Theo tôi học cách kiếm tiền online tốt nhất!

Vui lòng dành 2 phút để đọc hết bài viết, Hướng dẫn các bạn không cần ra khỏi nhà, thu nhập hàng tháng trên 30 triệu. Không có ngưỡng, và hướng dẫn hoàn toàn miễn phí! không có ngưỡng, hướng dẫn thao tác miễn phí!

Năm 2021 là một xu hướng lớn trong thời đại 5G. Ai nắm bắt được cơ hội này, thì có thể trở thành người chiến thắng lớn của Internet! Chỉ cần có điện thoại di động, thao tác theo dõi tại nhà, dễ dàng kiếm hàng chục triệu một tháng.

Bấm vào nhóm ZALO:0587758302”

Đây là những lời mời chào được gửi đến tin nhắn của rất nhiều người dùng kèm theo đường link dẫn đến một trang web hoặc nhóm Zalo… Phương án kiếm tiền này được quảng cáo là phù hợp với đa số mọi người, dù là nhân viên văn phòng, bà nội trợ gia đình, ông chủ nhỏ… bất kể ai cũng có thể làm được, thoải mái dễ dàng tại nhà cũng có thể khởi nghiệp.

những lời mời chào được gửi đến tin nhắn của rất nhiều người dùng kèm theo đường link dẫn đến một trang web hoặc nhóm Zalo

Những lời mời chào được gửi đến tin nhắn của rất nhiều người dùng kèm theo đường link dẫn đến một trang web hoặc nhóm Zalo...

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, rất nhiều người không có thu nhập, việc làm, đồng thời cũng có một bộ phận người dân có tiền nhàn rỗi mà không có cơ hội đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, việc mua bán hàng hóa chuyển dịch mạnh từ trực tiếp sang mua bán trên không gian mạng tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm gia tăng.

Báo cáo của Công ty bảo mật Lookout đã xác định được hơn 170 ứng dụng đào tiền ảo lừa đảo, trong đó có 25 ứng dụng xuất hiện trên Google Play. Các ứng dụng này đã lừa đảo hơn 93.000 người và chiếm đoạt ít nhất 350.000 USD. Lookout cho biết, các ứng dụng tự quảng cáo là cung cấp dịch vụ khai thác tiền điện tử đám mây có tính phí. Tuy nhiên, chúng lại ăn cắp tiền từ người dùng thông qua các quy trình thanh toán hợp pháp và không cung cấp các dịch vụ như đã hứa.

Công ty Tài chính Bưu điện PTF cũng ra khuyến cáo, một số đối tượng đã mạo danh công ty mời khách hàng vay vốn, dùng con dấu và chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản và chiếm đoạt. Các đối tượng sẽ gọi điện tới người dân mời vay tiền và hướng dẫn cài đặt một ứng dụng có tên “Auto Cash” để giải ngân nhanh. Sau đó, tài khoản Zalo có tên "Phê duyệt PTF" sẽ kết bạn với khách hàng dụ dỗ, chuyển tiền đặt cọc.

Sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân như: Số điện thoại, chứng minh nhân dân... khách hàng sẽ được ứng dụng "Auto Cash" giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo Công ty Tài chính Bưu điện PTF. Để nhận được số tiền giải ngân trên phải có một mật khẩu xác nhận. Muốn có mật khẩu, người dân phải phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc, đối tượng lừa đảo chặn số và lặn mất tăm.

 

Chiêu thức tinh vi khiến nhiều người sập bẫy

Một số người đã mất hàng trăm triệu khi tham gia nhóm “Hỗ trợ App MMO New” (nhóm tập hợp những người có cùng sở thích kiếm tiền online) trên mạng xã hội Zalo.

Anh H - một nạn nhân kể lại: Các đối tượng sẽ nhắn tin đến nhiều thuê bao điện thoại gửi đường link kèm giới thiệu về cách kiếm tiền qua việc “like” các đoạn clip trên ứng dụng Tiktok. Truy cập vào đường link sẽ dẫn tới trang web http://tiktok bonus5-wwtengyubxg.com và đăng ký tài khoản tên “tik28…” tải từ trang web trên ứng dụng “Tiktok Bonus” về điện thoại di động. Sau đó, anh H đăng nhập tài khoản vừa tạo vào ứng dụng thì thấy có cách chơi, kiếm tiền bằng cách làm ra các hệ thống nhiệm vụ, tương đương với gói “VIP” người chơi mua giá dao động từ 480.000 đồng đến 20 triệu đồng. Người chơi kiếm tiền bằng cách nạp tiền mua các gói, nhận các nhiệm vụ như thích đoạn clip, đăng ký theo dõi người dùng trên mạng xã hội video Tiktok, chụp ảnh màn hình đăng tải lên ứng dụng “Tiktok Bonus” để hưởng tiền thưởng theo mức tương ứng các gói “VIP” đã mua. Những ngày đầu mới tham gia chơi, anh kiếm được 900.000 đồng mỗi ngày từ ứng dụng “Tiktok Bonus”, rút tiền qua tài khoản ngân hàng.

Thấy kiếm tiền dễ dàng, anh H đăng ký đường link giới thiệu của tài khoản lên Facebook và Zalo để mọi người cùng tham gia, mỗi người tải ứng dụng từ đường link giới thiệu (gọi là F1), thì anh được hưởng 15% tiền tương ứng với số tiền những người F1 nạp vào ứng dụng để mua gói. Tiếp đó, những F1 của anh H nếu giới thiệu thêm được người khác tham gia (gọi là F2) thì anh được hưởng tiếp 5% số tiền F2 nạp vào ứng dụng mua gói và 3%, đến F4 thì không được thưởng tiền nữa. Đến ngày 30/10/2020, ứng dụng “Tiktok Bonus” hoàn toàn “sập”, mọi thông tin người chơi đều hiển thị về con số “0”, những người tự nhận là nhân viên ứng dụng đồng loạt khóa tài khoản, giải tán các nhóm, chặn tài khoản Zalo của anh H.

Cơ quan công an xác định cách thức tham gia chơi, cách thức nạp tiền, kiếm tiền vào tài khoản qua ứng dụng “Tiktok Bonus” như sau: Người chơi nạp tiền qua hình thức chuyển khoản vào các tài khoản mà ứng dụng cung cấp. Số tiền này sẽ dùng để mua các “gói VIP” bao gồm các nhiệm vụ (like, share các video trên ứng dụng), người chơi làm nhiệm vụ để hưởng số tiền hoa hồng tương ứng với mỗi nhiệm vụ. Nhằm lôi kéo các “con mồi”, ứng dụng “Tiktok Bonus” đưa ra các gói nhiệm vụ dễ làm với mức hoa hồng cao, thời gian đầu người chơi được hoàn vốn rất nhanh nên nhiều người tin tưởng và bị “sập bẫy”.

 

Ngoài ra, các đối tượng còn tạo dựng các webisite đầu tư tài chính, thương mại điện tử, đầu tư ngoại hối (như Busstrade.com, Bigbuy24h, Bimono, Coolcat…) lôi kéo người dân tham gia với những hứa hẹn lợi nhuận cao, hoa hồng hấp dẫn. Người đầu tư bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền “ảo” trong từng hệ thống, đến khi số lượng người tham gia nhất định, các đối tượng sẽ can thiệp vào hệ thống hoặc ngừng hoạt động để chiếm đoạt tiền.

Hàng loạt ứng dụng kiếm tiền thông qua “quay mua đơn hàng ảo”, “tăng like”... để hưởng hoa hồng từ 0,2% đến 0,6% trên tổng số tiền nạp, đã bị "sập" khiến hàng ngàn người mất trắng trên chục tỷ đồng. Nhưng ứng dụng này mất đi thì ứng dụng khác tương tự mọc lên nhằm đánh vào lòng tham của mọi người.

Thậm chí, nhiều người bị mất tiền dù đã “đánh hơi” ứng dụng này chuẩn bị biến mất, nhưng trước và trong những ngày tổ chức sự kiện thì người chơi nạp tiền càng nhiều sẽ được hưởng hoa hồng càng cao, đồng thời được thưởng thêm lượt quay và tăng thêm tiền ảo tương đương số tiền đã nộp vào nên bị cuốn theo và không kịp rút ra.

 Nhiều người tiêu dùng cũng bị app Coolcat, Busstrade dùng chiêu thức dụ "đầu tư tài chính", kiếm tiền online và hưởng lãi cao nhưng sau đó biến mất.

Nhiều người bị dụ "đầu tư tài chính", kiếm tiền online và hưởng lãi cao nhưng sau đó đều nếm "quả đắng". (Ảnh: Internet)

 

Theo Công an Hà Nội, trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, nhiều người bị cuốn theo các "app giật đơn" (quay số để mở đơn hàng) giúp kẻ gian trục lợi. Một số ứng dụng có hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động dưới hình thức phát hành điểm thưởng cho người chơi và hứa hẹn có thể rút được tiền mặt. Các app như Pchome, Shopping Mall, Tailoc888, Vn3688... lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử nhưng thực chất không liên kết với sàn giao dịch nào và hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng.

Người dùng phải đăng ký tài khoản trên ứng dụng, giới thiệu người tham gia và "giật" đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng trên tổng số tiền đầu tư. Tiền kiếm được của người dùng sẽ tỷ lệ thuận với giá trị các gói đầu tư của họ. Người chơi có thể rút thành công tiền mặt trong những lần đầu, sau đó hệ thống đưa ra các quy tắc mới hoặc yêu cầu nạp thêm tiền. Khi kiếm được số tiền lớn, nhóm lừa đảo không cho người chơi rút tiền đã đầu tư.

Điều đặc biệt, các app lừa đảo không có trên App Store hoặc CH Play do không đảm bảo được điều kiện bảo mật thông tin. Người dùng muốn cài app phải tải từ website do nhóm lừa đảo cung cấp. Các website này có tên miền không phổ biến như *.work; *.xyz; *.cc hoặc gồm các chuỗi ký tự, con số không có ý nghĩa. Nhiều người tiêu dùng cũng bị app Coolcat, Busstrade dùng chiêu thức dụ "đầu tư tài chính", kiếm tiền online và hưởng lãi cao nhưng sau đó biến mất.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm