Kinh tế số

"Gỡ" rào cản pháp lý, công nghệ tạo đà phát triển hệ sinh thái tài chính số

DNVN - Chia sẻ về thực trạng hệ sinh thái tài chính số Việt Nam, chuyên gia Lưu Ánh Nguyệt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng còn không ít rào cản từ môi trường pháp lý và công nghệ.

Bộ Tài chính: Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu trên 5.222 tỷ đồng / Fintech "bùng nổ" đang tạo thách thức lớn trong chính sách quản lý hệ sinh thái tài chính

Theo chuyên gia Lưu Ánh Nguyệt, môi trường pháp lý và công nghệ có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của hệ sinh thái tài chính số.

Hệ sinh thái tài chính số hiện nay được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển từ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực tài chính, dịch vụ tài chính số, thanh toán không dùng tiền mặt…

Khuôn khổ pháp lý nói chung cho việc chuyển đổi số nền kinh tế cũng đang dần được hình thành và hoàn thiện. Việc quản lý dịch vụ công nghệ tài chính đang được điều chỉnh theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech phát triển.

Cùng với đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện liên tục, tăng 10 bậc từ năm 2015, đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập.

Phát triển hệ sinh thái tài chính số còn không ít rào cản từ môi trường pháp lý và công nghệ.

Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam trong cả khu vực Nhà nước và tư nhân mới chỉ chiếm khoảng 0,45% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới là 2,23% GDP.

“Năng lực nghiên cứu khoa học ứng dụng - khoa học phục vụ cuộc sống, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ. Điều này dẫn tới nguy cơ Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore”, bà Nguyệt nói.

Theo chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, môi trường pháp lý và công nghệ, hiện nay tồn tại không ít rào cản, là trở ngại đối với sự phát triển của hệ sinh thái tài chính số.

Đó là, môi trường pháp lý của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng đối với các loại dịch vụ tài chính mới. Ví dụ, đối với tài sản mã hóa (TSMH), hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức quản lý TSMH và các hoạt động liên quan tại Việt Nam.

Các quy định liên quan tới TSMH nằm rải rác ở một số văn bản pháp luật và mới chỉ điều chỉnh hoạt động sử dụng TSMH như một phương tiện thanh toán, thay thế cho tiền pháp định.

Việt Nam chưa ghi nhận giá trị pháp lý của TSMH là một loại hàng hóa hay một loại tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế các giao dịch liên quan tới TSMH vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng phát triển rộng rãi. Thực trạng trên khiến cho việc thiết kế, ban hành chính sách tài chính-tiền tệ đối với TSMH còn nhiều thách thức, chưa có cơ sở để thực hiện.

Do TSMH chưa được công nhận tính pháp lý là phương tiện thanh toán, hay tài sản, hàng hóa nên việc áp dụng các chính sách thuế hay quản lý như một loại chứng khoán đối với hoạt động liên quan đến TSMH đều không có cơ sở.

Đối với các nhà cung cấp, các công ty công nghệ, việc thiếu cơ sở pháp lý như trên làm tăng rủi ro pháp lý, khiến các công ty này sẽ tìm kiếm các quốc gia khác có môi trường pháp lý rõ ràng, an toàn hơn cho việc phát triển dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ sổ cái.

Fintech hiện là lĩnh vực hiện ẩn chứa những bất ổn pháp lý, tạo nhiều quan ngại cho doanh nghiệp, quỹ đầu tư khi đầu tư phát triển vào lĩnh vực này. Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) vẫn là kênh độc quyền cho mọi giao dịch thanh toán, trong khi cho vay ngang hàng chưa thuộc đối tượng điều chỉnh của luật pháp.

Tại Việt Nam, các cơ sở dữ liệu lớn chính thống chưa được hoàn thiện và chia sẻ như cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu định danh quốc gia nên việc định danh khách hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, nguồn lực để phát triển an toàn, đảm bảo an ninh đối với hạ tầng số, nền tảng số còn hạn chế.

“Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay mức chi đầu tư cho chuyển đổi số tại Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm từ 0,3 - 0,5% GDP. Trong khi, mức đầu tư trung bình trên thế giới phải gấp ít nhất 3 lần. Do đó, trình độ phát triển hạ tầng số, nền tảng số của Việt Nam hiện nay còn khoảng cách so với thế giới”, bà Nguyệt nhấn mạnh.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm