Kinh tế số

Gtel Mobile bỏ mặc trạm BTS hư hỏng, không thanh toán tiền thuê cho hộ dân

DNVN - Bộ TT&TT đã nhận được một số phản ánh của các địa phương và của người dân về việc cột ăng ten của công ty Gtel Mobile lâu ngày không được sửa chữa, bảo dưỡng gây mất an toàn cho các hộ dân sinh sống xung quanh. Mới đây, Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo phá dỡ các công trình có nguy cơ sụp đổ theo quy định trong Luật Xây dựng.

Mobile – Money bị cấm thí điểm hoạt động như ngân hàng / Lazada và những trở ngại trên hành trình trở thành “Amazon của Đông Nam Á”

Ngày 4/3/2021, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã ký văn bản số 599/BTTTT-CVT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp, làm việc với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung liên quan về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, cụ thể như: Đánh giá an toàn công trình theo quy định tại Mục 3, Chương III - Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021; Xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng theo quy định tại Điều 40 - Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; Ban hành quyết định phá dỡ đối với các công trình có nguy cơ sụp đổ theo quy định tại Khoản 44, Điều 1 - Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung số 62/2020/QH14 năm 2020.

Trước đó, Bộ TT&TT đã nhận được một số phản ánh của các địa phương và của người dân về việc cột ăng ten của công ty Gtel Mobile lâu ngày không được sửa chữa, bảo dưỡng gây mất an toàn cho các hộ dân sinh sống xung quanh.

Vào cuối năm 2020, Sở TT&TT Trà Vinh đã có kiến nghị với Bộ TT&TT chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng cột ăng ten trạm BTS của Gtel Mobile đã lâu không được bảo trì, bảo dưỡng theo quy định, xuống cấp dẫn đến khả năng mất an toàn, nguy cơ ngã đổ rất cao. Theo Sở TT&TT Trà Vinh, thực tế đã xảy ra 1 trường hợp gây mất an toàn cột ăng ten trạm BTS, cụ thể: vào lúc 19 giờ ngày 2/8/2020, trên địa bàn ấp Sa Bình, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đã xảy ra giông lốc và gây ra sự cố đứt dây co cột ăng ten (đứt 6 sợi dây co) trạm BTS của Gtel Mobile. Sự cố đã làm cong, nghiêng cột ăng ten rất nhiều, nguy cơ gãy đổ, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn cho công trình và an toàn đến tính mạng của người dân sinh sống xung quanh cột ăng ten trạm BTS của Gtel Mobile.

Tỉnh Trà Vinh đã phải chỉ đạo sơ tán dân xung quanh, huy động lực lượng chức năng chốt chặn, thuê lực lượng kỹ thuật tại chỗ ứng cứu ngay trong đêm đến 2h30 ngày 3/8/2020 nguy cơ tạm thời được khắc phục.

Sở TT&TT Đắc Lắc cũng đề nghị, Bộ TT&TT cho ý kiến về việc giải quyết, xử lý thế nào các trạm BTS của Gtel Mobile tạm ngừng hoạt động, song có nhiều vấn đề phát sinh như: Không thực hiện nghĩa vụ tài chính với hộ dân cho thuê, thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên rõ ràng. Không kiểm định chất lượng, sửa chữa, bảo dưỡng không thường xuyên, dẫn đến có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và các hộ dân xung quanh.

“Nếu đang tái cấu trúc, chưa giải quyết được về mặt tài chính thì công ty phải có trách nhiệm với người dân về việc duy trì, bảo đảm an toàn trạm BTS. Đề nghị Bộ TT&TT có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn vấn đề này”, Sở TT&TT Đắc Lắc kiến nghị.

Gtel Mobile còn tồn tại trên thị trường hay không vẫn là một ẩn số.

Gtel Mobile còn tồn tại trên thị trường hay không vẫn là một ẩn số. Nguồn ảnh: Internet

Trên cơ sở phản ánh của các Sở TT&TT, Bộ TT&TT (Cục Viễn thông) đã có các văn bản (3490/CVT-HTKN ngày 20/8, 4697/CVT-HTKN ngày 27/10) và văn bản (4023/CVT-HTKN ngày 21/9/2020) gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an (cơ quan chủ quản của Công ty Gtel Mobile) đề nghị chỉ đạo Gtel Mobile thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng và giải quyết phản ánh kiến nghị của của các địa phương và của người dân.

Năm 2008, với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an thành lập liên doanh công ty cổ phần Gtel Mobile, liên doanh giữa hai cổ đông - Tổng Công ty viễn thông Toàn cầu (GTel Corp) và Tập đoàn VimpelCom (Liên bang Nga). Theo thỏa thuận ban đầu, phía đối tác Việt Nam đóng góp vốn vào liên doanh bằng giá trị thương quyền sử dụng giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động, trị giá 400 triệu USD, chiếm 60% cổ phần. Trong khi đó, phía nước ngoài đóng góp bằng tiền mặt, chiếm 40% cổ phần, tương đương 267 triệu USD.

Sau khi đầu tư hết giai đoạn 1, liên doanh tiếp tục có nhu cầu huy động vốn và các cổ đông đã tiến hành tìm nguồn vốn bổ sung cho doanh nghiệp. Sau một thời gian đàm phán, phía nước ngoài tăng thêm thêm 9% cổ phần, tương đương 196 triệu USD. Tổng vốn phía nước ngoài đầu tư vào liên doanh đến tháng 4/2011 là 463 triệu USD. Nếu kể cả các chi phí thuê tư vấn và chi phí trực tiếp cho đội ngũ chuyên gia của VimpelCom làm việc bên cạnh liên doanh thì tổng đầu tư khoảng 500 triệu USD.

Do thay đổi trong chiến lược kinh doanh theo thỏa thuận của các cổ đông, đồng thời được sự phê duyệt của Chính phủ, tháng 4/2012, phía Vimpelcom đã chuyển giao toàn bộ cổ phẩn của mình trong liên doanh cho phía Việt Nam, qua đó đưa GTel Mobile JSC chính thức trở thành doanh nghiệp viễn thông 100% vốn trong nước.

Đến thời điểm phía đối tác nước ngoài rút khỏi liên doanh, Gtel Mobile đã xây dựng được 3 trung tâm kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến và hoàn thiện mạng lưới với hơn 3.000 trạm BTS, cung cấp dịch vụ trên 51 tỉnh, thành. Từ đó đến nay, Gtel Mobile liên tục tìm kiếm đối tác đầu tư.

Ngày 18/10/2016, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cung cấp thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Gmobile. Theo giấy phép này, Gmobile sẽ triển khai kinh doanh dịch vụ viễn thông 4G trên băng tần 1800 MHz. Tuy nhiên, Gmobile chưa thể triển khai mạng 4G. Cho đến giữa năm 2020, Tổng giám đốc Gmobile bỗng tuyên bố muốn phát triển 5G.

Những ngày gần đây, trên Fanpage chính thức của Gtel Mobile rất nhiều khách hàng phản ánh, thuê bao của nhà mạng này bị mất sóng, không thể thực hiện được liên lạc, nhiều thuê bao dù đã cố gắng liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng nhưng không có ai nhấc máy, nạp tiền cũng không được. Việc Gtel Mobile còn tồn tại trên thị trường viễn thông hay không vẫn còn là một ẩn số.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm