Các trạm BTS cũ lắp đặt trên đất công được duy trì đến khi có quy định mới
Bộ TT&TT dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác / Hà Nội hợp tác với Cục Viễn thông, Cục Bưu điện Trung ương phát triển hạ tầng số
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương trong việc khai thác tài sản công để lắp đặt trạm BTS. (Ảnh: Báo SGGP)
Đây là một trong những nội dung được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết 149 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 10/10.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương trong việc khai thác tài sản công để lắp đặt trạm BTS và quản lý, sử dụng số tiền thu được. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát việc sử dụng các tài sản công, đề xuất báo cáo Chính phủ cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả nguồn lực này.
Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đưa quy định về việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS trên tài sản công vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông theo quy định pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), mạng viễn thông di động tại Việt Nam triển khai từ năm 1993 đến nay đã có tổng số khoảng 100.000 trạm BTS. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai 7.700 vị trí trên đất công (tại trụ sở UBND và khu vực thuộc quân đội, công viên, tuyến đường, phố...).
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 10 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) đã quy định nghiêm cấm “sử dụng tài sản công không đúng mục đích” và tại khoản 5 Điều 10 của Luật này cũng quy định nghiêm cấm “sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao”.
Căn cứ theo các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì sự tồn tại của các trạm BTS lắp đặt trên đất công chưa có căn cứ rõ ràng. Giữa các bộ, ngành và địa phương đã có cách hiểu khác nhau về việc phát triển hạ tầng trạm BTS. Một số địa phương yêu cầu di dời các trạm BTS đang đặt trên tài sản công gồm đất công, trụ sở công, địa điểm công, công trình công.
Trên thực tế, việc di dời các trạm BTS sẽ khiến chất lượng dịch vụ viễn thông di động không đảm bảo, ảnh hưởng đến thông tin liên lạc, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp nơi có đặt trạm BTS. Trong khi đây là hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và Điều 57 Luật Viễn thông có quy định công trình viễn thông công cộng được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển.
Từ cuối tháng 4/2020, Bộ TT&TT đã có Tờ trình 26/TTr-BTTTT đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề trên. Cụ thể, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp viễn thông di động lắp đặt BTS trên đất công, tạo điều kiện cho nhà mạng bảo đảm cung cấp dịch vụ cho khách hàng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo