Chuyển đổi số

Tài chính số: Cơ sở thúc đẩy kinh tế số, xã hội số Việt Nam

DNVN - Theo bà Phạm Minh Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số Tổng công ty viễn thông MobiFone, tài chính số là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế số và xã hội số, là cơ sở để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số Việt Nam.

Sẽ phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp / Doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa giải phóng sức lao động thủ công

Tháng 8/2021, Bộ Thông tin & Truyền thông đã trình Chính phủ Dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh Chính phủ số, dự thảo đề cập đến kinh tế số và xã hội số, trong đó kinh tế số gồm kinh tế số CNTT - viễn thông, kinh tế số nền tảng, và kinh tế ngành lĩnh vực.
Tại Hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 với chủ đề "Hiện đại hóa hạ tầng viễn thông và dịch vụ nội dung số hướng tới thúc đẩy kinh tế số, xã hội số" do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp cùng với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức mới đây, bà Phạm Minh Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số Tổng công ty viễn thông MobiFone khẳng định, tài chính số là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế số và xã hội số.
Với tài chính số, Chính phủ đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ban hành các quy định quản lý chặt chẽ. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị quyết 100 về thử nghiệm hoạt động Fintech, hay Quyết định 316 về Mobile Money.

Theo bà Phạm Minh Tú, tài chính số là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế số và xã hội số.
"Số liệu thống kê cho thấy, tổng số lượng tiền thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 11% nhưng số lượng giao dịch lại chiếm hơn 80%. Điều đó chứng tỏ đa phần các giao dịch nhỏ vẫn đang dùng tiền mặt. Thói quen dùng tiền mặt trong xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều. Với mobile money, Chính phủ hi vọng việc phủ thanh toán số cho các vùng sâu, vùng xa và tạo ra thói quen của xã hội số là thanh toán không dùng tiền mặt", bà Tú nhìn nhận.
Đánh giá chung về hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, bà Tú cho biết các ngân hàng đang tích cực chuyển đổi số, các ngân hàng đã tự xây dựng được platform ngân hàng số hoặc hợp tác với các công ty công nghệ hoặc công ty Fintech để xây dựng ngân hàng số. Trong năm 2021, các ngân hàng truyền thống tiêu biểu đều đã xây dựng ngân hàng số để cạnh tranh với các công ty Fintech.
Trong khi đó, thị trường Fintech phát triển mạnh mẽ trong năm vừa qua. Năm 2008 Việt Nam chỉ có khoảng 9 công ty Fintech, đến năm 2015 là 39 công ty, nhưng đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có hơn 150 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Với sự phát triển mạnh của các công ty Fintech, để cạnh tranh các ngân hàng bắt buộc phải đưa vào chiến lược chuyển đổi số, phải đẩy mạnh chiến dịch chuyển đổi số. Các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính đã tận dụng công nghệ rất nhiều trong bài toán cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ khách hàng. Với việc áp dụng công nghệ, thì tỷ lệ nợ xấu đã giảm đi rất nhiều.
Về xu hướng công nghệ của tài chính số, bà Tú cho biết, xu hướng của ngân hàng trong những năm tiếp theo sẽ là hoàn toàn ảo hóa, các sản phẩm dịch vụ hoàn toàn được cá nhân hóa tới từng người sử dụng.
Các công nghệ tài chính số gồm: cung cấp dịch vụ virtual banking; sử dụng hệ thống sinh trắc học trong đăng ký, giao dịch nâng cao bảo mật; tự động hóa nhiều tác vụ; cung cấp nhiều lợi ích cho phân khúc tài chính; công nghệ ứng dụng Fintech, trong đó mobile money và bank agent được thúc đẩy; đẩy mạnh công nghệ giám sát, báo cáo, tuân thủ đảm bảo đúng quy định giao dịch, chính sách. Ngoài ra, công nghệ tài chính số cũng bao gồm việc cung cấp các Open API định hình ngành tài chính với nhiều đơn vị cùng tham gia...
Đề cập tới nền tảng hệ sinh thái tài chính số, bà Tú đánh giá, việc phát triển tài chính số dựa trên nền tảng công nghệ để tạo ra hệ sinh thái. Hệ sinh thái tài chính số gồm ví điện tử và thanh toán trực tuyến, các tổ chức về gọi vốn, đầu tư và quản lý tài sản, cho vay ngang hàng, internet banking, bảo hiểm, chấm điểm tín dụng và quản lý dữ liệu.
Các hệ sinh thái tài chính số sẽ được phát triển trên nền tảng công nghệ, đó là nền tảng về tài chính số. Nền tảng tài chính số gồm thành phần quan trọng nhất là core banking solution xử lý các nghiệp vụ về tài chính ngân hàng, thành phần kết nối tạo ra kênh cung cấp cho người sử dụng và tích hợp với các agent.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm