Kinh tế số

Các hãng gọi xe công nghệ đua nhau lập sàn thương mại điện tử

DNVN - Grab đã công bố kế hoạch GrabMerchant trong khi TADA thậm chí đã bắt đầu triển khai sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Grab chiếm lĩnh 73% thị phần gọi xe qua ứng dụng tại Việt Nam / Sếp Fado: Thương mại điện tử không phải là cây đũa thần để gia tăng doanh số bán hàng

Vẫn “đốt tiền” đầu tư

Sau khoảng thời gian ban đầu tập trung xây dựng đội ngũ tài xế và nền tảng khách hàng đủ lớn, các hãng gọi xe thường hướng tới mảng kinh doanh gọi món hoặc giao hàng. Thậm chí, một số hãng có tiềm lực sẵn sàng nhảy vào các lĩnh vực nhiều thách thức hơn như thanh toán hay ngân hàng số. Tuy nhiên, phong trào các hãng gọi xe đua nhau lập sàn thương mại điện tử thật sự bùng nổ trong vài tháng gần đây.

Đầu tháng 6/2020, Grab công bố dịch vụ thương mại điện tử tích hợp trên nền tảng Grab Merchant. Theo Dealstreetasia, những người kinh doanh mảng đồ ăn (F&B) trước đây dùng GrabFood sẽ dần chuyển sang GrabMerchant, tích hợp cùng những người kinh doanh thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu (GrabMart) và các thương nhân dùng GrabPay.

Một ứng dụng gọi xe đến từ Singapore là TADA cũng nhanh chóng triển khai sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, mặc dù các mặt hàng trên nền tảng chưa phong phú. Đại diện của TADA cho biết, MVL (công ty mẹ của hãng gọi xe) sẽ không trực tiếp cạnh tranh với các sàn lớn đang chiếm ưu thế trên thị trường như Shopee hay Lazada. TADA chỉ hướng tới cộng đồng dropship, tập trung vào kết nối và cung cấp hậu cần cho nhà cung cấp và các nhà bán lẻ (B2B) nên không cạnh tranh trực tiếp với các sàn B2C vốn tập trung vào khách hàng cuối trên thị trường.

Mở thêm một dịch vụ mang tính kết nối khác (sàn thương mại điện tử) cũng nằm trong chiến lược xây dựng nền tảng dữ liệu của MVL. Về định hướng lâu dài, hệ sinh thái MVL sẽ xoay quanh các dịch vụ gọi xe, giao nhận, thương mại điện tử, tạo thêm giá trị gia tăng cho tài xế và khách hàng. Việc triển khai sàn thương mại điện tử tại Việt Nam của TADA diễn ra sau khi công ty mẹ nhận 5 triệu USD từ Shinhan Bank và các nhà đầu tư khác. TADA hoạt động ở 3 quốc gia Singapore, Việt Nam và Campuchia. Tại mỗi quốc gia, MVL sẽ cung cấp các dịch vụ phù hợp với thị trường bản địa. Ở Singapore, TADA triển khai dịch vụ đi chợ hộ giống như GrabMart, với Campuchia là mảng giao nhận trong khi thị trường Việt Nam là mảng thương mại điện tử dropship.

Ra mắt vào giữa năm 2018, FastGo là ứng dụng gọi xe của Việt Nam đầu tiên lấn sân sang thị trường nước ngoài. Tại Việt Nam, FastGo nhận sự hỗ trợ của một hệ sinh thái công nghệ lớn của tập đoàn NextTech, bao gồm các sàn thương mại điện tử.

Giữa năm 2019, Viettel cũng nhanh chóng ra mắt đồng thời hai nền tảng: Sàn thương mại điện tử và ứng dụng gọi xe MyGo. Cả hai nền tảng đều hỗ trợ nhau để xây dựng vị trí trên thị trường.

Hầu hết hãng gọi xe công nghệ chưa báo lãi. Việc lấn sân sang một mảng "đốt tiền" khác như thương mại điện tử có thể giúp công ty mở rộng thị trường và tập khách hàng, nhưng cũng có thể bào mòn nguồn lực nếu như không có đủ vốn để cạnh tranh.

Grab thể hiện ưu thế trên thị trường thương mại điện tử

Hiện nay, các nền tảng thương mại điện tử tổng hợp dẫn đầu tại Việt Nam gồm Shopee, Tiki, Lazada, Sendo - đều được rót những khoản vốn khổng lồ, điều này là minh chứng rõ nét nhất cho tiềm năng của mua sắm online tại Việt Nam lẫn khu vực.

Sách trắng Thương mại điện tử 2020, do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành, cho thấy năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đạt 44,8 triệu người, tăng so với mức 39,9 triệu người năm 2018. Giá trị mua sắm của mỗi người tăng lên 225 USD/người/năm so với mức 160 USD hồi năm 2015. Việt Nam có mức tăng trưởng thương mại điện tử đứng ở top 3 của Đông Nam Á. Doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Con số này khá thấp so với mức trung bình của thế giới vào khoảng 12% (theo Hootsuite và We Are Social).

Sách trắng cũng công bố chỉ 42% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, thấp hơn mức trung bình 56% của Đông Nam Á theo khảo sát của Forrester.

Quy mô thị trường khá lớn và đầy tiềm năng khiến nhiều doanh nghiệp nhảy vào thương mại điện tử tại Việt Nam nhưng Grab có đặc thù riêng khi đã xây dựng được hệ sinh thái nhất định và thương mại điện tử như một nhánh tất yếu để trở thành “siêu ứng dụng”.

Bằng việc tung ra GrabMart tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Grab đã “lấn sân” thương mại điện tử

Bằng việc tung ra GrabMart tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Grab đã “lấn sân” thương mại điện tử. (Ảnh minh họa: Internet)

Tại Việt Nam, ứng dụng gọi xe Grab là một mô hình kinh tế chia sẻ khá thành công. Theo nghiên cứu của ABI, trung bình mỗi ngày Grab thực hiện 46 triệu chuyến xe với 2,8 triệu đối tác tài xế. Grab hiện chiếm xấp xỉ 73% thị phần gọi xe công nghệ và được định giá đến 14 tỷ USD. Bằng việc tung ra GrabMart tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Grab đã “lấn sân” thương mại điện tử. Bên cạnh các mặt hàng tươi sống, trên GrabMart đã có nhóm hàng gia dụng, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, đồ dùng trẻ em... Mặc dù hàng hoá chưa đa dạng nhưng nền tảng này đang mở rộng thêm các nhà cung cấp như BigC, Co.op Food, Cheers, Lotte Mart...

Thống kê của Sách trắng Thương mại Điện tử cho thấy người dùng mua sắm trên website giảm mạnh từ 74% năm 2018 xuống còn 52% năm 2019. Ngược lại, người dùng mua qua ứng dụng tăng từ 52% lên 57%. Grab là ứng dụng trên smartphone nên họ chắc chắn sẽ tận dụng xu thế này.

Grab đang có sẵn đội ngũ giao hàng mạnh mẽ, có thêm nền tảng thanh toán Moca. Các tài xế Grab cũng quen với cả thanh toán online lẫn thanh toán bằng tiền mặt, hay giao hàng - nhận tiền (COD). Khi mở rộng thêm các đối tác cung cấp hàng hoá, rõ ràng nền tảng này có nhiều lợi thế để phát triển kênh mua sắm online.

Cần chú ý, yếu tố quan trọng nhất của một sàn thương mại điện tử là giao hàng. Các sàn nhỏ lẻ, có thể tự giao hoặc phải thuê giao hàng thông qua các nhóm vận chuyển, công ty vận chuyển chuyên nghiệp, thậm chí là sử dụng các ứng dụng gọi xe để chuyển hàng. Còn các sàn thương mại điện tử lớn đều có đội ngũ giao hàng riêng hoặc liên kết với đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp.

Grab đã đánh đúng yếu huyệt của các sàn thương mại điện tử ở khâu giao hàng. Bởi ngoài sự quan tâm đến giá cả và chất lượng, yếu tố quan trọng mà người mua xét đến là “ship” có nhanh và rẻ không? Các sàn thương mại điện tử Việt Nam như Lazada, Tiki,... cũng có những hình thức tương tự, giao nhanh và giao chậm. Giao nhanh tốn thêm chi phí và thường nhận hàng trong ngày, chỉ riêng Tiki có thể giao hàng trong vòng 2 tiếng, không kể thứ bảy hay chủ nhật.

GrabMerchant giống như một mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh thương mại điện tử của nền tảng này khi mà Grab có sẵn đội ngũ giao hàng và công cụ thanh toán từ lâu. Grab có đủ vũ khí để vươn lên thành một đế chế thương mại điện tử mới.

Ở một số thị trường ở Đông Nam Á, do làm việc với các đối tác tài chính và bảo hiểm, Grab còn mở ra nhiều hình thức kinh doanh mới như cung cấp hàng hoá, nguyên vật liệu đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho họ nợ tiền thanh toán trong một thời gian nhất định. Hoặc có thể cho người dùng mua sắm hàng hoá, dịch vụ trên Grab đến cuối tháng mới trả tiền mà không phải trả lãi. Với nguồn tài chính dồi dào, dịch vụ đa dạng, Grab đang có cơ hội lớn để gặt hái thành công trong mảng thương mại điện tử.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm