Kinh tế số

Ba yếu tố quyết định hiệu quả xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới

DNVN - Để nâng cao năng lực xuất khẩu sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, doanh nghiệp (DN) cần có sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu và kết hợp với đối tác ở nước ngoài.

Chính thức vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới / Giải bài toán "lệch nhịp" giữa kinh tế tuần hoàn và kinh tế số

Doanh nghiệp tiếp cận nhanh
Bên lề hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới" ngày 21/10, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tử số (Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT xuyên biên giới hiện nay đã trở thành trào lưu, xu hướng phát triển tại thị trường thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các DN Việt Nam đang ngày càng tập trung và đầu tư nguồn lực để thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới phục vụ cho xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Hiện Việt Nam đang có nhiều lợi thế bởi đã ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA hay CPTTP... Nhờ các FTA, các DN xuất khẩu Việt Nam có không gian để phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, các FTA tạo đà cho nền công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam ngày càng phát triển, tạo ra những sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, tiềm năng xuất khẩu nói chung của thị trường, của sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế đã được khẳng định qua những cái con số. Cùng với đó, phương thức xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới đang trở thành xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà xu hướng này đã được khẳng định và phát triển trên thế giới trong thời gian qua.

Theo ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tử số (Bộ Công Thương), các DN Việt ngày càng tiếp cận nhanh với phương thức xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới.
Hiện các DN Việt Nam đang ngày càng tiếp cận nhanh, mạnh mẽ với phương thức xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới. Đồng thời, các DN cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin & Truyền thông. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã trực tiếp phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các hiệp hội DN trên toàn quốc tổ chức hàng loạt các chương trình kết nối TMĐT.
"Chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng TMĐT xuyên biên giới cho các DN và với những bước đi như hiện nay thì tôi tin rằng xu hướng phát triển và ứng dụng TMĐT xuyên biên giới của các DN Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, qua đó thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững", ông Bùi Huy Hoàng nhận định.
Ba yếu tố quan trọng
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, để nâng cao năng lực xuất khẩu của DN qua TMĐT trong nước và đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới, DN cần phải chú trọng vào ba yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, phải xây dựng được nền của DN, tức là sản phẩm của DN phải tốt, có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Các thị trường nhập khẩu sẽ có những cái quy định khác nhau, có nhu cầu tiêu dùng khác nhau.
Do vậy, trước khi đưa sản phẩm vào một thị trường nào đó DN phải nghiên cứu thị trường, nắm vững thông tin sản phẩm của mình có phù hợp với thị trường hay không, có đáp ứng được các cái quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu hay không.
Thứ hai, phải nắm được quy trình về TMĐT cũng như logistic. Bởi vì khác với xuất khẩu truyền thống, chúng ta có đội ngũ nhà nhập khẩu hỗ trợ, trong hoạt động TMĐT xuyên biên giới, DN hầu như phải tự chuẩn bị những khâu này.
Như vậy, ngoài việc nắm bắt được quy định, quy trình về xuất khẩu thông thường, DN cần phải tìm hiểu các quy tắc, quy định của nước nhập khẩu, về TMĐT cũng như quy trình vận chuyển hàng hóa qua TMĐT xuyên biên giới. Khi đó chúng ta mới có thể thực hiện việc này một cách hiệu quả, tiết kiệm được chi phí cho DN.
Thứ ba, bên cạnh việc chủ động trong khâu phát triển sản phẩm cũng như logistic, DN cần phải kết hợp được với các đối tác ở nước ngoài. Khi kết hợp được với đối tác ở thị trường nhập khẩu, DN có thể quảng bá sản phẩm nhanh hơn và tốt hơn.
"Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, TMĐT sẽ là một kênh bổ sung rất quan trọng, đưa sản phẩm của DN đến trực tiếp với người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Điều này cũng tạo được thương hiệu của chính DN Việt Nam tới thị trường đó mà không cần phải thông qua khâu gia công hay chịu sự chi phối của đối tác nước ngoài. Đây là yếu tố cốt lõi các DN cần quan tâm", ông Bùi Huy Hoàng khuyến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm