Nguy cơ "tự bán mình" khi dùng ứng dụng chỉnh sửa ảnh hoạt hình đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội
Khi hồ sơ y tế, giấy tờ tùy thân, ảnh tự sướng… trở thành “mồi ngon” của tin tặc / Bị rao bán hình ảnh riêng tư nhạy cảm từ camera an ninh: Xử lý thế nào?
Hiệu ứng lan truyền
Ứng dụng Voila AI Artist có 4 chế độ chính: ảnh hoạt hình 3D (phong cách Pixar/Disney), tranh Phục hưng, ảnh hoạt hình 2D, biếm họa. Ngoài ra, nó không có nhiều công cụ hay tính năng chỉnh sửa ảnh nâng cao. Sau khi áp dụng bộ lọc, người dùng được chọn giữa nhiều biến thể, chẳng hạn ở chế độ tranh Phục hưng là thế kỷ XV, XVIII hay XX song không được thay đổi các chi tiết như mắt, mũi, miệng.
Số lượt tải của Voila trên cả hai chợ iOS và Google Play Store đã tăng vọt từ 300.000 vào tháng 4 lên gần 8 triệu lượt vào tháng 6. (Ảnh: Internet)
Voilà AI Artist là sản phẩm của Wemagine.AI. Đây là một công ty được đăng ký tại bang Bristish Colombia (Canada). Để giới thiệu Voila AI Artist, đơn vị phát triển đã đăng những bức ảnh chỉnh sửa theo phong cách hoạt hình của các nhân vật nổi tiếng bao gồm cả nam tài tử Tom Hiddleston, người thủ vai Loki trong loạt phim thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel và series truyền hình cùng tên vừa khởi chiếu trên Disney+. Theo thống kê, số lượt tải của Voila trên cả hai chợ iOS và Google Play Store đã tăng vọt từ 300.000 vào tháng 4 lên gần 8 triệu lượt vào tháng 6.
Voila AI Artis giúp chuyển thể từ ảnh thường sang ảnh vẽ một cách rất có hồn. Chỉ cần vài bước đơn giản, bất kỳ ai cũng tự biến mình thành một nhân vật hoạt hình khá biểu cảm. Do vậy, nhiều người dùng Facebook đã bị cuốn vào trào lưu này. Theo giới thiệu của đội ngũ phát triển, Voilà AI Artist là một ứng dụng kết hợp sự sáng tạo của con người và trí thông minh nhân tạo. Mục đích nhằm biến những bức ảnh thành hình hoạt hình vui nhộn và tạo ra kiệt tác tuyệt đẹp.
Người dùng có thể tải về và sử dụng miễn phí mà không cần tạo tài khoản. Nếu muốn sử dụng bản trả phí với các tính năng nâng cao hơn, người dùng sẽ phải trả 48.000 đồng/tuần, 87.000 đồng/tháng hoặc 476.000 đồng/năm sử dụng. Việc trả phí giúp tốc độ xử lý ảnh nhanh hơn, ngoài ra hình ảnh trả về không bị đóng dấu watermark.
So với các ứng dụng miễn phí khác, Voila có cách thu tiền “chắc chân” hơn. Với chế độ tính tiền theo tuần, người dùng cần lưu ý việc thanh toán tự động. Nếu như mua gói tuần chỉ để chỉnh một vài tấm ảnh và quên mất, người dùng có thể mất hàng chục tới cả trăm USD nếu quên bỏ thanh toán tự động. Đây không phải là vấn đề hiếm gặp với những dịch vụ nội dung hoặc trả tiền định kỳ hiện nay.
Ngoài ra, người dùng cần lưu ý bởi ngoài các quyền phải có ở những ứng dụng chỉnh sửa ảnh thông thường như truy nhập vào camera, chụp ảnh, đọc nội dung, sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ nhớ, Voilà AI Artist còn yêu cầu khá nhiều quyền nhạy cảm. Đó là quyền truy cập vị trí, quyền chạy khi khởi động, đọc thông báo và ngăn điện thoại chuyển sang chế độ ngủ.
Nguy cơ tự “bán mình”
Dù tính năng không mới nhưng khi nhìn thấy bạn bè, người thân sử dụng và chia sẻ thành quả trên mạng xã hội, nhiều người liền tải về và dùng theo. Điều quan trọng là phía sau những bức ảnh có vẻ độc, lạ và mang tính giải trí cao của Voila là gì thì không phải ai cũng biết.
Lượng người sử dụng mạng xã hội không ngừng tăng lên, được thúc đẩy một phần nhờ những ứng dụng như FaceApp, Voila... (Ảnh: Internet)
Ngay từ lần truy nhập đầu tiên, người dùng đã đồng ý vô điều kiện với các điều khoản của Voilà AI Artist và không thể hủy ngang ràng buộc này. Đơn vị phát triển ứng dụng còn có quyền thay đổi các điều khoản và những thay đổi này ngay lập tức có hiệu lực không thông qua ý kiến người dùng.
Đầu năm nay, cũng có một ứng dụng chỉnh sửa ảnh “làm mưa, làm gió” trên toàn cầu là FaceApp. Ra mắt năm 2017, mãi tới năm 2021, nó mới phổ biến khi bổ sung tính năng làm chân dung già đi hay trẻ ra. Tuy nhiên, nhiều người quên rằng cuối năm 2019, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành điều tra và kết luận FaceApp là “mối đe dọa phản gián”. Ủy ban Dân chủ quốc gia Mỹ kêu gọi các ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2020 không sử dụng FaceApp.
Một ứng dụng khác được người dùng Việt Nam ưa chuộng là Meitu cũng gây tranh cãi. Trên iPhone, Meitu theo dõi vị trí, thông tin nhà mạng, địa chỉ IP, thậm chí còn tạo một mã định danh độc nhất cho mỗi người dùng. Nó còn âm thầm chia sẻ mã IMEI của người dùng Android và gửi dữ liệu về Trung Quốc. Theo các chuyên gia bảo mật, nhà phát triển Meitu đã viết một đoạn mã trong ứng dụng để nhà quảng cáo biết được ai đang sử dụng và xem nội dung gì.
Tương tự, Voila cũng khiến các chuyên gia an ninh mạng lo ngại khi ứng dụng đòi quyền xem, chuyển và lưu trữ hình ảnh của người dùng. Nhà phát triển khẳng định sẽ xóa ảnh sau 24 đến 48 tiếng khỏi máy chủ nhưng không có cách nào xác minh được họ có làm như cam kết hay không.
Theo tạp chí Wired, ứng dụng còn sử dụng dữ liệu của người dùng để quảng cáo mục tiêu. Ngoài các vấn đề về quyền riêng tư, cần phải cảnh giác trước thực tế những ứng dụng hot thường bị lợi dụng cho những chiến dịch thu thập dữ liệu. Vụ bê bối Cambridge Analytica năm 2018 xuất phát từ một ứng dụng Facebook trả tiền cho người dùng để trả lời vài câu hỏi. Sau đó, nó lại khai thác nhiều dữ liệu hơn về bạn bè, gia đình của người dùng, sự cố ảnh hưởng tới 87 triệu người dùng.
Các chuyên gia bảo mật đều khuyên người dùng nên thận trọng với mọi ứng dụng. Bất kỳ thứ gì bạn tải về điện thoại đều đi kèm rủi ro. Mọi người có thói quen tải về mà không đọc kỹ điều khoản, điều kiện sử dụng dịch vụ. Bạn cho phép nó truy cập ảnh của mình. Kể cả sau khi xóa ứng dụng, thông tin mà nó truy cập vẫn có thể ở trên đám mây.
Trên thực tế, bất chấp các cảnh báo về dữ liệu và quyền riêng tư, hầu hết mọi người vẫn vô tư tải về những ứng dụng gây sốt. Lượng người sử dụng mạng xã hội không ngừng tăng lên, được thúc đẩy một phần nhờ những ứng dụng như FaceApp, Voila… Nếu không muốn bị lộ dữ liệu hay đánh cắp tài khoản, bạn nên thận trọng, đọc kỹ điều khoản sử dụng trước khi click tải về bất kỳ ứng dụng nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo