Chính phủ số

Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ diễn ra vào tháng 9 tại TPHCM

DNVN - Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm nay có chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và giải pháp công nghệ” sẽ diễn ra ngày 17/9 tại TP.HCM.

Chính phủ điện tử: Phải đảm bảo an toàn thông tin, không được để lộ lọt dữ liệu, bí mật Nhà nước / Cơ sở dữ liệu về dân cư và đất đai là nền tảng phát triển Chính phủ điện tử

Thay đổi nhận thức về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử.

Hôm nay tại Hà Nội, IDG Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức công bố chương trình hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020.

Là sự kiện được Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ và UBND TP.HCM bảo trợ, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 sẽ là nơi các lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, tỉnh thành cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận, đề xuất mô hình, lộ trình và giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công quốc gia hướng tới hình thành Chính phủ số.

Cuối tháng 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định, khả năng đột phá trong xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là rất cao. Từ báo cáo của các bộ, ngành cho thấy, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2019. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã phát huy hiệu quả với hơn 800 dịch vụ công được cung cấp, gần 12 triệu hồ sơ được đồng bộ giải quyết; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.

Vào ngày 15/8/2020, Văn phòng Chính phủ sẽ khai trương Trung tâm điều hành dịch vụ công quốc gia, qua đó nâng cao hơn nữa khả năng đáp ứng các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, tạo bước tiến vững chắc trong phát triển Chính phủ điện tử.

Từ thực tế đó, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, ứng dụng CNTT cũng như xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam ở một số ngành, lĩnh vực đã có những chuyển động đáng mừng. Tuy nhiên, những gì chúng ta mong muốn vẫn còn rất xa và so với thế giới, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn. Việc tiếp tục tổ chức hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử nhằm mục đích tạo ra chuyển biến trong trong nhận thức, nhất là nhận thức của những người đứng đầu về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ điện tử, liên tiếp trong 4 kỳ đánh giá từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đều tăng hạng. Hiện Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 6 tại Đông Nam Á. Tổng thể các giải pháp đang được triển khai đều nhắm đến mục tiêu là đến năm 2025 Việt Nam có tên trong Top 4 quốc gia hàng đầu về Chính phủ điện tử tại Đông Nam Á và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu thế giới về Chính phủ điện tử...

Hướng đến Chính phủ số: Mô hình và giải pháp công nghệ

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số với mong muốn tạo ra sự đột phá nhằm hình thành một nền kinh tế số, xã hội số và xa hơn là quốc gia số toàn diện.

Phân tích về chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và giải pháp công nghệ”, ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, việc chọn chủ đề về Chính phủ số rất phù hợp, bám sát theo xu hướng phát triển của thế giới và Việt Nam.

ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, việc chọn chủ đề về Chính phủ số rất phù hợp, bám sát theo xu hướng phát triển của thế giới và Việt Nam

Ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, việc chọn chủ đề về Chính phủ số rất phù hợp, bám sát theo xu hướng phát triển của thế giới và Việt Nam. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định Chính phủ số là 1 trong 3 trụ cột lớn, cùng với kinh tế số và xã hội số. Bộ TT&TT cũng đã xác định năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, coi chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thông tin về chương trình hội thảo, đại diện Ban tổ chức cho biết, phiên báo cáo chính sẽ tập trung giới thiệu mô hình, lộ trình và giải pháp công nghệ nhằm phát triển Cổng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ số, với các tham luận của đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ, UBND TP.HCM…

Trong khuôn khổ hội thảo, còn diễn ra 3 phiên chuyên đề: “Sáng tạo, năng động trong hoạt động quản lý vận chuyển, giao nhận và kho bãi”; “Chuyển đổi số ngành Giáo dục và xây dựng môi trường giáo dục 4.0, giáo dục thông minh”; “Chuyển đổi số hoạt động trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe”.

Được tổ chức theo hình thức tập trung, bán trực tuyến, hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 sẽ có khoảng 400 đại biểu dự trực tiếp; toàn bộ chương trình được truyền hình trực tuyến trên nền tảng công nghệ đến Văn phòng UBND tỉnh, thành; Sở TT&TT, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải cùng các bệnh viện, trường học tiêu biểu. Ngoài ra, sự kiện còn được livestream trên fanpage của IDG Việt Nam.

Diễn ra song song với hội thảo là triển lãm CNTT phục vụ công tác xây dựng hạ tầng và chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, có quy mô khoảng 30 gian triển lãm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm