Chính phủ số

“Bắt lỗi” sổ sức khỏe điện tử và hướng dẫn cách khắc phục

DNVN - Bị mất thông tin mũi tiêm, lỗi kết nối hệ thống, không có mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử trong mục Chứng nhận tiêm vaccine COVID-19… là những lỗi khá phổ biến trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử được người dân phản ánh gần đây.

Gần 3,5 triệu người Việt Nam có chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử / “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”, thông điệp truyền thông cho giai đoạn mới

Nhiều đánh giá 1* trên các chợ ứng dụng

Những ngày gần đây, nhiều tỉnh thành tổ chức tiêm chủng trên diện rộng nên số lượng người sử dụng Sổ sức khỏe điện tử tăng vọt, kéo theo các phản ánh về chất lượng của ứng dụng cũng xuất hiện khá nhiều.

Trên App Store, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử từng đạt mức 3,7* vào tháng 7, nhưng giờ tụt xuống mức 3*, số lượng đánh giá 1* ngang bằng các đánh giá 5*. Trên Google Play, chiếm phần lớn trong số gần 20 nghìn đánh giá là 1*, khiến ứng dụng này chỉ đạt trung bình 2,1*.

Có thể điểm qua một số lỗi cơ bản như sau:

Trước hết là hiện tượng "mất chứng nhận tiêm". Một số người phản ánh, 2-3 ngày sau khi tiêm mũi 1, họ vào xem lại thông tin trong ứng dụng, app yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân, người dùng làm theo thì mất các chứng nhận tiêm cũ. Trả lời thắc mắc này, đơn vị phát triển Viettel Solutions khẳng định chứng chỉ tiêm sẽ không mất, trừ khi người dùng thay đổi thông tin như họ tên, số điện thoại... so với thông tin khai báo khi tiêm. Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống Tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế.

Trong khi đó, Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 quốc gia mới đây bổ sung thêm tính năng phản ánh để người dùng chủ động bổ sung, báo thay đổi thông tin. Song nhiều người cho biết đã gửi phản ánh hàng tuần mà chưa có kết quả. Theo Viettel Solutions, đơn vị đã hoàn thành tính năng tiếp nhận phản ánh thông tin tiêm chủng của người dân trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Các thông tin phản ánh sẽ được phân loại theo nhóm, sau đó chuyển cho các bệnh viện/cơ sở y tế chịu trách nhiệm tiêm tương ứng hoặc bộ phận hotline để xử lý.

Một lỗi phổ biến khác là thiếu chứng nhận tiêm. Nhiều người cho biết đã tiêm vaccine nhiều tháng nhưng không được chứng nhận trên Sổ sức khỏe điện tử.

Đại diện của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết thời gian đầu nhiều điểm tiêm không sử dụng công nghệ để quản lý, do vậy dữ liệu cũ vẫn trong quá trình nhập lại hệ thống. "Bộ Y tế đã có Văn bản (số 7229/BYT-VPB1) gửi các địa phương đôn đốc các đơn vị triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đồng thời cập nhật kết quả tiêm trước đó lên hệ thống trước ngày 20/9. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh số liệu trên hệ thống phần mềm Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là số liệu chính thức hoàn thành tiêm chủng của các tỉnh, thành phố", Phó Cục trưởng Nguyễn Trường Nam thông tin.

Đại diện Viettel Solutions, đơn vị vận hành hệ thống quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia cũng ghi nhận việc các điểm tiêm chủng bị thiếu. Nguyên nhân là khi tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh thì quá trình cập nhật do các địa phương đảm nhiệm chưa kịp hoàn thiện.

Đáng chú ý là các lỗi từng xuất hiện từ hồi mới triển khai Sổ sức khỏe điện tử vẫn được người dùng phản ánh như: “nhiều tính năng rất khó truy cập, liên tục lỗi giao tiếp với hệ thống”, "đăng ký chục lần chưa được", "không thể nhập mã OTP", "nhập thông tin nhưng hệ thống báo lỗi"...

Dữ liệu trên Sổ sức khỏe điện tử rất quan trọng, không chỉ cung cấp chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 mà còn để đánh giá miễn dịch cộng đồng, độ bao phủ vaccine... (Ảnh: Internet)

Dữ liệu trên Sổ sức khỏe điện tử rất quan trọng, không chỉ cung cấp chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 mà còn để đánh giá miễn dịch cộng đồng, độ bao phủ vaccine... (Ảnh: Internet)

Trước băn khoăn của một số người dân khi đã tiêm mũi 1 vaccine nhưng làm thất lạc giấy chứng nhận tiêm hoặc thông tin chưa được cập nhật lên hệ thống tiêm chủng, đại diện của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho hay, hầu hết người đã tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 đều nằm trong đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và của Bộ Y tế quy định nên khi đến lịch tiêm mũi 2 sẽ được cơ quan, tổ chức, khu dân cư thông báo.

Cách điều chỉnh thông tin cá nhân trên Cổng thông tin tiêm chủng

Hiện nay, có nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 nhưng không được cập nhật trên hệ thống, không có mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử trong mục Chứng nhận tiêm vaccine COVID-19. Người dân lo lắng nếu thông tin tiêm chủng chưa được cập nhật có thể gây khó khăn khi cần xuất trình chứng nhận tiêm vaccine trong quá trình lưu thông và làm việc.

Về nguyên tắc, khi tiêm vaccine phòng COVID-19, các đơn vị thực hiện tiêm chủng sẽ chủ động cập nhật thông tin của người dân lên hệ thống tiemchungcovid19.moh.gov.vn và sau khi tiêm, người dân sẽ có kết quả ngay trên Sổ sức khỏe điện tử. Song thời gian qua, không phải tất cả các đơn vị đều tổ chức đăng ký tiêm trên phần mềm dẫn đến dữ liệu bị cập nhật chậm.

 

Trường hợp muốn điều chỉnh thông tin tiêm chủng, người dân cần cung cấp đầy đủ thông tin, đính kèm ảnh chụp "Giấy xác nhận đã tiêm vaccine COVID-19" vào phần phản ánh thông tin tiêm vaccine COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng tiemchungcovid19.gov.vn hoặc đến số điện thoại đường dây nóng 19009095.

Sau đó, điền đầy đủ thông tin cá nhân cần thiết như họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, đơn vị công tác, số điện thoại và cuối cùng là mục thông tin cần điều chỉnh. Tại đây, người dùng có thể gửi yêu cầu điều chỉnh thông tin về mũi tiêm 1, mũi tiêm 2 hoặc cả hai mũi, sau đó nhập thông tin cần điều chỉnh và bấm thêm tệp để tải lên giấy chứng nhận được cấp trước đó và bấm gửi.

Đơn vị tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ chịu trách nhiệm cập nhật và nhập dữ liệu của người được tiêm vaccine lên hệ thống. Vì vậy, người dân có thể liên hệ với điểm tiêm chủng để đơn vị cập nhật đầy đủ các mũi tiêm vaccine COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận trên 34 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nguồn khác nhau. Đến sáng 12/9, cả nước đã tiêm chủng gần 28,3 triệu liều vaccine.

Về kết quả tiêm ít nhất 1 liều cho nhóm từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương tính đến ngày 11/9, Bộ Y tế cho biết TP Hồ Chí Minh đã tiêm 7,4 triệu liều (đạt 100%); Bình Dương đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 82%); Đồng Nai đã tiêm 1,3 triệu liều (đạt 60%); Long An đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 100%); Hà Nội đã tiêm 4,4 triệu liều (đạt 77%).

 

Riêng số mũi 2 đã tiêm được tại TP Hồ Chí Minh là 896.835 liều (13%) và Hà Nội là 555.481 liều (10%).

Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế, đã được cung cấp trên Google Play cho thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và trên App Store cho thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS. Ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe, chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân; đồng thời người dân có thể đăng ký tiêm vaccin phòng COVID-19 bằng ứng dụng này ngay trên smartphone. Sổ sức khỏe điện tử được bảo mật nhiều lớp, đảm bảo an toàn tuyệt đối toàn bộ thông tin cá nhân.

Dữ liệu trên Sổ sức khỏe điện tử rất quan trọng, không chỉ cung cấp chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 mà còn để đánh giá miễn dịch cộng đồng, độ bao phủ vaccine… nhằm điều chỉnh các biện pháp chống dịch thích hợp.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm