Kinh tế số

Hơn 1 triệu người đã đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money

DNVN - Hiện có 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, trong đó gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

NAPAS đồng hành cùng Co-opBank phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn / Thanh toán không dùng tiền mặt tại chuỗi sự kiện ẩm thực Flavors Việt Nam

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2022”, ngày 17/6, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Thanh toán (NHNN), Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt.

“Ngày không tiền mặt” được bắt đầu từ năm 2019, là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

Với sự kết hợp nhiều giải pháp, TTKDTM đã tăng trưởng mạnh mẽ. Đến tháng 4/2022, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán (TKTT) đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021.

Đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Hà Anh).

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN chia sẻ: Hội thảo là ngày là hoạt động chính trong chuỗi sự kiện thường niên “Ngày không tiền mặt”. Suốt 4 năm tổ chức, sự kiện đã khẳng định được dấu ấn, tạo sức lan toả rộng, qua đó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tuyên truyền tới công chúng về thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ những nỗ lực của toàn ngành, thực tế thời gian qua hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Ứng dụng mobile banking, ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như thanh toán hoá đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch…

Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…

“Hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế; các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới, như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với chi phí hợp lý”, bà Hồng nói.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả mà Chương trình “Ngày không dùng tiền mặt” thực hiện.

“Những sáng kiến, hoạt động của Chương trình đã góp phần tích cực giúp nhận thức và thu hút người dân sử dụng nhiều hơn các hình thức TTKDTM trong các giao dịch thường ngày, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu tham dự hội thảo.

Để thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy TTKDTM, trong đó chủ trọng đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích trên cơ sở ứng dụng cộng nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định về TTKDTM, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ.

Đồng thời, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm