Kinh tế số

Giải mã số phận ngắn ngủi của các dòng smartphone thương hiệu Việt

DNVN - Trước VinSmart, đã có không ít thương hiệu điện thoại Việt rời bỏ cuộc chơi dù ít nhiều đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

Viettel bán điện thoại 4G giá 400.000 đồng, lắp thêm 2.400 trạm BTS để có thêm 10 triệu người dùng 4G trong năm 2020 / Vinsmart sắp xuất khẩu điện thoại 5G vào thị trường Mỹ

Trong vòng đời của mình, VinSmart đã tung ra 19 mẫu điện thoại khác nhau kể từ khi ra mắt thị trường Việt vào năm 2018, các sản phẩm có mức giá đa dạng từ 2 triệu đến dưới 10 triệu đồng, đủ cạnh tranh với nhiều sản phẩm quốc tế. Nhờ chính sách giá bán thân thiện cho người dùng Việt, điện thoại Vsmart nhanh chóng lọt vào Top 3 smartphone tại Việt Nam với 15% thị phần, là thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất Tech Awards 2020.

Thế những bỗng VinSmart đột ngột tuyên bố ngừng sản xuất smartphone gây bất ngờ cho giới công nghệ khi công ty thuộc Vingroup đã đầu tư nhiều nguồn lực vào việc sản xuất smartphone, đội ngũ R&D và đặc biệt là chiếm thị phần không nhỏ trên thị trường. Đây là điểm khác biệt với nhiều thương hiệu Việt đã rút lui trước đó.

Mobiistar và tham vọng phổ cập smartphone giá rẻ cho mọi gia đình Việt

Mobiistar có thời gian hoạt động lâu hơn VinSmart nhiều, công ty được thành lập tháng 5/2009 (lúc đó có tên P&T Mobile). Ban đầu chỉ bán những sản phẩm giá rẻ khoảng vài trăm ngàn đồng, nhưng đến năm 2011, Mobiistar quyết định bước vào thị trường smartphone với những thiết bị chạy hệ điều hành Android có giá cả phải chăng và đặt tham vọng phổ cập smartphone giá rẻ cho mọi gia đình Việt.

ii

Touch Kem 452 là một trong những smartphone đầu tiên của Mobiistar -. Sản phẩm có kích thước nhỏ gọn, cấu hình phổ thông và mức giá thấp giúp người dùng Việt dễ tiếp cận. Trong những năm kế tiếp, Mobiistar liên tục tung ra thêm nhiều dòng smartphone hướng đến phân khúc giá rẻ và tầm trung như Touch Lai, Touch Kem, Prime X, Lai Zumbo... Đến năm 2016, Mobiistar đã vượt qua Nokia và một số thương hiệu điện thoại khác để đứng thứ 4 thị trường smartphone Việt, chỉ xếp sau các nhãn hàng lớn như Apple, Samsung và OPPO.

Giữa năm 2018, Mobiistar mở rộng thị trường sang Ấn Độ, trở thành hãng điện thoại thương hiệu Việt đầu tiên chính thức kinh doanh ở nước ngoài với quy mô khá lớn. Nhưng chỉ một năm sau, Mobiistar phải rút khỏi thị trường này. Sức ép của nhiều hãng điện thoại giá rẻ cập bến thị trường Việt khiến Mobiistar trở nên yếu thế, các sản phẩm của hãng đã biến mất khỏi kệ hàng trong khoảng thời gian cuối năm 2019.

Asanzo: Chỉ còn le lói trên sàn thương mại điện tử

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm TV, Asanzo chuyển hướng sang kinh doanh smartphone vào đầu năm 2019 tại thị trường Việt Nam để không bị lạc hậu về công nghệ. Asanzo đã ra 4 sản phẩm gồm Asano A1, Asanzo A2 (smartphone) và Asanzo N1, Asanzo N2 (điện thoại phím); dự định ra mắt 3 mẫu mới, trong đó có mẫu smartphone trang bị 3 camera sau. Các sản phẩm của Asanzo đều nhắm đến phân khúc giá rẻ, hoàn thiện một cách tỉ mỉ từ thiết kế đến cấu hình, điểm cộng là dung lượng pin lớn.

Các sản phẩm của Asanzo đều nhắm đến phân khúc giá rẻ

Các sản phẩm của Asanzo đều nhắm đến phân khúc giá rẻ. (Ảnh: Internet)

Không lâu sau khi ra mắt, các điện thoại của Asanzo được bán tại nhiều hệ thống bán lẻ di động lớn tại Việt Nam. Nhưng đến nay chúng không còn tồn tại mà chỉ xuất hiện trên một số sàn thương mại điện tử, với sức mua rất kém.

Q-mobile tụt dốc không phanh

Đây là thương hiệu điện thoại khá phổ biến trên thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian năm 2012 trở về trước. Q-mobile còn gây ấn tượng hơn VinSmart khi đã từng vươn lên đứng trong Top 2 về thị phần điện thoại di động tại Việt Nam. Do không kịp cập nhật xu thế phát triển mạnh của thị trường smartphone, sự chậm chạp thay đổi của Q-mobile đã khiến công ty nhanh chóng mất chỗ đứng trên thị trường di động Việt.

F-mobile thất bại trước xu hướng người dùng chuyển sang smartphone

 

Được hậu thuẫn bởi một trong những tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam là Tập đoàn FPT, F-mobile ra mắt vào năm 2009 đã giới thiệu một loạt điện thoại với nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng cùng nhiều ứng dụng tiện ích giúp mọi người kết nối với bạn bè mọi lúc mọi nơi như Vitalk hay Vimap… Một số chương trình đã đưa vào sử dụng và được giới trẻ rất ưa chuộng như hỗ trợ kết nối thường xuyên, cập nhật liên tục thông tin bè bạn đã giúp F-mobile có chỗ đứng nhất định. Điện thoại của F-mobile cũng có giá rẻ, chất lượng phù hợp với đại đa số người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, chung số phận với nhiều thương hiệu điện thoại Việt khác, F-mobile đã thất bại khi xu hướng người dùng chuyển sang smartphone cùng sự cạnh tranh trên thị trường.

Nhà mạng cũng không chịu đứng ngoài sân chơi smartphone

Sau một năm gia nhập thị trường điện thoại di động, Viettel ra mắt bộ đôi smartphone đầu tiên là i6 và i9 với cấu hình “yếu không tưởng” ở hiện tại, nhưng khá phổ biến vào thời điểm 6 năm trước: Viettel i6: Chip 1 GHz, ROM 4 GB, RAM 512 MB, màn hình 3.54 inch độ phân giải 640 x 960 pixels, camera sau 5 MP, camera trước VGA, chạy Android 2.3.6 và tích hợp sẵn một số ứng dụng như Imuzik, MobileTV, YouTube, Yahoo Messenger, Skype, Facebook... Viettel i9: Thông số gần như tương tự với Viettel i6, chỉ khác ở chỗ màn hình có kích thước lớn hơn (4 inch) và chạy hệ điều hành Android 4.0.3.

Tháng 9/2018, xuất hiện điện thoại siêu bảo mật của Viettel. Chiếc điện thoại VIPPHONE bất ngờ trình làng với kiểu dáng giống những sản phẩm siêu sang của Vertu cùng lời giới thiệu ấn tượng: tất cả các công đoạn từ thiết kế sản phẩm, chip bảo mật, lắp ráp,... đều được thực hiện tại Việt Nam. Máy có những điểm nổi bật đáng chú ý như: Thiết kế đẳng cấp, trang bị mặt kính Gorilla Glass siêu bền, tích hợp chip bảo mật chuyên dụng mã hóa thông tin - cho phép tự hủy dữ liệu khi mất máy hoặc bị truy cập trái phép.

Trong một diễn biến tương tự, tháng 9/2013, VNPT ra mắt Vivas Lotus S1. Giới công nghệ khá bất ngờ về sự xuất hiện của Vivas Lotus S1 vì trước đó VNPT không cho thấy dấu hiệu về kế hoạch sản xuất smartphone. Vivas Lotus S1 không gây nhiều ấn tượng, cấu hình lỗi thời cho hiệu năng thấp, thiết kế lại có phần cồng kềnh không thu hút người dùng. Đổi lại, khách hàng được tặng kèm gói cước khuyến mãi hấp dẫn từ nhà mạng VinaPhone. Có lẽ những chiếc smartphone này chủ yếu được nhà mạng làm ra để... kiếm thêm thuê bao mới!

 

Chỉ một năm sau khi ra mắt Vivas Lotus S1, VNPT tiếp tục trình làng mẫu Lotus S2 được tích hợp nhiều ứng dụng do chính VNPT phát triển như: TVOD (xem truyền hình trực tuyến), IPRadio (nghe đài radio) hay Vivas Cloud (lưu trữ dữ liệu trực tuyến không giới hạn). Và số phận của Vivas Lotus S2 cũng tương tự "tiền bối" Lotus S1 là mở rộng thuê bao mới nên không được nhiều người dùng Việt quan tâm.

Chưa dừng lại, tháng 7/2017, VNPT ra phiên bản Vivas Lotus S3 LTE. Vivas Lotus S3 LTE có ngoại hình hoàn toàn khác biệt so với hai "người tiền nhiệm", với khung kim loại cùng hai mặt kính thời thượng và hỗ trợ kết nối 4G. Máy vẫn được cài đặt các ứng dụng độc quyền do VNPT phát triển, thậm chí họ còn có cả ứng dụng xem giờ Hoàng đạo, ngày giờ tốt xấu theo Âm Lịch và kho phần mềm VNPT Appstore.

Có thể thấy một điểm chung ở smartphone thương hiệu Việt là các sản phẩm tầm trung và giá rẻ. Gia nhập thương trường đồng nghĩa với việc chấp nhận cạnh tranh, chỉ có sản phẩm chất lượng mới có thể giữ chân người dùng, ngược lại phải chấp nhận bị đào thải.

Giải mã số phận ngắn ngủi của smartphone Việt

Có thể kể ra nguyên nhân nào dẫn đến “thảm cảnh” của các nhà sản xuất smartphone Việt Nam? Trước tiên, tên tuổi của các hãng điện thoại Việt Nam chưa lớn, mới nhen nhóm được một thời gian chưa đủ để người tiêu dùng điểm mặt, gọi tên thì đã sớm lụi tàn. Sức mạnh thương hiệu lẫn tiềm lực kinh tế còn khá yếu là nguyên nhân dẫn đến thất bại này. Mặt khác, các mẫu điện thoại thương hiệu Việt chưa có dấu ấn riêng cả trong thiết kế lẫn công nghệ, chủ yếu “học theo” sản phẩm của những “ông lớn” trên thị trường; chất lượng phần cứng của điện thoại Việt không thực sự tốt khi cấu hình khá yếu trong tầm giá và thường xuyên giật lag, đơ khi sử dụng. Cộng thêm khả năng gia công hạn chế, giá thành kém hấp dẫn đã khiến người dùng sớm ngoảnh mặt.

 

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự sụp đổ của nhiều hãng smartphone Việt chính là tâm lý sính ngoại của người dùng. Với quan điểm hàng ngoại bao giờ cũng tốt hơn, bền hơn, khách hàng thường đặt các thương hiệu ngoại lên ưu tiên hàng đầu.

Đánh giá về tuổi thọ ngắn ngủi của các điện thoại thương hiệu Việt, một người đứng đầu hệ thống bán lẻ có bề dày tại TP.HCM cho biết, các công ty sản xuất điện thoại Việt Nam chỉ sống tùy từng thời điểm, nhưng đường dài thì chịu không nổi nhiệt bởi thiếu nội lực. Họ làm được gì khi ra mắt chiếc điện thoại mang tên mình để xây thương hiệu nhưng phải đi đặt hàng từ Trung Quốc? Khi phải dựa vào người khác, phụ thuộc vào người khác thì chuyện sớm khai tử là bình thường. Bkav thì chưa ai thấy nhà máy của họ hay chi tiết làm ra sao. Còn Vin vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn linh kiện vào các hãng nước ngoài. Trong khi đó, nguyên nhân còn nằm ở mức độ cạnh tranh quá khắc nghiệt của ngành di động. Những tên tuổi lớn như Samsung và Apple đã làm quá tốt và trưởng thành, chủ động các khâu và mỗi năm ra hàng loạt sản phẩm lấp đầy các phân khúc.

Trên thực tế, Asanzo, Mobiistar hay Q-Mobile, Thành Công Mobile... ban đầu có lợi thế giá rẻ và am hiểu thị hiếu nông thôn (pin lớn, chuông to, 2 SIM...). Nhưng cuộc đổ bộ của hàng loạt thương hiệu Trung Quốc như Oppo, Honor, Huawei, Xiaomi... đã khiến điện thoại Việt khốn đốn. Các hãng này sẵn sàng đạp giá để giết chết đối thủ cạnh tranh ở giai đoạn đầu.

khẳng định tham vọng đưa Bphone chiếm số 2 thị phần smartphone Việt Nam năm 2023

Ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định tham vọng đưa Bphone chiếm số 2 thị phần smartphone Việt Nam năm 2023. (Ảnh: Internet)

 

Không đấu lại các tên tuổi Trung Quốc ở phân khúc giá rẻ, điện thoại Việt tiến lên nhóm phổ thông và cao cấp cũng không có kết quả tốt. Bphone của Bkav là một ví dụ. Bkav với tham vọng smartphone thương hiệu Việt - Bphone, do người Việt tự nghiên cứu, sản xuất và phát triển. Khi mới xuất hiện, Bphone tạo danh tiếng bằng hàng loạt chương trình quảng bá về công nghệ. Nhưng do nhắm đến phân khúc cao cấp, dòng điện thoại này có mức giá khá cao (trên 10 triệu đồng) không phù hợp số đông người tiêu dùng nên lượng tiêu thụ không như kỳ vọng. Tổng cộng doanh số của Bphone và Bphone 2 chỉ đạt 12.000 chiếc. Phiên bản kế nhiệm Bphone 3 được phát hành năm ngoái đã giành được sự khen ngợi của các chuyên gia về tốc độ xử lý và khả năng chống nước cũng như tính bảo bật, tuy nhiên tiếc là các đại lý bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, CellphoneS, FPT Shop đều không phân phối dòng sản phẩm này, do đó cái tên Bphone 3 cũng sớm bị chìm vào quên lãng.

CEO Nguyễn Tử Quảng thừa nhận sự thua lỗ của công ty nhưng vẫn ấp ủ tham vọng trở thành một Apple hoặc Samsung của Việt Nam. Theo thông tin từ thị trường, hãng này chuẩn bị ra mắt Bphone 4 với camera điện toán để tìm sự khác biệt, hy vọng lôi kéo được người tiêu dùng. T

rong một bài đăng mới đây trên mạng xã hội, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng “lấy làm tiếc” về sự rút lui của VinSmart, đồng thời khẳng định tham vọng đưa Bphone chiếm số 2 thị phần smartphone Việt Nam năm 2023.


Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm