Kinh tế số

Không phải cứ ứng dụng CNTT là trở thành doanh nghiệp số

DNVN - Theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia chuyển đổi số, Ban cố vấn Công ty FSI, đa số doanh nghiệp (DN) hiểu lầm rằng cứ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số là thành DN số. Trong khi các DN rối trong ma trận các ứng dụng từ những lời mời chào thì tuyệt đại đa số DN chưa lập được chiến lược chuyển đổi số.

Nông dân livestream bán cam Hà Giang và Cao Phong tại vườn / Người nông dân gặp khó khi tiếp cận sàn thương mại điện tử

Tại tọa đàm: "Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: Chuyển đổi số, Đổi mới mô hình kinh doanh, Tái cấu trúc và Những vấn đề pháp lý cần lưu ý" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Khánh Hòa tổ chức sáng 29/11, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm VIAC cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến mới khó lường và nguy cơ bất ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát rất lớn, luôn tiềm ẩn với kinh tế. Cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt và chắc chắn phần thắng chỉ thuộc về những người nhanh chân, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải có những nỗ lực rất lớn.
"Trong tương lai không có gì chắc chắn, chỉ trừ sự thay đổi là chắc chắn, các DN phải có những nỗ lực vượt bậc. Sự phục hồi đối với các DN và nền kinh tế không phải là việc trở lại trạng thái của ngày hôm qua, của thời kỳ trước đại dịch, mà tất cả các DN và nền kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu. .Trong bối cảnh môi trường kinh doanh thời gian sắp tới thì năng lực chống chịu trở thành một trong những năng lực cốt lõi của các DN", Chủ tịch VIAC nói.
Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC, trước những rủi ro và bất trắc bởi đại dịch, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã vượt khó bằng việc cắt giảm chi phí từ "ngủ đông" đến việc giữ lại các hoạt động và nhân sự cốt lõi. Đặc biệt nhiều DN chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi sản phẩm, phản ứng linh hoạt với thị trường và đối tác, đẩy mạnh liên kết DN và tận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo giới chuyên gia, tuyệt đại đa số DN Việt Nam chưa lập được chiến lược chuyển đổi số. (Ảnh: LĐO)
Bên cạnh những cách thức vượt khó, theo chuyên gia này, hiện nay có 5 từ DN muốn cải cách, tái cấu trúc và phát triển bền vững lưu tâm đó là: Xu thế (chuyển đổi số, phát triển xanh...), lợi thế, sáng tạo, kết nối và quản trị rủi ro.
Về chuyển đổi số, TS. Thành cho rằng, không phải cứ chuyển đổi số là hiệu quả. Số DN thành công khi chuyển đổi số không quá 50%. Do đó, có những bài học về chuyển đổi số mà DN cần ghi nhớ. Bài học thứ nhất là nghĩ lớn nhưng làm cụ thể. DN phải chuyển đổi bắt đầu từ sản phẩm, phải tương tác với khách hàng và thị trường để tạo dòng tiền. Từ dòng tiền ấy tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số ở những khía cạnh khác nhau.
Ngoài ra, theo ông Thành, đã chuyển đổi số thì phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu DN. Những DN có CTO và nếu có CIO (Giám đốc về công nghệ) thì càng tốt. Nếu người đứng đầu DN không gắn bó với hoạt động chuyển đổi số và giao cho người khác thì rất khó thành công.
"Thêm vào đó, chuyển đổi số phải gắn với chiến lược thực, tức là chuyển đổi số phải gắn với tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của DN. 3 bài học này như điều kiện cần để đảm bảo thành công trong tiến trình chuyển đổi số của DN", TS. Thành chia sẻ.
Trong khi đó, bàn về thực trạng chuyển đổi số của DN Việt Nam, TS. Nguyễn Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia chuyển đổi số, Ban cố vấn Công ty FSI, Trọng tài viên VIAC cho biết, đa số DN hiểu rằng cứ ứng dụng CNTT, công nghệ số là thành DN số. Đây là suy nghĩ sai lầm.
"Các DN rối trong ma trận các ứng dụng từ các lời mời chào, không biết chọn ứng dụng nào cho phù hợp. Điều đáng nói là tuyệt đại đa số DN chưa lập được chiến lược chuyển đổi số", ông Hoa nêu.
Trên thực tế, Ban cố vấn Công ty FSI, một số ít DN đã đạt tới giai đoạn cuộc CMCN 4.0 như DN hàng không, ngân hàng, giao thông vận tải... Tuy nhiên, chỉ một số DN được công nhận DN số. Trong khi đó, nhiều DN còn đang ở giai đoạn CMCN 3.0. Tuyệt đại đa số cả chính quyền và DN đang ở giữa cuộc CMCN 3.0 - tức là đi chậm hơn thế giới khoảng 20 năm.
"Nếu chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam chỉ áp dụng quy trình chuyển đổi số như quốc tế thì luôn đi sau họ. Nhưng nếu có chiến lược riêng thì chúng ta nhanh chóng vượt lên, sẽ có nhiều DN đạt trình độ DN số trong vòng 5 - 10 năm. Như vậy mới thành công", TS. Hoa nhận định.
Đưa ra lời khuyên cho DN khi thực hiện tiến trình chuyển đổi số, TS Hoa cho rằng, DN cần xác định DN đang ở đâu. Cùng với việc mô tả chi tiết quy trình sản xuất hiện tại, DN phải xác định những khâu nào cần thay đổi, những khâu nào cần máy móc thực hiện. Sau đó, DN chọn đối tác và công nghệ, và tiếp đến là lập kế hoạch và lộ trình triển khai.
Theo TS. Hoa, chuyển đổi số không hề đắt, thậm chí là rất rẻ, quan trọng là DN phải tìm đối tác và giải pháp. Tìm được đối tác tin cậy, DN sẽ có giải pháp thực sự mang lại hiệu quả và kết nối được với mọi hệ thống khác. Còn nếu có đối tác tri kỷ, DN được cung cấp dịch vụ giải pháp đảm bảo giá trị gia tăng và chia sẻ từ giá trị tăng thêm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm