Kinh tế số

8 công nghệ có thể mang lại hàng chục tỷ USD cho kinh tế số Việt Nam năm 2030

DNVN - 8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng đóng góp vào nền kinh tế số Việt Nam gồm: internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ tài chính (fintech); Internet vạn vật (IoT) và viễn thám; robot tiên tiến và chế tạo đắp lớp.

Thương hiệu Việt “lép vế” trên sàn thương mại điện tử / Cần Thơ: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử

8 công nghệ chủ chốt
Dẫn số liệu của Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” tại hội thảo cùng tên diễn ra ngày 18/10, ông Fraser Thompson, đại diện nhóm nghiên cứu của Google cho hay: Nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại khoảng 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 - tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Trong đó, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.
Ông Fraser Thompson cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số. Đó là dân số trẻ, có học thức và am hiểu công nghệ tại Việt Nam chiếm 70% công dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ biết đọc và viết ở nhóm 15-35 tuổi trên 98% (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 91%) và khoảng hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, Việt Nam có nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia.

Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, Việt Nam đối mặt với rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số. Những rào cản này bao gồm các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số.
Theo ông Fraser Thompson, việc không dành nhiều quan tâm đến tác động của công nghệ số trong các lĩnh vực truyền thống ở Việt Nam, như sản xuất, sẽ dẫn đến rủi ro bỏ qua các các tác động chuyển đổi của công nghệ. Công nghệ số được áp dụng vào các ngành truyền thống có tiềm năng cách mạng hóa cách thức hoạt động của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, chuyên gia này đã chỉ ra 8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng đóng góp vào nền kinh tế số Việt Nam gồm: internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ tài chính (fintech); Internet vạn vật (IoT) và viễn thám; robot tiên tiến và chế tạo đắp lớp.
Theo đánh giá của chuyên gia này, các mô hình kinh doanh mới sẽ giúp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí năng suất cho doanh nghiệp. Các công nghệ này có thể tạo nên giá trị kinh tế đáng kể đối với các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy việc áp dụng kỹ thuật số cũng rất thiết yếu để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và sau đại dịch. Bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động nghiêm trọng của COVID-19.
Ước tính khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam (tương đương khoảng 52 tỷ USD) có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy.
Ba trụ cột hành động
Ông Fraser Thompson khuyến nghị, để nắm bắt tối đa cơ hội số, Việt Nam cần phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước. Các quy định chuyển giao công nghệ quốc tế và cải tiến cơ sở hạ tầng số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số trong nước. Việt Nam có thể tiến xa hơn trong việc giải quyết những khoảng trống về phạm vi bao phủ của cơ sở hạ tầng số, cũng như rào cản pháp lý mà các nhà lập trình trong nước đang phải đối mặt, giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn.
Nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên cũng là một trụ cột quan trọng khác . Theo đó, Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội kỹ thuật số, thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực, tăng cường cơ hội học nghề liên quan khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), đồng thời chú trọng hơn vào “kỹ năng mềm” trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12.
Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số. Điều này đòi hỏi thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm