Thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử và thương mại điện tử
Hộ kinh doanh cá thể bắt buộc phải ký số: Sẽ bùng nổ thị trường dịch vụ chữ ký số cá nhân / Bộ TT & TT giải đáp thắc mắc về cách làm thế nào để xác minh chữ ký điện tử, chữ ký số
Hoàn thiện văn bản pháp lý về chữ ký số
Theo đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT, Thông tư 22 nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số trong giao dịch điện tử; kịp thời hướng dẫn các nội dung về ký số, kiểm tra chữ ký số của Nghị định 130/2018/NĐ-CP. Đồng thời, tạo nền tảng pháp lý cho việc áp dụng chữ ký số với thông điệp dữ liệu (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, văn bản điện tử được ký số bởi doanh nghiệp, cá nhân…) trong giao dịch điện tử, thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất việc áp dụng giao dịch điện tử, phát triển thương mại điện tử, Chính phủ điện tử.
Thông tư 22 nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số trong giao dịch điện tử. (Ảnh minh họa: Internet)
Thông tư 22 cũng góp phần tạo thị trường cho việc cung cấp giải pháp phần mềm liên quan ký số, kiểm tra chữ ký số; mở rộng và tạo sự đa dạng các loại hình ứng dụng và dịch vụ của chữ ký số, tạo cho thị trường cung cấp dịch vụ chữ ký số phát triển bền vững; tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển kinh tế số.
Bên cạnh việc phải tuân thủ những tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số trên thông điệp dữ liệu, Thông tư 22 quy định phần mềm ký số phải đáp ứng các yêu cầu tương ứng với từng chức năng của phần mềm. Với chức năng ký số, trường hợp người ký số trên thông điệp dữ liệu là cá nhân, cho phép người ký số sử dụng khóa bí mật cá nhân để thực hiện ký số vào thông điệp dữ liệu; trường hợp người ký số trên thông điệp dữ liệu là tổ chức, cho phép người ký số sử dụng khóa bí mật tổ chức để thực hiện việc ký số vào thông điệp dữ liệu.
Với chức năng kiểm tra hiệu lực của chứng thư số, quy định tại Thông tư 22 cho phép việc kiểm tra chứng thư số của người ký số trên thông điệp dữ liệu phải kiểm tra theo đường dẫn tin tưởng trên chứng thư số và phải thực hiện đến tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia.
Nội dung kiểm tra hiệu lực của chứng thư số tại thời điểm ký gồm có thời gian có hiệu lực của chứng thư số; trạng thái của chứng thư số qua danh sách chứng thư số thu hồi được công bố tại thời điểm ký số; thuật toán mật mã trên chứng thư số; mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số.
Tương tự, đối với phần mềm kiểm tra chữ ký số, ngoài việc tuân thủ những tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số trên thông điệp dữ liệu, phần mềm còn phải đáp ứng yêu cầu cho các chức năng: kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số trên thông điệp dữ liệu; lưu trữ và hủy bỏ các thông tin sau kèm theo thông điệp dữ liệu ký số; thay đổi (thêm, bớt) chứng thư số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; thông báo (bằng chữ/bằng ký hiệu) việc kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số là hợp lệ hay không hợp lệ.
Có hiệu lực từ ngày 1/11/2020, Thông tư 22 áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số trong giao dịch điện tử; các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; và các tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng, sử dụng chữ ký số. Thông tư không áp dụng với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang sử dụng phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số trước thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực tiếp tục sử dụng cho đến khi thay đổi, nâng cấp hoặc thay thế phần mềm mới, tuân thủ quy định Thông tư.
Khi nào được phép sử dụng chữ ký số?
Theo quy định của pháp luật có thể hiểu chữ ký số là một trong những dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điêp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác theo các quy định của pháp luật.
Các cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp có thực hiện giao dịch điện tử thì có thể sử dụng chữ ký số là một trong những ứng dụng để giao dịch với các cơ quan, tổ chức của nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký thành lập doanh nghiệp, bổ sung ngành nghề kinh doanh, thay đổi con dấu, thay đổi người đại diện pháp luật, kê khai và nộp thuế điện tử, kê khai và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp mà không phải đến trực tiếp đến cơ quan nhà nước.
Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể dùng chữ ký số trong những công cụ bảo mật email của mình để thực hiện việc trao đổi thông tin, giấy tờ nhanh chóng, an toàn. Các doanh nghiệp có thể tiến hành giao dịch với đối tác mà không cần trực tiếp gặp mặt; trao đổi công việc, đầu tư chứng khoán, mua bán hàng hóa hoặc chuyển các hồ sơ giấy không phải lo sợ giả danh hoặc mất cắp.
Chữ ký số được sử dụng thay cho chữ ký thông thường trong tất cả các trường hợp giao dịch điện tử và luôn bảo đảm tính pháp lý tương đương theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.
Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT, Việt Nam hiện có 16 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng. Tổng số chứng thư số đang hoạt động do các CA công cộng cấp là hơn 1,4 triệu. Chữ ký số công cộng đang được ứng dụng trong hoạt động nghiệp vụ xác thực an toàn, đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn của dữ liệu và có giá trị pháp lý, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian thực hiện với các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo