Kinh tế số

DN cần phải đổi mới nhanh hơn, quyết liệt hơn và phải số hóa mạnh mẽ hơn

DNVN - Covid-19 đã gây tác động tiêu cực lên mọi mặt đời sống. Tuy nhiên, điều tích cực duy nhất mà Covid-19 tạo ra thay đổi cho nền kinh tế. Chính Covid-19 đã tác động làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp (DN) nhanh hơn. Các DN phải thay đổi tất cả từ chiến lược kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, marketing cũng như các kênh phân phối.

Doanh nghiệp chung tay thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt / Thanh toán không dùng tiền mặt: Lợi cho khách hàng đến từng đồng bạc lẻ

Chiều ngày 26/8/2020 đã diễn ra Diễn đàn “Thực hiện nghị quyết số 2545/QĐ-TTG - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”. Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Covid-19 đang bước vào giai đoạn thứ 2 và chúng ta chưa biết bao giờ dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy cách duy nhất để có thể thích nghi được là phải thay đổi chính chúng ta, các DN cần phải đổi mới nhanh hơn, quyết liệt hơn và phải số hóa mạnh mẽ hơn. DN cũng cần chuẩn bị 1 tâm thế cho khởi nghiệp kinh doanh bền vững trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng cho biết sau gần 4 năm triển khai, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã có sự phát triển tích cực về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTKDTM. Nhất là hạ tầng thanh toán điện tử vẫn đang tiếp tục được các Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng tài chính đầu tư nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và người dùng.

Toàn cảnh diễn đàn “Thực hiện nghị quyết số 2545/QĐ-TTG - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”.

Toàn cảnh diễn đàn “Thực hiện nghị quyết số 2545/QĐ-TTG - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”.

Cùng với đó, chất lượng các nền tảng thanh toán ngày càng được nâng cao hơn và phát huy được hiệu quả đáp ứng được nhu cầu thanh toán liên ngân hàng toàn quốc. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn tiền mặt cũng được đảm bảo. Dịch vụ thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn, các ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số TTKDTM đang phát triển tốc độ khá cao.

Theo thống kê, nước ta hiện có hơn 70 tổ chức tín dụng điện tử chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, qua các thiết bị di động. Theo đó, giá trị các giao dịch tài chính qua Internet đã đạt tới hơn 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng qua thiết bị di động.

Giá tri giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng 3 tháng đầu năm 2020 tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và tài chính điện tử trong 3 tháng đầu năm đã tăng đến 81,32% về số lượng là 145,32% về giá trị so với cùng kỳ 2019.

“Mặc dù đã có một bước phát triển đáng ghi nhận trong TTKDTM ở Việt Nam. So với kỳ vọng thì chưa đạt được. Tỷ lệ dùng tiền mặt hiện tại còn rất cao”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết thêm, theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) thì năm 2019 gần 40% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn đến 80% dân số vẫn sử dụng tiền mặt. Ở góc độ DN, TTKDTM đã trở thành một nhu cầu tất yếu nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Hạ tầng và các trang thiết bị phục vụ thanh toán vẫn còn kém, còn chưa cân xứng với tiềm năng.

Đặc biệt về vấn đề pháp lý, Chủ tịch VCCI nhận định, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý tuy nhiên việc ứng dụng TTKDTM chưa được nhanh và dễ dàng. Vẫn còn thiếu phù hợp với những quy định về chứng từ điện tử hiện hành. Bên cạnh đó vấn đề về bảo vệ dữ liệu và tính riêng tư của người dùng vẫn chưa được đảm bảo.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần có những nỗ lực mới cả ở tầm chính sách và tạo lập hạ tầng để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp nói riêng.

Cuối cùng, chủ tịch VCCI đưa ra kỳ vọng thanh toán TTKDTM sẽ đạt được 50% trên tổng thanh toán. Và ông cũng hy vọng rằng con số này hoàn toàn có thể đạt được để nước ta không bị tụt hậu trong nền kinh tế số đang phát triển hiện nay.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo