Giải bài toán quy tụ dữ liệu để khai thác tiềm năng dữ liệu số
Cơ hội lớn cho các ngành kinh tế nhờ trí tuệ nhân tạo / Doanh nghiệp, người dân miền núi gặp khó khi kinh doanh trên nền tảng số
Thay đổi trong cách tiếp cận dữ liệu
Tại toạ đàm “Khai mở tiềm năng dữ liệu mở” ngày 7/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Khánh - Trưởng Phòng Hạ tầng và Dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, trải qua 23 năm phát triển với nhiều thay đổi, dữ liệu số luôn là một thành phần quan trọng và cốt yếu được chú trọng xây dựng và phát triển. Vai trò của dữ liệu số ngày càng trở nên rõ nét hơn, quan trọng hơn.
“Dữ liệu được thu thập nguyên trạng từ thực tế đời sống xã hội, được khai thác để giải quyết các vấn đề của xã hội, thúc đẩy sự sáng tạo trong xã hội. Trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh hơn nhờ có nhiều dữ liệu. Quản trị công sẽ tốt hơn nhờ dữ liệu. Định hướng kinh doanh sẽ tối ưu hơn nhờ dữ liệu. Ngành nghề mới ra đời nhờ dữ liệu. Đời sống con người sẽ tốt hơn nhờ dữ liệu”, ông Khánh nhấn mạnh.
Cùng với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ số mới, những nhìn nhận, cách tiếp cận về dữ liệu trong chuyển đổi số cũng có sự thay đổi nhất định.
Trong đó, đáng chú ý là việc chuyển từ trọng tâm xây dựng dữ liệu sang trọng tâm khai thác dữ liệu. Chuyển từ các cơ sở dữ liệu riêng lẻ sang đám mây dữ liệu. Chuyển từ xây dựng dữ liệu phục vụ một nhóm người, một hệ thống sang xây dựng dữ liệu làm nền tảng, dùng chung. Chuyển từ đóng kín sang mở dữ liệu, dữ liệu mở…
Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS - Hội Truyền thông số Việt Nam), điều đáng ghi nhận hiện nay là các DN Việt Nam rất năng động, đi trước khu vực công trong việc đưa ra các sáng kiến về khai thác và phát triển dữ liệu. Các tổ chức cũng như DN đã có bước chuyển rất lớn về nhận thức đối với dữ liệu. Theo đó, dữ liệu ngày càng xác lập được vị trí của mình.
Giải bài toán quy tụ dữ liệu
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, dù Chính phủ đặc biệt quan tâm đến dữ liệu nhưng dữ liệu ở Việt Nam vẫn còn riêng lẻ, phân mảnh thiếu sự điều phối. Việt Nam đang thiếu những hình mẫu giúp doanh nghiệp định hướng khai thác dữ liệu tốt hơn. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển dữ liệu.
Do đó, để khai mở tiềm năng của dữ liệu, ông Đồng khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung ưu tiên xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu. Xác định lại mô hình, vai trò xây dựng, khai thác dữ liệu của bộ, ngành và địa phương. Cùng với đó là phân loại dữ liệu, khai thác dữ liệu và cần có danh mục dữ liệu ưu tiên…
Việt Nam cần xác định danh mục dữ liệu tiềm năng, trong đó cần tập trung ưu tiên vào 6 lĩnh vực tiềm năng gồm: dữ liệu bản đồ - đất đai, dữ liệu thời tiết, dữ liệu y tế, dữ liệu du lịch, dữ liệu dân cư, dữ liệu tài nguyên.
“Kỷ nguyên chuyển đổi số chỉ vừa mới bắt đầu, dữ liệu sẽ ngày càng được thu thập và lớn hơn. Để có kho dữ liệu tập trung, về mặt chính sách, bài toán lớn nhất hiện nay là làm thế nào để quy tụ, tập trung được dữ liệu. Dữ liệu phải là dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập, song vẫn phải bảo đảm an toàn”, ông Đồng nêu.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI - Hội Truyền thông số Việt Nam) cho rằng, trong tiến trình chuyển đổi số, các tổ chức, doanh nghiệp luôn trăn trở câu hỏi: “Làm thế nào để có thể ra quyết định dựa trên dữ liệu thông qua việc ứng dụng một cách hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số?”, hay “Làm thế nào để để mọi cấu phần, cấu trúc, tiến tình và hoạt động vận hành của tổ chức trở nên có tính hệ thống, tổng thể, đồng bộ và cộng hưởng?”…
Khi công nghệ số và dữ liệu số trở thành động lực của một tổ chức, doanh nghiệp tương lai, họ sẽ phải đưa số vào cốt lõi. Do vậy, tầng phần mềm sẽ trở thành trung tâm của các tiến trình hoạt động của các tiến trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.
“Muốn ra quyết định dựa trên dữ liệu thì phải “dựa trên một kiến trúc dữ liệu nền tảng vận hành theo cơ chế nền tảng”, chuyên gia khuyến nghị.
Là đơn vị tư vấn và triển khai giải pháp công nghệ thông tin, ông Hoàng Trọng Tôn - Giám đốc Giải pháp & Sản phẩm Công ty SVTech khuyến nghị, các bên nên bắt đầu với các use case (một tình huống, kịch bản cụ thể về cách hệ thống sẽ được sử dụng) nhỏ để chứng minh hiệu quả, nhưng cần thiết kế, xây dựng nền tảng dữ liệu chuẩn ngay từ đầu.
“Muốn khai thác dữ liệu hiệu quả thì phải quản trị dữ liệu tốt. Muốn phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định thì nguồn dữ liệu phải có chất lượng tốt”, ông Tôn lưu ý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo