Kinh tế số

Doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đối mặt nhiều rào cản

DNVN - Trên sân chơi thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam ứng dụng TMĐT còn đối mặt với nhiều rào cản như khó tiếp cận nguồn vốn trung hạn và dài hạn từ hệ thống ngân hàng, chưa có nhiều kinh nghiệm về thương mại quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế...

Giải bài toán "lệch nhịp" giữa kinh tế tuần hoàn và kinh tế số / Doanh nghiệp Việt "tăng tốc" ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, đám mây để cạnh tranh

Thị trường TMĐT ở Việt Nam được cho là rất tiềm năng, đã có những phát triển vượt trội và tốc độ tăng trưởng liên tục cao trong khu vực. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022, trong suốt 7 năm qua, TMĐT Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%. Dự báo quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD.
Do vậy, việc phát triển TMĐT đối với các sản phẩm Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương... một cách bài bản, đúng quy trình sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế.
Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển Chương trình TMĐT quốc gia xác định TMĐT tiếp tục là mũi nhọn thúc đẩy kinh tế số với mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT; đẩy mạnh giao dịch, TMĐT xuyên biên giới...

Thị trường TMĐT Việt Nam rất tiềm năng nhưng DN còn đối mặt với nhiều rào cản.
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới trở thành động lực mới của nền kinh tế, các DN có sản phẩm tốt, phù hợp với tiêu dùng tại thị trường nhập khẩu có cơ hội lớn tận dụng các thị trường có TMĐT phát triển mạnh, qua đó có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính.
Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME), thực tế hiện nay cho thấy các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa ứng dụng TMĐT còn gặp không ít rào cản, rủi ro.
Thứ nhất, trên không gian mạng, yếu tố về mặt bảo mật của DN là vô cùng quan trọng. Bao gồm bảo mật thông tin về đối tác, thông tin khách hàng, quy trình vận chuyển, khâu thanh toán và đặc biệt là bảo mật cả những dòng sản phẩm khi được cập nhật lên không gian mạng để làm sao uy tín của thương hiệu sẽ được bảo lãnh.
"Liên quan đến rủi ro trong khâu thanh toán, tôi cho rằng trên không gian mạng với số lượng lớn khách hàng, rất nhiều đối tượng kinh doanh không lành mạnh đã trà trộn vào những DN làm ăn uy tín để lấy data của khách hàng; cập nhật, sử dụng data của khách hàng và người tiêu dùng nhằm trục lợi trên phạm vi toàn cầu", ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Về tiếp cận vốn để phát triển TMĐT xuyên biên giới đối với các DN, từ trước đến nay, các hệ thống ngân hàng thường yêu cầu DN có nhu cầu vay vốn phải trình được phương án kinh doanh phải khả thi.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký HANOISME cho rằng,các DN vẫn rất cần sự hỗ trợ tiếp tục từ phía Nhà nước để đủ sức cạnh tranh trên sân chơi TMĐT toàn cầu.
Với thị trường TMĐT, đây là một thị trường rộng lớn và rất tiềm năng, các ngân hàng ưu tiên cho vay đối với các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đẩy mạnh ứng dụng TMĐT để xuất khẩu sản phẩm trên nền tảng số. Bởi vì bản thân các ngân hàng nhận thấy đây là thị trường rất rộng lớn và tiềm năng. Khi cho DN vay sẽ giúp DN có doanh thu, lợi nhuận rất lớn, từ đó có khả năng trả gốc và lãi cho hệ thống ngân hàng. Việc các ngân hàng ưu tiên cho các DN ứng dụng TMĐT tiếp cận nguồn vốn và giải ngân sẽ giúp cho ngành thuế và ngành hải quan chúng ta có thể tăng thu ngân sách.
"Cũng cần nói thêm là các ngân hàng mong muốn cho những DN nào xây dựng được hệ thống chuỗi giá trị một cách bền vững vay tiền. Chuỗi giá trị ở đây bao gồm cung ứng cả đầu vào, quá trình vận hành, phân phối sản phẩm, thương mại hóa các sản phẩm ra thị trường", ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Hiện rất nhiều DN tiềm năng với các sản phẩm đạt chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng đang hướng đến việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT để xuất khẩu. Với những DN này đều được ưu tiên, đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ về nguồn vốn để kích thích xuất khẩu sản phẩm.
Tuy nhiên, các DN ứng dụng TMĐT lại khó tiếp cận nguồn vốn trung hạn và dài hạn từ hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, các DN chưa có nhiều kinh nghiệm về thương mại quốc tế nên gặp khó khăn trong việc cạnh tranh đưa các cái sản phẩm dịch vụ tiếp cận được thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa để làm TMĐT còn rất hạn chế, việc các bộ, ngành, tổ chức liên quan tổ chức các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực tư duy lãnh đạo DN để tiếp cận thị trường cũng nâng cao năng lực của người lao động về TMĐT tại doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.
Đặc biệt, các DN vẫn rất cần sự hỗ trợ tiếp tục từ phía Nhà nước, các cơ quan quản lý nhằm giúp DN có đủ khả năng cạnh tranh trên sân chơi TMĐT toàn cầu.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm