Cần đào tạo các xu hướng thương mại điện tử mới trong trường đại học
Bộ ba giải pháp trí tuệ nhân tạo gây chú ý tại Internet Day 2023 / Doanh nghiệp không dễ lên sàn Amazon
Theo báo cáo đào tạo TMĐT 2023 được Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố ngày 5/12 tại Hà Nội, hiện cả nước có 40 trường đào tạo ngành TMĐT trong năm 2023, chiếm 17% trong số gần 240 trường đại học được hiệp hội này khảo sát.
Cũng theo khảo sát của VECOM, có 89 trường đã đào tạo học phần TMĐT, 16 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT.
“Đây là những con số rất ấn tượng. Trong đó, một nửa số trường đã bắt đầu đào tạo TMĐT từ năm 2020 cho đến nay. Điều này cho thấy các trường đã nắm bắt rất nhanh xu hướng về TMĐT và kinh tế số. Từ đó, nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên”, ông Nguyễn Thanh Hưng - Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT của VECOM đánh giá.
Thông tin từ 34 trường cho thấy, số sinh viên học ngành TMĐT tăng lên nhanh chóng. Tổng số sinh viên ngành này năm học 2023 gấp 2,5 lần so với năm học 2020.
“Nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và TMĐT, VECOM cùng các tổ chức và doanh nghiệp thì mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi”, ông Hưng nhìn nhận.
Đại diện VECOM đã đưa ra một số khuyến nghị. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất đa dạng hoá chương trình đào tạo ngành TMĐT.
“Bên cạnh việc tạo bản sắc riêng, các trường cũng cần nhanh chóng thiết kế các học phần để nắm bắt hai xu hướng nổi bật của TMĐT trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đó là xu hướng tăng trưởng nhanh của TMĐT xuyên biên giới và bảo vệ môi trường trong kinh doanh trực tuyến”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các lĩnh vực liên quan như e-logistics hay thanh toán trực tuyến đã thúc đẩy mạnh mẽ TMĐT xuyên giới.
Trong hai năm 2022 – 2023, xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên hình thức xuất khẩu trực tuyến nói chung và trên nền tảng Amazon nói riêng tăng trưởng mạnh mẽ. Hàng nghìn doanh nghiệp (DN) Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng rất nhanh.
“Các trường đại học, đặc biệt là các trường kinh tế, đào tạo ngành TMĐT cần nắm bắt xu hướng phát triển của xuất khẩu trực tuyến, bổ sung các học phần phù hợp vào chương trình đào tạo. Đồng thời, chương trình đào tạo cũng phải chú trọng hơn tới các học phần liên quan tới ngoại ngữ, thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, e-Logistics và dịch vụ hoàn tất đơn hàng”, ông Hưng khuyến nghị.
Về vấn đề môi trường, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (Valoma),cho biết, hiện yêu cầu “xanh” đã trở thành mệnh lệnh đối với doanh nghiệp Việt Nam. Từ hội nghị COP 26 đến nay nhận thức của Việt Nam về vấn đề này đã chuyển biến rất nhiều.
Một trong những lý do khiến Quy hoạch điện VIII phải ban hành chậm là phải điều chỉnh những yêu cầu từ COP 26.
Đối với các DN, dù nhỏ hay lớn, nếu không đáp ứng được yêu cầu xanh thì đơn giản sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
Chẳng hạn, một hãng tàu biển không đáp ứng được yêu cầu về giảm phát thải, không chuyển sang việc sử dụng nhiên liệu giảm phát thải carbon thì họ sẽ không được đặt hàng nữa.
Tương tự, các nhà kho, các đối tượng kinh doanh phổ biến ở Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc chơi” tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hiện nay. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về xanh hoá thì đến một ngày nào đó, trong tương lai gần sẽ mất các đối tác lớn ở nước ngoài.
Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến nghị DN Việt Nam nhanh chóng chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Yêu cầu phát triển xanh, bảo vệ môi trường là yêu cầu bức thiết, nên các trường có khối ngành TMĐT hay logistics đều phải cần quan tâm, nhanh chóng đưa vào những bộ môn, chương trình đào tạo liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường để thích ứng với thời cuộc”, ông Hải khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo