An ninh mạng

Sau VOV, Pháp Luật TP.HCM… đến lượt báo điện tử nào là mục tiêu tấn công mạng?

DNVN - Trang web và Fanpage của báo điện tử VOV vừa bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), làm tràn băng thông khiến việc truy cập bị tê liệt. Tiếp đó, Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM cũng gặp tình trạng tương tự.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mạng qua lỗ hổng phần mềm VMware ở Việt Nam / Các kiểu tấn công từ chối dịch vụ phổ biến nhất hiện nay

Liên tiếp các tờ báo lớn bị tấn công mạng

Ngày 14/6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an cho biết đã nhận được công văn của Báo điện tử VOV (vov.vn) về việc trang web và fanpage của báo bị tấn công bằng từ chối dịch vụ (DDoS), khiến băng thông truy cập quá tải. Trước đó, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Viettel và VNPT gấp rút xử lý việc báo điện tử VOV bị tấn công.

ii

Một số đối tượng đã có hành vi kích động, tạo tài khoản ảo để tấn công nhiều nền tảng của báo điện tử VOV. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, trong hai ngày 12 và 13/6, một số đối tượng đã có hành vi kích động, tạo tài khoản ảo để tấn công nhiều nền tảng của báo điện tử VOV. Bắt đầu từ trưa 12/6, toàn bộ các nền tảng mạng xã hội của báo điện tử VOV trên Google, Facebook bị các nhóm đối tượng tổ chức spam, đe dọa, dùng lời lẽ cục cằn để bình luận… kêu gọi đánh giá 1* (1 sao) trên Google Maps nhằm giảm uy tín của cơ quan này, khiến trang vov.vn đang ở thứ hạng 4, 5* bị tụt xuống 1,9*. Đỉnh điểm là việc tấn công DDOS trong ngày 13/6, tấn công Fanpage của báo, gửi thư, gọi điện xúc phạm đến các nhân vật đã trả lời phỏng vấn, gửi tin nhắn đe dọa đến phóng viên viết bài.

Theo thông tin từ báo điện tử VOV, từ tối 12/6, việc truy cập vào trang web vov.vn đã gặp khó khăn, đường truyền bị chậm. Đến 12h trưa 13/6, báo điện tử vov.vn truy cập được bình thường. Sự cố này gây ảnh hưởng đến hoạt động của tòa soạn và quyền truy cập thông tin của độc giả. Đây là sự việc chưa từng có trong lịch sử hoạt động 22 năm của cơ quan báo chí quốc gia này.

Báo điện tử VOV đã liên hệ với Google và Facebook để xử lý những vấn đề liên quan. Đồng thời, khẩn cấp liên hệ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ TT&TT để phối hợp xử lý những sai phạm của các đối tượng quá khích. Ngoài ra, VOV đang rà soát, phát hiện mã độc trong hệ thống, hạn chế hậu quả do các đợt tấn công mạng gây ra.

Tiếp đó, chiều ngày 15/6, Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM bị tấn công từ chối dịch vụ gây gián đoạn truy cập. Cùng ngày, lãnh đạo Báo Sài Gòn Giải Phóng và Báo Thanh Niên cho biết website của hai báo này gặp tình trạng truy cập chập chờn, thậm chí có lúc bị gián đoạn.

 

Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, vụ tấn công xảy ra vào chiều ngày 15/6 khiến trang báo điện tử plo.vn chập chờn, khó truy cập. Thậm chí vào khoảng 17h và gần 19h cùng ngày, nhiều bạn đọc không thể truy cập được. Đến 20h30 phút ngày 15/6, báo điện tử plo.vn mới hoạt động trở lại bình thường. Các cuộc tấn công diễn ra dồn dập, hết đợt này đến đợt khác và có cùng phương thức với những cuộc tấn công vào Báo điện tử VOV.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã báo với cơ quan chức năng để phối hợp điều tra, xử lý vụ việc. Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), Cục An toàn Thông tin, Cục Phát Thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã được báo cáo và có sự chỉ đạo kịp thời.

Đáng chú ý là những tờ báo điện tử bị tấn công trước đó đều có các bài phân tích về hoạt động livestream nói xấu, bóc phốt người khác trên mạng xã hội.

Bộ Công an đang điều tra làm rõ những ai đứng phía sau vụ tấn công mạng được đánh giá là nguy hiểm và nghiêm trọng này. Ngoài việc rà quét để truy nguồn các cuộc tấn công, Bộ Công an cũng chỉ đạo các Cục nghiệp vụ hỗ trợ việc đảm bảo an toàn thông tin mạng nhằm khắc phục sự cố.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo: Các báo điện tử đều có thể là mục tiêu tấn công

 

Theo các chuyên gia pháp lý và đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), vụ tấn công mạng nhắm vào các báo điện tử không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của báo chí và đe dọa đến lĩnh vực an ninh mạng.

Cục An toàn thông tin đang tiếp tục phối hợp với báo điện tử VOV để nắm lại toàn bộ thông tin về thời gian, diễn biến vụ việc, IP nào tấn công và tấn công vào hệ thống cụ thể nào. Hiện tại, vẫn ghi nhận thêm các đợt tấn công mạng nhắm đến Báo diện tử VOV. Cục An toàn thông tin cũng làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ Internet để họ vừa tham gia chống đỡ, vừa hỗ trợ công tác truy vết tấn công.

Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo, tất cả trang báo đều có thể là mục tiêu tấn công của hacker. Để phòng tránh những tình huống từ thời điểm khởi đầu có dấu hiệu bị tấn công, các phòng ban chuyên môn có nghiệp vụ làm việc tại cơ quan báo chí điện tử cần nắm bắt kịp thời các vấn đề thì thời gian xử lý sẽ nhanh và hiệu quả.

Cụ thể, các báo cần chủ động trang bị phương án, hệ thống và lên kế hoạch từ trước để xử lý những vụ việc tấn công bất ngờ tương tự. Sau khi gặp sự cố sẽ biết các đầu mối chính xác và đơn vị xử lý có thể phối hợp bằng các biện pháp kỹ thuật để mở băng thông, ngăn chặn được địa chỉ nguồn tấn công. Như vậy, chỉ mất từ 30 phút - 1 tiếng là có thể kiểm soát được một vụ tấn công. Các quy trình và việc lên phương án xử lý sự cố được đại diện Cục An toàn thông tin khẳng định là vô cùng quan trọng. Bởi trong phương án này sẽ có đầy đủ từ biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật và con người tham gia.

Hacker có thể bị phạt 12 năm tù

 

Trong khi đó, nhiều luật sư cho rằng, việc tấn công có chủ đích vào trang báo điện tử và nền tảng mạng xã hội của tờ báo là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Khi vào cuộc, cơ quan điều tra sẽ xem xét nhiều yếu tố như động cơ, tính chất và hậu quả của hành vi, từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Dưới góc độ hành chính, hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng theo Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Mặt khác, những hành vi như cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng hay truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số sẽ bị xử phạt 30-50 triệu đồng. Như vậy, mức xử phạt hành chính tối đa mà hacker phải đối mặt là 50 triệu đồng.

i

Việc tấn công có chủ đích vào trang báo điện tử và nền tảng mạng xã hội của tờ báo là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)

 

Dưới góc độ hình sự, một số luật sư cho biết hành vi tấn công mạng nhắm vào VOV có dấu hiệu của tội Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy, mạng viễn thông, phương tiện điện tử theo Điều 287 Bộ luật Hình sự 2015. Để thỏa mãn cấu thành tội danh này, người phạm tội phải thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng; gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến dưới 24 giờ, hoặc từ 3 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ.

Các dấu hiệu này mang tính định lượng, là dấu hiệu bắt buộc của tội danh này. Với việc các trang mạng bị ngưng trệ trong 2 ngày 13 và 14/6, theo luật sư, hành vi của các hacker đã thỏa mãn tội danh theo Điều 287 Bộ luật Hình sự 2015 và sẽ đối diện mức án tối đa 12 năm tù.

Ngoài ra, cơ quan điều tra có thể xem xét, xử lý hình sự hacker về tội Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp hacker được thuê tấn công mạng, người thuê cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương tự.

Dưới góc độ dân sự, VOV, báo Pháp luật TP.HCM có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường toàn bộ thiệt hại mà tờ báo phải gánh chịu như chi phí khắc phục hậu quả hay phần thu nhập quảng cáo bị mất do hoạt động của trang web bị gián đoạn.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm