Khởi động dự án “Tăng tốc tài chính kỹ thuật số công bằng”
Bộ Tài chính: Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu trên 5.222 tỷ đồng / Tài chính số: Cơ sở thúc đẩy kinh tế số, xã hội số Việt Nam
Chia sẻ tại hội thảo “Dịch vụ tài chính kỹ thuật số công bằng” sáng 26/4, ông Trần Văn Học, Phó chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính (FCP) đang ngày càng nhận được sự quan tâm ưu tiêu của giới hoạch định chính sách trên toàn cầu.
Sự phát triển của công nghệ và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đặt ra những yêu cầu mới đối với FCP đặc biệt là các họat động liên quan đến dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Theo Phó chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, FCP có ý nghĩa quan trọng đối với ổn định tài chính, tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế. Một khuôn khổ FCP hiệu quả là điều kiện cần thiết để mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho họ có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định sử dụng các dịch vụ tài chính một cách tốt nhất.
Hoạt động FCP góp phần nâng cao mức độ tín nhiệm và tin cậy của khách hàng đối với hệ thống tài chính quốc gia.
Đây chính là lý do tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế (CI) sẽ tiếp tục làm việc với hơn 200 thành viên của CI tại hơn 100 quốc gia trên thế giới để xây dựng một thị trường dịch vụ tài chính kỹ thuật số bao trùm, an toàn, dữ liệu được bảo vệ, riêng tư và bền vững.
Trong các nỗ lực này, dự án “Fair Digital Finance Accelerator” (Tăng tốc tài chính kỹ thuật số công bằng) vừa được khởi động.
Đây là một dự án kéo dài ba năm do CI chủ trì, với sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates. Dự án nhằm mục đích đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách tài chính kỹ thuật số kết hợp bảo vệ và trao quyền cho người tiêu dùng bởi các cơ quan quản lý và nhà cung cấp tài chính kỹ thuật số ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, góp phần tạo ra một thị trường nơi mà tất cả người tiêu dùng có thể tiếp cận dịch vụ tài chính kỹ thuật số công bằng, an toàn và bền vững.
Các kết quả chính của dự án dự kiến bao gồm: Sự tham gia ngày càng nhiều của các hiệp hội người tiêu dùng trong môi trường pháp lý của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số; tiếng nói của các hiệp hội người tiêu dùng trong môi trường pháp lý được nâng cao và được tôn trọng hơn.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý và cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số sẽ hỗ trợ nhiều hơn đối với việc bảo vệ người tiêu dùng và các sáng kiến trao quyền.
Dự án được triển khai với sự tham gia của trên 40 thành viên của CI, đồng thời là thành viên của “Mạng lưới tăng tốc tài chính kỹ thuật số công bằng” được thiết lập nhằm tăng nhanh số lượng các dịch vụ và chính sách tài chính kỹ thuật số công bằng, an toàn và bền vững thông qua việc huy động một môi trường pháp lý tập trung hơn vào người tiêu dùng.
Về cốt lõi, dự án sẽ hình thành một mạng lưới toàn cầu đáp ứng các nhu cầu cụ thể và nâng cao vị thế của phong trào người tiêu dùng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và kỳ vọng mạng lưới này có thể duy trì lâu dài sau thời điểm này, đóng vai trò như một cơ chế dẫn dắt tư duy trong không gian dịch vụ tài chính kỹ thuật số và tiếp tục đại diện cho người tiêu dùng ở khắp mọi nơi.
Được biết, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) là thành viên của CI từ ngày 15/3/1992. Tham gia thực thi dự án “Tăng tốc tài chính kỹ thuật số công bằng”, Hội sẽ góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách tài chính kỹ thuật số kết hợp bảo vệ và trao quyền cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo