Hội thảo quốc gia về định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số
Thể thao điện tử cần “cú hích” để trở thành mũi nhọn của kinh tế số / Kinh tế số sẽ đóng góp 1.000 tỷ USD vào khu vực ASEAN mỗi năm
Hội thảo diễn ra với 1 phiên toàn thể và 2 phiên song song, với các báo cáo liên quan tới vai trò của khoa học dữ liệu (data science) trong phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trên môi trường thực-số, đồng thời, bàn thảo về chủ đề công nghệ trong quản trị và phân tích dữ liệu lớn cho kinh tế, kinh doanh.
Phát biểu tại hội thảo, GS, TSKH Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết: Hội thảo tập trung về sự thay đổi từ môi trường truyền thống của con người thành môi trường thực-số, nơi các thực thể của môi trường truyền thống đang dần được số hoá, tạo ra những nguồn dữ liệu lớn và kết nối được với nhau. Trên môi trường thực-số chuyển đổi số quốc gia trở nên tất yếu– với các trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số– cho phép và đòi hỏi những thay đổi to lớn mang tính cách mạng.
Trình bày về khoa học dữ liệu cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) - các công nghệ số có vai trò cốt lõi trong chuyển đổi số. Những nguồn dữ liệu liên quan đến hoạt động của con người ngày càng nhiều trên môi trường thực-số đang dần là nguồn năng lượng và nhiên liệu vô giá cho sự phát triển. Dựa trên sự kết hợp hài hoà của toán học và tin học, các phương pháp của khoa học dữ liệu cho phép phân tích các nguồn dữ liệu đa dạng, thấu hiểu chúng và tìm ra thông tin và tri thức quan trọng ẩn chứa trong dữ liệu thu được từ hoạt động của con người.
“Các báo cáo cũng giới thiệu khoa học dữ liệu trong việc phân tích định lượng một số vấn đề kinh tế và xã hội. Sau những vấn đề chung, báo cáo đề cập đến các phương pháp khoa học dữ liệu trong kinh tế số với ví dụ của phân tích kinh doanh (business analytics). Các phương pháp phân tích kinh doanh cho phép phân tích định lượng để thấu hiểu các hoạt động kinh doanh về tài chính, sản xuất, tiếp thị, bán hàng, khách hàng và nhân sự.
Đồng thời, đề cập việc đào tạo khoa học dữ liệu ở các trường đại học với những thay đổi của chương trình đào tạo trong câu chuyện chung của chuyển đổi số giáo dục”, GS, TSKH Hồ Tú Bảo nói.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Bích Loan- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại nhấn mạnh: Hội thảo không chỉ ứng dụng trong giảng dạy mà còn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học giữa giảng viên và sinh viên, tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sự kiện đã tạo một diễn đàn trao đổi học thuật và chia sẻ tri thức từ các nhà khoa học, giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn sâu sắc hơn giữa lý thuyết và thực tiễn, các nhà hoạch định chính sách và quản trị doanh nghiệp có thêm thông tin để đưa ra các chính sách phù hợp.
Cùng với đó, mở ra những cơ hội hợp tác tiếp theo giữa Trường Đại học Thương mại, Học viện Chính sách và Phát triển với các đơn vị khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo