Chính phủ số

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hướng tới xây dựng kinh tế số bền vững

DNVN - Vừa qua, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức thành công Hội nghị “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế số bền vững”.

Hỗ trợ khu vực công nâng cao năng lực với AI tạo sinh / Lần đầu tiên Việt Nam có chỉ số Chính phủ điện tử ở mức "rất cao"

Hội nghị được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10). Một số mục tiêu hướng đến là xác định các quốc gia với mô hình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số có giá trị tham khảo cho Việt Nam; phân tích các chính sách, chiến lược, hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của các quốc gia này cũng như hiệu quả với hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đưa ra khuyến nghị phù hợp cho Việt Nam.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có thêm định hướng, cơ hội, tiềm lực để nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết: Bộ đã và đang rất quyết liệt hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như chủ động huy động các nguồn lực, các doanh nghiệp công nghệ lớn để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo thống kê cho thấy, từ năm 2021 đến nay, Cục Phát triển doanh nghiệp đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội chủ động triển khai chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như huy động các nguồn lực quốc tế. Với sự hỗ trợ của GIZ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cục Phát triển doanh nghiệp đã triển khai đào tạo trực tiếp cho gần 14.200 doanh nghiệp trên ca nước; xây dựng mạng lưới hơn 150 tư vấn viên về chuyển đổi số để phát triển hệ sinh thái số cho doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho khoảng hơn 400 doanh nghiệp nhằm xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số...

Tại hội nghị, các chuyên gia và các doanh nghiệp lớn đã chia sẻ cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp Việt trong ứng dụng BigData và AI, việc ứng dụng trong quản trị doanh nghiệp để tăng năng suất, các mô hình trên thế giới có thể ứng dụng tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông Dennis Quennet - Giám đốc Chương trình Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế GIZ cho rằng: Hiện nay, chuyển đổi kép đã trở thành xu thế mới trên toàn cầu, trong đó các giải pháp số sẽ được áp dụng để quản lý tốt hơn các vấn đề môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Cũng theo ông Dennis Quennet, chuyển đổi số còn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện năng suất, dễ dàng hơn trong tìm kiếm thị trường mới, và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, số hóa cũng tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và các vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Chúng ta cần có những giải pháp quản lý tốt để tối ưu hóa các lợi ích và giảm thiểu các rủi ro từ quá trình chuyển đổi số.

Điểm nhấn của hội nghị là Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cục Phát triển doanh nghiệp với 5 doanh nghiệp công nghệ nhằm thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Tổng giá trị cam kết hỗ trợ là hơn 33 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được tại hội nghị, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có thêm định hướng, cơ hội, tiềm lực để nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi số, đưa doanh nghiệp phát triển vững mạnh, góp phần xây dựng nền kinh tế số Việt Nam bền vững trong giai đoạn mới.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại đây.


Bảo Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo