Kinh tế số

Doanh nghiệp logistics đối mặt 5 rào cản lớn khi chuyển đổi số

DNVN - Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện mới có khoảng 40% doanh nghiệp (DN) đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Dù tiềm năng, cơ hội trong chuyển đổi số ngành logistics là rất lớn nhưng các DN đối diện với 5 rào cản chính, cần tập trung tháo gỡ để phát triển bền vững.

Siết chặt kiểm soát, kịp thời phát hiện gian lận về hóa đơn điện tử / Dữ liệu thông tin là nguồn nhiên liệu mới thúc đẩy nền kinh tế

Năng lực áp dụng công nghệ hạn chế
Tại hội thảo "Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’ do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là “Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics”.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, ngành logistics tồn tại nhiều hạn chế, thách thức.
Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Trên thực tế, ngành logistics còn những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi lên như chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các DN logistics với nhau, giữa DN logistics và DN sản xuất, xuất khẩu còn yếu. Chưa hình thành được mạng lưới các DN logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển... Một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên đó là ứng dụng công nghệ số chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Nêu rõ hơn về rào cản mà các DN ngành logistics gặp phải khi chuyển đổi số, ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hiện nay mới có khoảng 40% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Dù tiềm năng và cơ hội trong chuyển đổi số ngành logistics là rất lớn nhưng ông Trung đã chỉ ra 5 rào cản lớn các DN trong ngành đối diện.

Ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Thứ nhất, tư duy nhận thức, tập quán trong quá trình, giao dịch với các chủ thể, làm sao thay đổi điều này là bài toán mất thời gian.
Thứ hai, liên quan đến vấn đề về kỹ thuật. Việc chuyển đổi, lựa chọn công nghệ phù hợp với từng ngành hàng trong điều kiện hiện tại là cả vấn đề. Ngay trong cảng, trong tập quán giao nhận thông thường đang có sự xung đột với các quy trình vận hành mới do sự khác nhau giữa các đơn vị và khác nhau giữa các vùng.
Thứ ba, năng lực áp dụng công nghệ mới là vấn đề rất lớn. Bởi chuyển từ phương thức truyền thống sang công nghệ số là sự thay đổi, chưa kể các chủ hàng là bà con nông dân vẫn theo phương thức làm cũ.
Thứ tư, vấn đề tài chính là rào cản không nhỏ bởi chuyển đổi số liên quan đến vấn đề đầu tư toàn diện, đồng bộ, không chỉ đầu tư trang thiết bị mà là vấn đề phần mềm.
Thứ năm, vấn đề hành lang chính sách vẫn còn chưa đồng bộ, bất cập; các hệ thống dữ liệu chưa thống nhất, hạ tầng chưa hoàn thiện.
Cần liên kết, hợp tác
Chuyên gia về logistics Cao Cẩm Linh khuyến nghị DN không nên nghĩ "chuyển đổi số là quá cao siêu". Thay vào đó, điều quan trọng nhất là DN cần biết lúc nào cần chuyển đổi số và chuyển đổi số như thế nào.
Theo đó, với nhóm các DN hạ tầng và vận hành là đối tượng có giá trị tài sản lớn, nhất là với DN vận hành bắt buộc phải ứng dụng chuyển đổi số trên cơ sở các dữ liệu lớn có được và tiến hành phân tích. Với nhóm DN kinh doanh dịch vụ đơn thuần cần đánh giá chuyển đổi số ở mức độ nhất định nào đó.
“Tỷ lệ DN lớn của chúng ta không nhiều, do đó, các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ là phải biết chính xác chuyển đổi số là gì? Trưởng thành số là gì? Nếu chúng ta trưởng thành cao trong mức chuyển đổi số thấp sẽ rất tốt cho DN, chứ không nhất thiết chạy theo những DN lớn bằng chuyển đổi số toàn diện. Vì điều đó là không cần thiết”, bà Cao Cẩm Linh chia sẻ.

Các diễn giả bàn thảo giải pháp chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Triều Quang - Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc - Lazada logistics Việt Nam - nhấn mạnh, thị trường logistics ở Việt Nam mạnh mẽ và giàu tiềm năng.
Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, DN logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử. Để kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững cho thương mại điện tử, theo ông Nguyễn Triều Quang, DN có thể tập trung đầu tư vào 3 điểm chính. Đó là nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm, ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành, phát triển logistics xanh bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Quang Trung, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, để vượt qua khó khăn, liên kết hợp tác là vấn đề cần thiết.
Ông Trung dẫn chứng, vừa qua, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) cùng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã tổ chức “Lễ đón chuyến tàu Container Tan Cang Foundation vào cụm cảng Cần Thơ”. Việc tái khởi động tuyến dịch vụ này nhằm kết nối hàng hóa miền Tây Nam Bộ - miền Trung - miền Bắc, mang đến giải pháp logistics trọn khâu cho các DN trong và ngoài nước sau khi kênh Quan Chánh Bố được thông luồng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Với lĩnh vực nhà kho, ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam nhấn mạnh, trong thời đại công nghệ số, nhà kho hiện đại đang thay thế nhà kho truyền thống là điều tất yếu của sự phát triển ngành logistics.
Nhà kho hiện đại được trang bị các công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa và giám sát toàn diện, giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển.
"Sự phát triển của ngành logistics hiện nay đang đòi hỏi các giải pháp kho bãi phải thích nghi với sự xuất hiện của các loại hình mới như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối... Nhà kho hiện đại được xây dựng để đáp ứng những yêu cầu này. Các thiết bị tự động cũng được tích hợp để tăng hiệu quả vận hành như máy phân loại hàng, hệ thống giá kệ cao tầng để tối ưu hóa diện tích khai thác. Các công nghệ mới như IoT, AI và tự động hóa đã giúp nâng cao hiệu suất và độ chính xác của hoạt động kho hàng...", ông Nam nêu.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm