Sếp Fado: Thương mại điện tử không phải là cây đũa thần để gia tăng doanh số bán hàng
CEO HBR: Hậu Covid-19 nhu cầu về nhân sự online gia tăng đột biến, DN khó khăn hơn trong tuyển dụng / Hậu Covid-19: Các doanh nghiệp có xu hướng tìm nhân lực có khả năng làm việc từ xa
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện lên toàn bộ nền kinh tế. Tuy thời điểm này tình hình dịch bệnh ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Các doanh nghiệp (DN) đang phải gồng mình nghĩ cách để tồn tại và cố gắng dự báo được tình hình của dịch bệnh để kịp thời có những biện pháp đối phó cho phù hợp.
Nhiều chuyên gia nhận định ngành thương mại điện tử (TMĐT) là điểm sáng hiếm hoi có thể thích nghi phát triển giữa các lệnh phong tỏa và cách ly xã hội. Thực tế đã chứng minh khi dịch bệnh diễn ra hành vi của người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn, mọi người chuyển sang mua sắm online nhiều hơn và thời gian vừa qua chúng ta đã chứng kiến sự phát triển đột phá của các sàn TMĐT chỉ trong thời gian ngắn.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến cho nền kinh tế” các diễn giả tham dự đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ về các vấn đề liên quan đến việc các DN cần phải làm những gì để có thể chuyển sang bán hàng trên các kênh online và TMĐT hiệu quả nhất.
Chia sẻ thực trạng của nền TMĐT trong 4 tháng vừa qua, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch, Trưởng văn phòng đại diện VECOM tại TP.HCM cho rằng: Nếu như để nói ngành TMĐT đang có lợi trong giai đoạn này thì chưa hẳn đúng.
Theo ông Dũng, nếu như toàn bộ nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển thịnh vượng thì sẽ có lợi nhiều hơn cho TMĐT. “Với một bộ phận những người không hề có sự chuẩn bị trước cho kinh doanh online thời gian qua là một sự tiếc nuối. Dịch bệnh bùng phát chính là thời điểm bắt buộc họ phải suy nghĩ để thay đổi và nhìn nhận lại. Chúng ta không thể nói TMĐT có lợi trong tình hình này vì nếu như chúng ta không có sự chuẩn bị trước, không bắt kịp được với tình hình thì không thể nào một sớm một chiều mà chúng ta có thể thành công trên kênh TMĐT được”.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, TMĐT là mua hàng trực tuyến, nhưng việc mình làm thế nào để mọi người biết đến, việc chuẩn bị hàng hóa ra sao, chưa kể đến việc cấm biên, nhân sự… các hoạt động hậu cần vẫn phải hoạt động offline. Những điều này nó có tác động tiêu cực rất nhiều chứ chúng ta không nên nghĩ nó là cơ hội. Chính trong thời điểm này chúng ta phải nhận định một điều là phải thích ứng với môi trường mới. Covid-19 giống như một chất xúc tác để buộc các ngành kinh doanh phải dịch chuyển sang online.
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm trực tuyến.
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Dũng, ông Nguyễn Xuân Hùng – Giám đốc điều hành Fado miền Bắc cũng cho rằng “Covid-19 không chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh TMĐT mà phía sau đó là cả một chuỗi cung ứng đang bị tác động mạnh mẽ từ các nhà sản xuất, các đơn vị vận chuyển đều bị chịu tác động bởi các chính sách, các lệnh giãn cách, cách ly xã hội…Bên cạnh đó là các chuỗi cung ứng giữa các nước cũng bị tác động trực tiếp lẫn nhau gây nên tác động lớn đến kinh doanh TMĐT giai đoạn này”.
Dịch bệnh bùng phát, toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng. Thói quen và hành vi tiêu dùng cũng thay đổi theo khiến cho các chủ DN muốn tồn tại được phải tìm cách để thay đổi phương thức kinh doanh và thích nghi với tình hình mới.
Theo ông Đỗ Xuân Thắng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghệ PushSale nhận định: “Hậu Covid-19 sẽ có 2 nhóm DN được phân biệt khá rõ. Một là các đơn vị có nguồn hàng ngay trong nước thì doanh số tăng mạnh trong những tháng vừa qua. Thứ hai là các đơn vị có nguồn hàng phải phụ thuộc vào nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu thì doanh số bị sụt giảm rất nhiều".
Bên cạnh đó có rất nhiều các DN nếu như không có dịch Covid-19 thì sẽ rất khó để mang sản phẩm của mình lên kênh online. Điển hình là công ty ông Thắng đã hỗ trợ cho một DN bán gà giống trước đây chỉ bán Offline thì sau dịch bệnh đã dịch chuyển lên bán online và bán đi được rất nhiều đơn ra các tỉnh khác. Đây là một sự thay đổi rất lớn.
Thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu thì mọi người hay để cập nhiều đến vấn đề đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu. Rất nhiều các DN Việt Nam phải phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu từ Trung Quốc đã rất khó khăn, bị đình trệ sản xuất vì không có nguyên liệu đầu vào. Tại buổi hội thảo các diễn giả cũng đã đưa ra những nhận định, chia sẻ rất thực tế về vấn đề này.
Ông Hùng cho biết, dịch bệnh chỉ làm hạn chế và cách ly các hoạt động của con người còn hàng hóa vẫn được lưu thông vận chuyển. Mô hình hoạt động của các chuỗi cung ứng cũng có tác động rất lớn đến tình hình kinh doanh của các nền tảng TMĐT.
Giám đốc điều hành Fado miền Bắc cũng đưa ra nhận định: “Đây chính là thời điểm mang đến cơ hội nhiều hơn cho các DN sản xuất trong nước. Vị này chia sẻ có rất nhiều nhãn hàng của Việt Nam được bán khá tốt trên các nền tảng TMĐT thế giới nhưng trên nền tảng TMĐT nội địa lại không hề thấy bóng dáng. Vì vậy đây là một cơ hội rất tốt cho các DN đang sản xuất gia công cho các DN nước ngoài hoàn toàn có thể phát triển thêm kênh bán tại thị trường trong nước”.
Khi các nền tảng TMĐT được cho là cứu cánh để các DN có thể gia tăng được doanh số trong giai đoạn hiện tại thì nhiều người cho rằng cứ tham gia vào TMĐT là sẽ thúc đẩy dược doanh số.
Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyễn Xuân Hùng cho rằng: Chúng ta phải cùng nhau nhìn nhận vào thực tế chung đó là “TMĐT không phải là cây đũa thần để cho tất cả các DN có thể gia tăng doanh số bán hàng hay vượt qua được khó khăn trong dịch bệnh”.
“Một vấn đề rất quan trọng mà chúng ta cần lưu ý đó là DN phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng, nhân lực để có thể triển khai kinh doanh trên nền tảng TMĐT. Sau khi đã có đầy đủ các yếu tố này rồi thì chất lượng hàng hóa và giá cả sẽ là yếu tố quyết định xem bạn có bán được hàng hay không. Khi bán được hàng rồi thì phải xem DN của bạn có duy trì được nền tảng kinh doanh trên TMĐT tốt được hay không”, ông Hùng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo