Kinh tế số

Doanh nghiệp, người dân miền núi gặp khó khi kinh doanh trên nền tảng số

DNVN - Việc kinh doanh nông sản qua các kênh online vẫn còn nhiều trở ngại khi người dân, doanh nghiệp tại các khu vực miền núi điều kiện khó khăn chưa vượt qua được rào cản về nhận thức…

Công nghệ AI giúp tăng tốc các ứng dụng thế hệ mới / Doanh nghiệp bảo hiểm tạo lợi thế cạnh tranh từ chuyển đổi số

Nhiều rào cản

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chỉ số TMĐT của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức khá cao, chiếm tới 70% giao dịch TMĐT trên cả nước. Chỉ số TMĐT tại 2 TP này có khoảng cách khá lớn so với các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Trên thực tế, việc triển khai hoạt động TMĐT tại miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), sản xuất của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tương đối nhỏ lẻ, trình độ sản xuất còn khá hạn chế nên gây khó khăn cho việc bán hàng trên các nền tảng số. Các hộ nông dân, HTX ở địa phương chưa có năng lực vận hành TMĐT.

Đặc biệt, những hạn chế về cơ sở hạ tầng liên quan đến giao thông vận tải, logistics cũng gây nhiều khó khăn. Trong TMĐT, chi phí vận chuyển giao hàng chiếm tỷ trọng khá lớn, chiếm tới 20 -30%, thậm chí 40%. Với những đơn hàng nhỏ, chi phí vận chuyển còn lớn hơn giá trị sản phẩm.

Dù Chính phủ đã quan tâm, đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng, DN logistics cũng đã đầu tư vào hệ thống kho bãi, con người, áp dụng công nghệ để giao hàng tốt hơn. Tuy nhiên, đến nay, việc vận chuyển, giao hàng tại các khu vực miền núi còn rất khó khăn và chi phí ở mức khá cao.

Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Sở Công Thương Bắc Giang phản ánh, trên địa bàn tỉnh, DN về nông nghiệp còn rất ít, quy mô nhỏ. Sản xuất nông nghiệp manh mún, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá.

Nhận thức của DN về tầm quan trọng, lợi ích của ứng dụng TMĐT cho hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, vẫn chủ yếu dựa vào phương thức sản xuất kinh doanh truyền thống là mua bán thông qua thương lái.

Về nhân lực, kiến thức, trình độ về công nghệ của các DN, HTX và các hộ nông dân rất hạn chế khi thiếu kỹ năng về kinh doanh trực tuyến, quản trị gian hàng, quản trị website, xây dựng hình ảnh để quảng bá, chụp ảnh, thiết kế, đóng gói, hay chốt đơn hàng hiệu quả.


Nhân viên sàn TMĐT hướng dẫn bà con bán hàng trực tuyến.

Là đơn vị trực tiếp hỗ trợ bà con, HTX lên sàn, bà Hoàng Thị Huyền - đại diện sàn Postmart - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) chia sẻ về hai trở ngại lớn.

Thứ nhất, khi kinh doanh trên nền tảng TMĐT, bà con nông dân phải có điện thoại thông minh để cài đặt ứng dụng. Thế nhưng không phải bà con nào cũng có thiết bị này, phải nhờ con cháu, hoặc bất kỳ ai đó để đăng ký tham gia bán hàng.

Trở ngại thứ hai liên quan đến khâu vận hành để bà con bán được hàng. Người bán hàng phải tham gia cùng đội ngũ nhân viên của sàn từ khâu xác định đơn hàng cho đến khâu chuẩn bị sản phẩm.

“Tuy vậy, có điều rất hài hước đã xảy ra. Bà con không có thói quen vận hành sản phẩm như các shop online ở thành phố. Khi có khách đặt hàng, đội ngũ vận hành gọi điện báo và yêu cầu lên mạng xác nhận đơn hàng, họ vô tư trả lời là “bận lắm, vài ngày nữa mới làm được”, bà Huyền nói.

Theo bà Huyền, đây là hai trở ngại lớn nhất và cũng là hài hước nhất khi sàn Postmart hỗ trợ và đồng hành cùng bà con miền núi bán hàng trực tuyến.

Khó khăn thay đổi nhận thức

Đại diện sàn Postmart cho biết, 2 năm qua, Postmart đã giúp bà con hiểu TMĐT là giải pháp bán hàng trực tuyến. Cần có thời gian để bà con thay đổi thói quen tiếp cận dần với TMĐT, sau đó đi cùng với các sàn đưa hàng hoá đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số Bùi Huy Hoàng, việc thay đổi nhận thức cho bà con là điều đầu tiên cần phải làm, nếu không sẽ quay lại câu chuyện “con gà quả trứng”.

Việc phát triển TMĐT là cả một quá trình, cần có sự đồng bộ của các bộ, ban, ngành trong việc hỗ trợ bà con, HTX và DN. Việc thay đổi nhận thức cho bà con, HTX, DN phải là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất. Khi họ thay đổi suy nghĩ thì họ mới ý thức cho việc đầu tư để kinh doanh trên nền tảng trực tuyến.

“Nếu không thay đổi được nhận thức thì sẽ rất khó để những hoạt động hỗ trợ tiếp theo được hiệu quả. Nếu không thay đổi nhận thức thì sẽ vẫn còn tình trạng các sàn phải gọi điện nhắc nhở bà con như bà Huyền đề cập”, ông Hoàng nêu.

Thời gian tới, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức thêm nhiều hoạt động về đào tạo, tập huấn các kỹ năng về TMĐT cho các HTX, DN, bà con từng bước nắm bắt được các kỹ năng giao dịch TMĐT.

Cục cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình kết nối TMĐT, liên kết vùng, kết nối sản phẩm đầu ra với kênh TMĐT để hoạt động quảng bá sản phẩm được rộng rãi nhất, qua đó việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.

Bà Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, là tỉnh miền núi nhưng với việc thực hiện nhiều giải pháp, cùng với sự quan tâm của chính quyền, trong vụ vải thiều năm nay, tỉnh đã mời được 40 KOL đến thực hiện livestream trên nền tảng tiktok bán vải thiều và một số nông sản khác của Bắc Giang tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn.

Kết quả là trong 4 giờ livestream đã thực hiện 26 phiên giao dịch, thu hút được 1,7 triệu lượt xem và đã chốt hơn 5.100 đơn hàng, đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm