Chính phủ số

Hoạt động xây dựng, chia sẻ thông tin kết nối dữ liệu quốc gia còn hạn chế

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, hoạt động xây dựng, chia sẻ thông tin kết nối dữ liệu quốc gia còn hạn chế. Mới chỉ có 1/5 các bộ, ngành, địa phương bảo đảm mức độ an toàn thông tin kết nối chia sẻ dữ liệu tầm quốc gia.

Chuyển đổi số y tế: Hai điểm nghẽn lớn nhất cần nhanh chóng tháo gỡ / Bộ TT&TT đôn đốc mỗi địa phương xây dựng nghị quyết riêng về chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, các bộ ngành và chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã hình thành hệ thống thông tin để tham gia vào hệ thống dữ liệu quốc gia.

Điều đáng ghi nhận trong hoạt động xây dựng, khai thác, chia sẻ dữ liệu số là các địa phương và bộ ngành đã nỗ lực triển khai cơ sở dữ liệu mang tầm quốc gia như các dữ liệu về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch đã bắt đầu có kết quả tốt. Đây chính là động lực, kích thích để Việt Nam thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

“Tuy nhiên, mới chỉ có hơn 1/5 các bộ, ngành, địa phương bảo đảm mức độ an toàn thông tin kết nối chia sẻ dữ liệu ở tầm quốc gia. Nhiều địa phương chưa bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật trong xây dựng hệ thống dữ liệu số. Đây là khó khăn cần nhanh chóng khắc phục để hoạt động chia sẻ thông tin diễn ra càng sớm càng tốt”, ông Tiến cho biết.

Hoạt động xây dựng, chia sẻ thông tin kết nối dữ liệu quốc gia còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, việc xác thực dữ liệu thông tin về cư trú thời gian qua, mặc dù thông tin đã được số hóa nhưng cơ quan chức năng nhiều nơi vẫn yêu cầu các giấy tờ xác nhận thông tin khiến cho người dân bức xúc. Điểm nghẽn về kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin vẫn diễn ra trong các bộ ngành.

Nguyên nhân của bất cập, hạn chế này, theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia là do thói quen cũng như thể chế chưa cho phép các bộ ngành kết nối, chia sẻ dữ liệu. Thói quen, tư tưởng làm việc của công chức cần phải cởi mở hơn. Điều này rất quan trọng trong yêu cầu xử lý công việc đối với công chức thời chuyển đổi số.

Phải xem dữ liệu trên cổng thông tin quốc gia đang hạn chế phần nào, từ đó, có giải pháp thúc đẩy hoạt động kết nối, chia sẻ để cung cấp thêm dữ liệu; khuyến khích toàn xã hội cùng kết nối chia sẻ dữ liệu thông tin.

Đối với việc hoàn thiện thể chế, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Đây sẽ là khung pháp lý quan trọng để mỗi bộ, ngành, địa phương quyết liệt số hóa toàn quốc, góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động chuyển đổi số năm 2023 – năm mà Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm chuyển đổi số đem lại những giá trị thực chất.

“Phải thúc đẩy hơn nữa hợp tác công tư trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Các cơ quan Nhà nước trong năm 2023 cần ban hành sớm các kế hoạch cung cấp dữ liệu mở. Có chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng dữ liệu do cơ quan Nhà nước cung cấp, đồng thời, khuyến khích họ đóng góp vào việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng cho rằng, cần có chính sách thu hút toàn xã hội đóng góp vào hệ thống dữ liệu quốc gia, đặc biệt thời gian tới, Việt Nam phát triển đô thị thông minh, rất cần khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu mở quốc gia. Chính sách này cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện về lợi ích cho cá nhân và tập thể có đóng góp thiết thực và hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia.

“Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu chính sách mở rộng thị trường dữ liệu, ví dụ, đối với thị trường bất động sản, cần xây dựng, chia sẻ nguồn dữ liệu công khai để thúc đẩy thị trường này hoạt động hiệu quả hơn”, ông Tiến nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm