Chính phủ số

Ứng dụng AI trong y tế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân

DNVN - Tại buổi tọa đàm vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có 3 ưu thế khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế. Đó là: đội ngũ triển khai khá hùng hậu, dữ liệu y tế sẵn sàng và nhu cầu thực tế lớn.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo - VinDr trong chẩn đoán hình ảnh y tế / Các tổ chức y tế là “mồi ngon” của tội phạm mạng trong giai đoạn dịch bệnh

Y tế số góp phần thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Trí tuệ nhân tạo là một khái niệm phức tạp dùng để chỉ khả năng nhận thức và suy nghĩ của máy móc. Việc phát triển công nghệ AI xuất phát từ nhu cầu tăng năng lực tính toán trong bối cảnh lượng dữ liệu cần xử lý ngày một lớn. Việt Nam cũng bắt đầu sử dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế nhưng nghiêng theo hướng ứng dụng hơn là tự phát triển.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhận định rằng xu thế phát triển về trí tuệ nhân tạo cùng với công nghệ số, công nghệ lưu trữ, dữ liệu lớn tạo ra nhiều điều kỳ diệu trong cuộc sống. Riêng với lĩnh vực y tế, toàn bộ tri thức của nhân loại, các y bác sĩ tích lũy nhiều năm giờ cũng được tổng hợp lại thông qua dữ liệu lớn. Các dữ liệu được phân tích dựa trên thuật toán, công nghệ máy tính, tạo ra công cụ hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Thứ trưởng kỳ vọng sẽ tập trung kết nối các nhà khoa học ở Việt Nam, Australia và tạo điều kiện hình thành nhiều dự án về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Trước mắt thì việc ứng dụng AI, công nghệ số, chuyển đổi số càng có ý nghĩa hơn trong việc phòng, chữa bệnh giúp doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau đại dịch Covid-19.

Theo TS. Trần Thị Mai Oanh - Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Y tế), Việt Nam có thể ứng dụng AI trong việc theo dõi sức khoẻ cá nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh, phát hiện sớm ung thư, tim mạch, theo dõi diễn biến bệnh hay giúp bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc... Tuy nhiên, để ứng dụng AI một cách hợp lý, Việt Nam nên có khung pháp lý hoàn chỉnh. Trong đó, AI cần được coi như một loại hình dịch vụ y tế và có quy trình hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật nhằm phân định rõ trách nhiệm giữa bác sĩ, bệnh nhân và đội ngũ phát triển công nghệ.

 ứng dụng AI trong việc theo dõi sức khoẻ cá nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh, phát hiện sớm ung thư, tim mạch, theo dõi diễn biến bệnh hay giúp bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc

Ứng dụng AI trong việc theo dõi sức khoẻ cá nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh, phát hiện sớm ung thư, tim mạch, theo dõi diễn biến bệnh hay giúp bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc. (Ảnh minh họa: Internet)

Công nghệ hỗ trợ phòng chống lao phổi

Từ năm 2016, Bệnh viện Phổi Trung ương đã bắt đầu nghiên cứu, phát triển AI với mục tiêu tận dụng tốt những lợi thế của công nghệ này. Tại đây, trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong quá trình chẩn đoán nhằm phát hiện lao phổi để điều trị sớm, cắt đứt nguồn lây và điều trị cả cho những người có nguy cơ tiến triển thành bệnh lao.

Theo PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống lao phổi tại Việt Nam.

Bệnh lao và phổi xuất phát từ việc môi trường sống ô nhiễm. 70% số người nhiễm lao có triệu chứng không ổn định. Với những trường hợp có triệu chứng ẩn hoặc không có triệu chứng, bác sĩ chỉ có thể phát hiện bệnh thông qua phim chụp X-quang. Số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng, trong khi năng lực khám chữa của các bệnh viện không tương xứng. Do vậy, áp dụng công nghệ sẽ giúp giải quyết cùng lúc hai bài toán, giảm khối lượng công việc của bác sĩ và tăng năng lực khám chữa bệnh. "Công nghệ sẽ hình ảnh hoá những bất thường dù nhỏ nhất, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra quyết định có đưa bệnh nhân này vào diện nguy cơ cần khám kỹ hơn hay không.", PGS. TS Nguyễn Viết Nhung nói.

 

Đáng chú ý, sử dụng AI để phát hiện những bất thường trong kết quả chụp X-Quang có tỷ lệ chính xác lên tới 92%, nếu chỉ dựa vào các biện pháp lâm sàng như ho gà, tỷ lệ phát hiện chỉ chiếm dưới 40%. Nhờ ưu điểm về độ chính xác cao, công nghệ AI đang được ứng dụng rộng rãi trong việc phòng chống lao phổi. Ngoài ứng dụng AI để đọc X-quang trong bệnh viện, việc kết hợp sử dụng AI với các xe chụp X-quang di động mang tới một giải pháp rất tốt nhằm phát hiện sớm nguy cơ lao phổi trong cộng đồng. Đặc điểm của bệnh lao là có khả năng lây bệnh cho người khác rất cao. Ngay trong năm 2020, tỷ lệ tử vọng do lao trên thế giới tăng lên 400.000 người. Nguyên tắc để chữa thành công bệnh lao là phát hiện sớm giống như Covid-19. Do đó, đưa công nghệ AI vào hoạt động khám chữa bệnh sẽ tăng cơ hội sống của bệnh nhân.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho người bệnh điều trị dài hạn trên 6 tháng, các chuyên gia của bệnh viện đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại có tên Dr. Minh giúp người bệnh và bác sĩ theo dõi tiền sử khám chữa bệnh. "Với AI, chúng tôi đã phát hiện được những bệnh lý bất thường dù rất khó về đường thở, máu. Công nghệ 4.0 nếu phát triển đầy đủ có thể giúp cho Việt Nam tiến tới chấm dứt bệnh lao", PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung khẳng định.

Ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực là xu thế tất yếu

Cũng trong buổi tọa đàm các chuyên gia đã thảo luận xoay quanh chủ đề nghiên cứu và ứng dụng AI gợi mở ra nhiều thông tin hữu ích.

Đại diện Học viện Kỹ thuật quân sự cho hay, Học viện đang đi theo hướng tạo ra những robot vận chuyển, đưa đồ vào trong các khu cách ly và ngược lại. Robot giảm tiếp xúc giữa nhân viên y tế và người cách ly, bệnh nhân xuống gần như 0%, giúp xử lý bài toán giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân tại những khu vực điều trị đặc biệt.

 

TS. Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế cho hay, trong những năm gần đây, ngành y tế rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa nhiều hoạt động. "Chúng tôi đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao cơ hội chăm sóc sức khoẻ người dân như xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin; dữ liệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân, bệnh án điện tử. Một số bệnh viện đang triển khai ứng dụng AI trong điều trị bệnh ở các bệnh viện như hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phú Thọ...". Gần đây, Bộ Y tế cũng đưa AI vào quá trình đào tạo năng lực cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh ở 8 bệnh viện trên cả nước.

Trong đại dịch Covid-19, AI được áp dụng khá rộng rãi, từ phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn, đến điều trị cho bệnh nhân. Điển hình như Zalo đưa ứng dụng AI xây dựng chatbox hỗ trợ tra cứu cơ sở điều trị Covid-19, tránh tình trạng người dân đổ dồn về các cơ sở y tế tuyến trên gây quá tải trong khám sàng lọc.

Viettel và FPT cũng đưa ứng dụng AI vào chatbot tự động thống kê tình hình dịch bệnh ở Việt Nam dưới dạng bản đồ theo thời gian thực. Chatbot trí tuệ nhân tạo như của Zalo, Viettel, FPT giúp người dân tiếp cận diễn biến dịch bệnh, chủ động trong phòng ngừa. AI còn được sử dụng trong các ứng dụng khác như Bluzone, NCOVI giúp ngành y tế phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh sớm và gửi tới cơ quan chức năng, giúp ngành y tế giám sát dịch bệnh và có phương án ứng phó kịp thời.

Sau thời gian diễn ra dịch bệnh, AI trong y tế sẽ tăng tốc, nhất là với những quốc gia đang nghiên cứu sản xuất vắc xin, áp dụng AI sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm vắc xin.

Ở nhánh tự nghiên cứu có giải pháp VinDr phân tích hình ảnh y tế toàn diện ứng dụng công nghệ AI của Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBDI - Vingroup) đã được thử nghiệm tại 3 bệnh viện lớn của Việt Nam. Điểm đặc biệt của giải pháp này là ứng dụng công nghệ AI trên nền tảng lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS). Trong bước đầu tiên, VinDr sẽ hỗ trợ 2 chức năng chẩn đoán bệnh lý phổi trên ảnh X-quang lồng ngực và chẩn đoán ung thư vú trên ảnh X-quang tuyến vú.

 

Các chuyên gia cho rằng, sau đại dịch Covid-19, AI còn được áp dụng để dự báo nhu cầu vật tư y tế; tham gia mạnh mẽ vào việc hỗ trợ phát hiện, cảnh báo, chăm sóc và chia sẻ về sức khỏe tâm thần phục vụ bệnh nhân…

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm