Chính phủ số

Công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia

DNVN - Hôm nay 19/8, Văn phòng Chính phủ đã công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng DVCQG đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.

Những dịch vụ nào được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia? / Tổng cục Thuế khuyến khích nộp thuế điện tử qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Người dân tại Hà Nội, TP.HCM có thể ngồi nhà để nộp phí trước bạ

Sáng nay, 19/8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng DVCQG.

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi vào vận hành được coi là điểm nhấn quan trọng thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại lễ khai trương. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối với các trung tâm điều hành, hệ thống thông tin báo cáo, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương, trở thành một trong những thành phần cốt lõi của hạ tầng số thông minh. Từ Trung tâm này, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến giúp Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương.

Cũng trong sáng nay, Văn phòng Chính phủ công bố tích hợp ba dịch vụ công trực tuyến được người dân, doanh nghiệp quan tâm trên Cổng DVCQG. Đó là dịch vụ công thứ 1.000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động; và dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Trong khuôn khổ sự kiện công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng DVCQG, người dân tại các điểm cầu ở Hà Nội, TP.HCM đã trải nghiệm sử dụng các dịch vụ công mới.

Dịch vụ thứ 998 - Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng BHXH cho hơn 14,5 triệu lao động và 12,8 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng tháng. Dịch vụ công này được thực hiện trực tuyến ngoài thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công. Nếu chỉ lấy con số 501.044 đơn vị sử dụng lao động đã có giao dịch điện tử với Bảo hiểm xã hội thì số tiền tiết kiệm được của toàn xã hội hàng năm là hơn 1.329 tỷ đồng.

Với dịch vụ thứ 999 - liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất). Hỗ trợ chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan bảo đảm việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan. Dịch vụ sẽ phục vụ khoảng 800.000 đơn vị sử dụng lao động. Nếu thực hiện dịch vụ liên thông điện tử, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công mỗi năm, chi phí tiết kiệm của xã hội tối thiểu hơn 344 tỷ đồng/năm.

Dịch vụ thứ 1.000 - Kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 được thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TP.HCM. Giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe. Khi triển khai toàn quốc, dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 sẽ phục vụ hơn 4 triệu trường hợp đăng ký xe trong một năm. Với việc áp dụng thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng 327 tỷ đồng.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Cổng DVCQG được khai trương vào tháng 12/2019 tại địa chỉ dichvucong.gov.vn. Đây là đầu mối kết nối các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, tạo kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.

Theo Văn phòng Chính phủ, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng DVCQG đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (tính tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000) là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới Cổng DVCQG hoàn thành việc tích hợp, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu như: xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, viện phí, học phí... Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn và hoàn thành mục tiêu là cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Cổng DVCQG là kênh hữu hiệu nhất để điện tử hóa các dịch vụ hành chính. Việc thực hiện các thủ tục hành chính qua Cổng còn tạo thêm kênh minh bạch, giám sát trong quá trình thực hiện của các cán bộ.

Nói thêm về lợi ích đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, qua tài khoản trên Cổng DVCQG, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành địa phương và thực hiện trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan mà không bị giới hạn bởi thời gian, địa giới hành chính. Cùng với việc thúc đẩy hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu tiên lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công là thêm kênh giám sát và đảm bảo sự minh bạch trong quá trình giải quyết thông tin của doanh nghiệp.

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng DVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT.

Cổng DVCQG được xem là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Tính đến ngày 19/8/2020, Cổng DVCQG đã có 227.000 tài khoản đăng ký; gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; có 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng, hơn 281.000 hồ sơ trực tuyến.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo