Năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số
Bộ TT&TT đề nghị các Sở TT&TT ban hành Khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh / Sớm ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025
Bộ TT&TT đề xuất 6 giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 là một nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì thực hiện tại Chỉ thị 01 ngày 14/1/2020.
Tại Chỉ thị 01 ngày 14/1/2020, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số - các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Vietnam” với hàm ý “Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”.
Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030. Dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (mic.gov.vn) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ, đề cập đến sự cần thiết xây dựng Chiến lược, Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam đang có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đông đảo với khoảng 43.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT và khoảng 17.000 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực này.
Nhưng để đạt được mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, cần vượt qua một số khó khăn khi đa số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam còn phụ thuộc vào hoạt động gia công và công nghệ lõi từ nước ngoài, sản phẩm và giải pháp có giá trị gia tăng thấp, năng lực sáng tạo và cạnh tranh quốc tế còn hạn chế. Trong khi đó, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp công nghệ quốc tế ngày càng gay gắt. Lợi thế của Việt Nam về nhân công giá rẻ bị ảnh hưởng sâu sắc do tác động của các công nghệ mới có tính đột phá thay thế hoạt động có hàm lượng tri thức thấp.
Dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 xác định mục tiêu quan trọng là doanh nghiệp công nghệ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội, tham gia giải quyết các bài toán kinh tế xã hội của Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế.
Dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 xác định mục tiêu quan trọng là doanh nghiệp công nghệ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội. (Ảnh: Internet)
Bộ TT&TT đã đề xuất 6 nhóm giải pháp chính, bao gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đẩy mạnh năng lực nghiên cứu công nghệ số trong đó doanh nghiệp là lực lượng tiên phong. Hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số. Đổi mới mô hình phát triển nhân lực và phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số. Hình thành các định hướng phát triển đột phá thông qua các nhiệm vụ, dự án của Chính phủ có tác động lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được đưa ra tại dự thảo Chiến lược gồm có: Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số; Phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số; Doanh thu doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân bằng từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP; Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 20-30%/năm; Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP, 50% cho tăng năng suất lao động quốc gia và 70% tăng trưởng kinh tế số; Xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 2 khu vực ASEAN và top 50 trên thế giới.
16 địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã triển khai một số hoạt động như ban hành văn bản gửi các địa phương để thông báo đầu mối ở Trung ương là Vụ CNTT của Bộ TT&TT và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao Sở TT&TT là đầu mối ở các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đưa ra một số chỉ đạo để các địa phương có chính sách, giải pháp cụ thể phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Hiện nay đã có 16 địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01.
Đề cập đến vấn đề phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chúng ta phải có định hướng để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”. Thủ tướng nhấn mạnh, phải phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp CNTT, tăng quy mô cả về số lượng và doanh thu. Tổng số doanh thu 110 tỷ USD là tiến bộ nhưng phấn đấu có quy mô tốt hơn. "Không chỉ là 50.000 mà phải phấn đấu 100.000 doanh nghiệp, không phải chỉ có một Viettel, VNPT, CMC mà phải có hàng trăm, hàng chục doanh nghiệp có quy mô lớn như thế để doanh thu, hiệu quả, số lượng người phải đông hơn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, tổ chức, đến từng người dân, mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Bộ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính là hạt nhân của chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số bao gồm: Các doanh nghiệp công nghệ lớn có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực có thể làm chủ các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT với số lượng khoảng 10-20 doanh nghiệp; Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; Các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm đang chủ yếu làm gia công sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platform (nền tảng) chuyển đổi số; Các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo