Chính phủ số

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy thương mại điện tử, chống thất thu thuế

DNVN - Phát biểu tại “Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế”, sáng ngày 10/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh giải pháp cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, kinh doanh.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính - Giải pháp thúc đẩy Chính phủ số / IOC: “Bộ não số” trong Chính phủ số, chính quyền số

Chủ trì “Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các thành viên tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được của Đề án 06, Thủ tướng nhấn mạnh không được phép chủ quan, tự mãn, "ngủ quên trong chiến thắng". Phải tập trung tháo gỡ nhanh chóng liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực... trong quá triển khai đề án này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc triển khai Đề án 06.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, việc rà soát văn bản để phục vụ triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ khó, phạm vi văn bản rà soát rộng, mục tiêu lớn. Thời gian thực hiện ngắn, nguồn lực chưa tương xứng với khối lượng, tính chất nhiệm vụ.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các bộ, cơ quan, địa phương nhận được nhiều chỉ đạo, yêu cầu thực hiện rà soát văn bản có phạm vi rà soát (về cả nội dung và thời gian) có sự đan xen, giao thoa dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức thực hiện, tổng hợp, báo cáo. Một số bộ, cơ quan chưa kịp thời gửi thông tin, báo cáo về Bộ Tư pháp, ảnh hưởng tới tiến độ tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Để tháo gỡ "điểm nghẽn" khi triển khai Đề án 06, Bộ Tư pháp đề nghị đối với việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đề án, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại văn bản số 2635 ngày 21/4/2024 về ban hành sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã rà soát, bổ sung. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đã được đề ra, bám sát tiến độ thực hiện Đề án 06 để xử lý hiệu quả kịp thời.

Các bộ, ngành cần tập trung nguồn lực bảo đảm công tác rà soát văn bản, xây dựng văn bản được thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật đã có kế hoạch, chương trình sửa đổi, bổ sung. Trong quá trình xây dựng, thẩm định văn bản, tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý rà soát các quy định triển khai Đề án 06.

“Cần thực thi các giải pháp, phương án đơn giản hoá quy định liên quan đến thủ tục hành chính, kinh doanh liên quan đến công dân. Nhất là vấn đề chia sẻ, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh giao dịch điện tử, thương mại điện tử… góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”, ông Tịnh nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm