Kinh tế số

Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đề xuất hướng đi cho chuyển đổi số

DNVN - Các công ty thuộc Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) rất tích cực trong đổi mới công nghệ. Hiệp hội này đã đề xuất một số chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Online Friday: Bán hàng qua livestream "hút" khách / Cần đào tạo các xu hướng thương mại điện tử mới trong trường đại học

Đó sẽ là tiền đề tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, không ngừng đổi mới sáng tạo.

Bosch tích cực tham gia vào chuyển đổi số Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, các công ty Đức đã đăng ký tổng vốn đầu tư hơn 159 triệu USD, thông qua 18 dự án mới tại Việt Nam.

Số liệu từ Báo cáo Triển vọng kinh doanh đầu xuân 2023 của AHK Việt Nam cho thấy, 91% công ty Đức muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, 57% doanh nghiệp Đức đang tìm kiếm nhà cung cấp mới.

Các công ty Đức rất tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, điển hình như Bosch (nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ toàn cầu) hay như Schaeffler (nhà cung cấp hàng đầu về công nghiệp và ô tô)…

Những công ty này đều là thành viên Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA). Họ thường xuyên tham gia trao đổi kiến thức, chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Hiệp hội hỗ trợ thông qua tổ chức một số sự kiện về công nghiệp 4.0, cuộc thi khởi nghiệp và các chuyến tham quan đến những cơ sở sản xuất tiên tiến khác.

Từ thực tế hợp tác kinh doanh, GBA đề xuất một số chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Cụ thể như: Cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thúc đẩy các dự án chính phủ điện tử, phát triển kỹ năng và giáo dục kỹ thuật số, khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phát triển quy định về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu, đầu tư vào các thành phố thông minh, củng cố quyền sở hữu trí tuệ (giúp bảo vệ tốt hơn những bằng sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu, thu hút đầu tư vào công nghệ và ngành công nghiệp sáng tạo), đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Thực hiện chiến lược đúng đắn và tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam tận dụng sức mạnh số hóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số, khẳng định vị trí của mình và vươn tầm thế giới.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại đây.



Hoàng Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo