Kinh tế số

Doanh nghiệp Việt chưa khai thác hết tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới

DNVN - Trên hành trình chinh phục thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử, nếu doanh nghiệp, dù có quy mô nhỏ, biết khai thác hết tiềm năng của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như có sự chuẩn bị kỹ càng và chủ động gia nhập cuộc chơi thì sẽ dễ dàng thành công.

Hai tập đoàn trong nước bắt tay đẩy mạnh chuyển đổi số, đô thị thông minh / Công nghệ AI sẽ thay đổi cách vận hành, quản trị doanh nghiệp

Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), doanh nghiệp (DN) Việt có nhiều thuận lợi khi ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG) khi Việt Nam có tốc độ phát triển TMĐT hàng đầu Đông Nam Á, quy mô thị trường xếp trong tốp 3 khu vực.

Cùng với đó là các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa nhanh nhạy trong việc thích ứng, ứng dụng những cái mới và khát vọng làm giàu rất lớn. Kỹ năng ứng dụng TMĐT của DN nhỏ và vừa Việt Nam đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá là thuộc tốp đầu khu vực.

Ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, hơn 60% doanh số của Amazon đến từ các DN nhỏ và vừa. Năm 2022, hơn 10 triệu sản phẩm của Việt Nam được bán tay đến khách hàng ở Âu - Mỹ thông qua nền tảng Amazon, doanh thu của các DN trên nền tảng này tăng hơn 45% so với năm trước.

Tuy vậy, ông Trần Đình Toản - Ủy viên Ban thường trực Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB đánh giá, khi xuất khẩu trên các nền tảng TMĐTXBG, nhiều DN Việt chưa khai thác hết tiềm năng của các hệ thống này.


Nhiều doanh nghiệp Việt chưa khai thác hết tiềm năng của các nền tảng TMĐTXBG.

Theo ông Toản, để khai thác hiệu quả hơn các nền tảng TMĐTXBG, điều quan trọng đầu tiên mà DN Việt Nam cần lưu ý là sản phẩm phải có chất lượng với giá thành cạnh tranh. Mỗi nền tảng có những mảng sản phẩm đặc thù, nên sản phẩm không đưa lên đúng sàn cũng không thể thành công.

DN cần phải hết sức lưu ý đến việc tìm hiểu tính năng, tận dụng tối đa các chức năng của các nền tảng TMĐT. Sàn TMĐT không chỉ là nơi mua - bán mà nó còn thực hiện nhiều chức năng khác, ví dụ như hoạt động hỗ trợ ảo, hoạt động kết nối giao thương.

“Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hay VR (thực tế ảo) trên các sàn TMĐT khiến cho hoạt động mang tính đa chiều, theo đó khoảng cách giữa người mua và người bán được rút ngắn. Người mua có thể mời người bán đến nhà xưởng thăm quan như thực tế”, ông Toản chia sẻ.

Việc xây dựng gian hàng trên sàn TMĐT có uy tín là điều DN phải đặc biệt lưu tâm. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi theo ông Toản, rất nhiều DN có thương hiệu tốt trên thị trường thực tế nhưng lại không để ý đến môi trường trực tuyến.

Có rất nhiều DN lớn nhưng khi nhìn trên môi trường trực tuyến, khách hàng không nhận ra đó là DN lớn và ngược lại. Đó là điều khiến rất nhiều DN mất cơ hội. Bởi cạnh tranh trên môi trường ảo rất khốc liệt, người mua chỉ có vài giây để quyết định đặt hàng trên gian hàng nào.

Ngoài ra, hiện nay xu hướng sản phẩm xanh đang rất phổ biến, đặc biệt là thị trường châu Âu, châu Mỹ. DN cần đưa các sản phẩm này lên các gian hàng TMĐT để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề nhân sự, ông Toản cho rằng, nhiều DN sẵn sàng đầu tư chi phí xây dựng gian hàng nhưng lại không đầu tư cho nhân sự làm việc đó. Có những sàn yêu cầu người quản lý tài khoản phải có kiến thức tốt để xây dựng gian hàng và triển khai có hiệu quả ở đó.

“Môi trường ảo thuận tiện ở chỗ DN có thể làm việc 24 giờ, nhưng thực tế, nhiều DN Việt chỉ làm việc 8 giờ. Buổi tối của Việt Nam là buổi sáng của Mỹ và châu Âu, khi DN đối tác muốn chat trực tiếp trên các công cụ đó, những gian hàng nào không sáng đèn thì họ bỏ qua.

Đó là lý do nhiều DN hiện nay phải cắt cử nhân sự làm việc cả đêm để hỗ trợ cho các gian hàng tiếp cận với người mua hàng, thu hẹp khoảng cách lại”, đại diện VECOM cho hay.

Trong khi đó, Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty Amazon Global Selling Việt Nam khuyến nghị DN chuẩn bị kỹ càng cho việc bán hàng trên các nền tảng TMĐTXBG. Cùng với đó, cần chủ động bước vào cuộc chơi một cách quyết liệt bởi bán hàng trên môi trường trực tuyến đã trở nên phổ biến trên toàn cầu.

“Với cuộc chơi TMĐTXBG, nếu DN không chủ động tấn công ra thị trường nước ngoài, DN sẽ thua ngay so với các đối thủ trên sân nhà, chưa nói đến đến các đối thủ ở thị trường quốc tế”, ông Toàn lưu ý.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm