Thanh toán không dùng tiền mặt: Lợi cho khách hàng đến từng đồng bạc lẻ
Công nghệ sẽ cải thiện tình trạng thiếu minh bạch thông tin về bất động sản / Ngân hàng Bản Việt cùng JCB ra mắt bộ đôi thẻ tín dụng mới
Đó là nội dung được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đưa ra tại chương trình Cà phê Doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức mới đây tại TP.HCM với chủ đề “Nguồn vốn và thanh toán hiện đại”.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng. Trong bốn tháng đầu năm 2020, thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động đều tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019. Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng, triển khai rộng rãi.
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống.
Một khảo sát được công bố mới đây của VISA cũng ghi nhận, người tiêu dùng Việt Nam giảm sử dụng tiền mặt do tăng cường thanh toán kỹ thuật số qua các công nghệ thanh toán mới như thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử.
Theo khảo sát này, 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong 12 tháng tới. Ðối với nhóm người dùng mang theo ít tiền mặt, lý do chính là vì ngày càng có nhiều nơi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Ðồng thời, nhiều người chưa từng thanh toán không tiếp xúc cũng bày tỏ sự quan tâm tới phương thức này. Thậm chí, một số loại hình mới như thanh toán sinh trắc học (xác thực bằng vân tay, giọng nói) hay thông qua ngân hàng số cũng thu hút hơn 80% người tiêu dùng quan tâm.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp bớt khó khăn vì dịch Covid-19, NHNN đã ban hành thông tư về điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (áp dụng từ ngày 1/4 đến 31/12/2020).
Theo Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), hiện tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 98%. Việc đa dạng hóa hình thức thu tiền điện có ưu điểm là nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của khách hàng và thời gian thanh toán được linh hoạt.
Hiện tại, với việc thu tiền điện thì EVNHCMC đang liên kết với 23 ngân hàng và 10 đối tác thu hộ trên địa bàn thành phố với tỉ lệ thu không sử dụng tiền mặt lên tới 98,36% về khách hàng, tương ứng 98,31% về giá trị tiền. Trong đó, tỉ lệ khách hàng thanh toán qua website, ví điện tử... tăng dần vài năm nay, phù hợp với xu thế chung của thương mại điện tử và thanh toán tiền điện hiện vẫn hoàn toàn miễn phí.
Các chuyên gia cho biết, những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong xu hướng bùng nổ công nghệ là rất lớn. Ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo cho rằng việc này không chỉ phụ thuộc vào ngành tài chính ngân hàng mà còn liên quan tới bưu chính viễn thông. Và Việt Nam đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng viễn thông từ hơn 10 năm trước để hướng đến kinh tế số, tiền điện tử… Sự tiện lợi, nhanh chóng, thao tác đơn giản cũng như tính bảo mật thông tin cực cao là lợi thế lớn nhất của việc thanh toán điện tử.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo, thị trường Việt Nam đủ điều kiện để phát triển thanh toán điện tử, khi đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng trong hơn 10 năm.
Ngoài ra, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng không làm phát sinh thêm những chi phí gián tiếp, như: chí phí ủy quyền, phí bảo hiểm cho giao dịch bằng tiền mặt, đó là chưa kể độ an toàn kém trong quá trình vận chuyển những món tiền mặt có số lượng lớn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt lại tăng lên rất nhiều khi nhiều người không ra ngoài, đặc biệt là thời gian cách ly toàn xã hội. “Khoảng thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã có rất nhiều người có cơ hội thử các phương thức thanh toán mới. Khi hết dịch Covid-19, họ sẽ xem đây là một phương tiện thay thế cho tiền mặt, từ đó dần dần thay đổi thói quen và thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng, qua đó sẽ tăng lượng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam”, ông Diệp nhận định.
Tiếp tục là xu hướng trong tương lai
Tại chương trình, ông Lê Quang Huy – Giám đốc Khối Thẻ và Ngân hàng số SCB đã trình bày về một số vấn đề về xu hướng tất yếu của Ngân hàng số trong tương lai, và giới thiệu những giải pháp, sản phẩm dịch vụ của SCB dành cho các doanh nghiệp.
Theo đó, SCB chú trọng phát triển các dòng thẻ tiện ích. Ví dụ như thẻ không tiếp xúc, kết nối với các fintech để đem đến các tiện ích và dễ dàng hơn trong thanh toán, dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp nói chung. Ngoài ra, SCB còn cung cấp công cụ để giúp các doanh nghiệp mở tài khoản, quản lý nguồn vốn…
Ông Huy cho biết, sắp tới SCB sẽ giới thiệu phiên bản mới của Mobile App có kết hợp với AI (Artificial Intelligence). Phiên bản mới này có tích hợp nhiều tính năng giúp doanh nghiệp quản lý hoạt động chi lương, thanh toán, chuyển khoản, quản lý khoản thu, khoản vay, tiền gửi…và quản lý các khoản thu, khoản vay thuận tiện hơn trước.
Ông Lê Quang Huy - GĐ Khối Thẻ và Ngân hàng số SCB (ngồi bìa bên phải) cho biết sắp tới SCB sẽ giới thiệu đến khách hàng phiên bản mới của Mobile App có kết hợp với AI.
Đồng thời, SCB còn chủ động xây dựng các gói sản phẩm để hỗ trợ các doanh nghiệp có tính đặc thù như Bệnh viện, Ecom... “Chúng tôi hỗ trợ tối đa, giúp khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp tiết kiệm thời gian cho những nghiệp vụ liên quan đến ngân hàng để tiết kiệm nguồn lực vào phát triển kinh doanh. Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng cung cấp các giải pháp, ứng dụng cho phép doanh nghiệp sử dụng như một phần của hệ thống quản trị tài chính theo đặc thù của từng đơn vị”, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Còn Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp SCB Huỳnh Thiên Phú nhận định, việc lưu trữ thông tin với thời hạn cực lâu khiến ngân hàng điện tử trở nên tiện dụng đối với các khách hàng cá nhân hay tổ chức mỗi khi làm việc với ngân hàng. Đó là lợi thế mà thị trường Việt Nam đang nắm bắt khi triển khai thanh toán không tiền mặt. Và nó sẽ giúp doanh nghiệp quản lý nguồn vốn một cách hiệu quả nhất.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cho hay, những giải pháp của ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp sẽ là giải pháp gắn bó lâu dài giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững. Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố luôn đồng hành kết nối, gắn kết giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Chương trình cà phê doanh nhân với chủ đề “Nguồn vốn và thanh toán hiện đại” là giải pháp để hướng tới đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng kinh tế số, doanh nghiệp số, ngân hàng số. Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố xác định trong giai đoạn tới, vấn đề kinh tế số, vấn đề doanh nghiệp chuyển đổi số là những vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Thúy Bình cho biết, Vietjet không chỉ thay đổi nhận thức và thói quen đi lại bằng máy bay của người dân mà còn thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng, nỗ lực với vai trò "chất xúc tác cho sự thay đổi của thị trường".
Trước khi Vietjet vào thị trường, tỉ lệ mua vé máy bay trực tuyến tại Việt Nam chỉ đạt dưới 8%, thanh toán trực tuyến thì còn ít hơn thế rất nhiều. Giờ con số này đã thay đổi rất nhiều, 99% các khoản thu của Vietjet hiện nay đều không liên quan gì đến tiền mặt. Năm 2019, tổng thu không tiền mặt của toàn hệ thống Vietjet đạt 2,5 tỉ USD tăng 25% so với năm 2018.
Theo đó, Vietjet liên tục phát triển các tiện ích thanh toán cho khách hàng thông qua: Thẻ tín dụng như Visa, Master, JCB, Amex, thẻ ghi nợ nội địa, E-banking kết nối với hơn gần 40 ngân hàng tại Việt Nam và nước ngoài, QR Pay, hợp tác với các ví trong nước, phương thức thanh toán mới là trả góp online.
Theo lãnh đạo Vietjet, sau đại dịch Covid-19, xu hướng sinh hoạt, tiêu dùng online càng trở nên phổ biến hơn. Đón đầu xu hướng này, Vietjet đang khẩn trương hoàn thiện phiên bản mới của kênh bán hàng trực tuyến với các tiện ích thanh toán trực tuyến thuận tiện và mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo