Kinh tế số

Netflix, WeTV, Apple TV vẫn đang cung cấp dịch vụ “lậu” vào Việt Nam

DNVN - Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nội dung quốc tế phát sóng tới người dùng phải được cấp phép, biên tập, biên dịch sang tiếng Việt. Bộ TT&TT chưa cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới tại Việt Nam. Song các ông lớn như Netflix, WeTV vẫn đang thu 1.000 tỷ đồng mỗi năm từ người dùng trong nước.

Công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố / Cần có cơ chế khuyến khích lợi ích kinh tế trong thanh toán điện tử

Việc các nền tảng cung cấp dịch vụ nội dung trực tuyến xuyên biên giới (OTT TV) ồ ạt cung cấp vào thị trường Việt Nam như Netflix, iFlix, Apple TV, Tencent, Baidu, Disney+, Amazon, cho thấy Việt Nam là một thị trường béo bở để khai thác dịch vụ giải trí trực tuyến. Dịch vụ OTT có lợi thế là có thể cung cấp dịch vụ mà không cần phải triển khai hạ tầng truyền dẫn, do đó các ông lớn công nghệ giải trí hàng đầu thế giới có thể nhanh chóng cung cấp dịch vụ toàn cầu trên nền tảng Internet mà không có một rào cản nào về mặt công nghệ, cũng như pháp lý.

Tuy không có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước tính có khoảng triệu thuê bao OTT TV xuyên biên giới ở Việt Nam, doanh thu mà các dịch vụ này có được từ thị trường Việt Nam lên tới 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên các nhà cung cấp dịch vụ này vẫn chưa chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, chưa thực hiện nghĩa vụ thuế và các quy định về quản lý nội dung.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nội dung quốc tế phát sóng tới người dùng trong nước phải được cấp phép, được biên tập, biên dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chưa cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới tại Việt Nam (như Netflix, WeTV ...). Do đó các nội dung cung cấp trên dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp xuyên biên giới không được biên tập, nhiều phim không được cấp phép phổ biến theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, trên các dịch vụ này có các nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

Dịch vụ WeTV của Tencent (Trung Quốc) cung cấp kho nội dung khổng lồ vào thị trường Việt Nam.

Dịch vụ WeTV của hãng Tencent (Trung Quốc) cung cấp kho nội dung khổng lồ vào thị trường Việt Nam.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền dẫn Internet băng rộng, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập vào thị trường trong nước, đưa các nội dung không biên tập đến người xem trong nước, có thu tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Các dịch vụ điển hình OTT TV xuyên biên giới được nhiều người sử dụng như: WeTV, iQIYI của Trung Quốc, Netflix, Apple TV, Disney Plus...

Đặc điểm chung của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới là cung cấp các nội dung giải trí nước ngoài hết sức đa dạng cho mọi lứa tuổi, gồm phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim hoạt hình, các loại trò chơi truyền hình thực tế, các chương trình thể thao quốc tế. Trên thực tế, các nội dung này đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khán giả trẻ ở khu vực thành thị.

Hiện nay, để tiếp tục thâm nhập thị trường trong nước, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới có triển khai mua bản quyền và cung cấp trên kho nội dung một số phim điện ảnh, truyền hình của các nhà sản xuất Việt Nam như: Hai Phượng, Gái già lắm chiêu, Em chưa 18, Tháng năm rực rỡ, Bố già...

Tuy nhiên, về nguy cơ rủi ro đối với nội dung nước ngoài không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước. Gần đây, một số phim trên dịch vụ Netflix có các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, như: Phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta" tháng 8/2020, phim "Bà Ngoại trưởng" tháng 9/2020; nội dung vi phạm về văn hóa khá phổ biến do quan điểm, lối sống phương Tây khác biệt với văn hóa Á đông, như: Phim "Vũ công nhỏ đáng yêu", phim 365 ngày, phim Polar, loạt truyền hình thực tế "Too hot, too handle"; cá biệt có những phim làm sai lệch lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ tổ quốc như phim tài liệu Việt Nam War.

 

Bộ TT&TT đã phát hiện ra nhiều sai phạm về nội dung trên Netflix.

Bộ TT&TT đã phát hiện ra nhiều nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên Netflix. Ảnh có tính minh họa

Mặc dù, khi phát hiện ra vi phạm, Bộ TT&TT đã triển khai một số giải pháp cấp bách như gửi trực tiếp những bằng chứng vi phạm về nội dung đến đại diện pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình (PTTH) trả tiền xuyên biên giới tại Việt Nam; gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ PTTH trả tiền xuyên biên giới tại Việt Nam chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam. Đồng thời Bộ TT&TT cũng có văn bản gửi các cơ quan báo chí để lưu ý về việc đăng tải phát sóng các tin bài, chương trình có nội dung phổ biến, quảng bá cho các dịch vụ truyền hình nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Tuy nhiên, những giải pháp hành chính này không mang lại hiệu quả quản lý thực sự, là do dịch vụ này vẫn thu tiền của người Việt theo thuê bao nhưng không chịu sự điều chỉnh của quy định truyền hình trả tiền và quy định về phí. Dẫn đến việc nhà nước thất thu phí. Nội dung khi bị phát hiện sai phạm mới yêu cầu doanh nghiệp gỡ thì nội dung đó đã có tác động, ảnh hưởng của người xem. Việc này không có tác dụng mạnh trong việc phòng ngừa, ngăn chặn những nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, chưa kể những nội dung chống phá nhà nước.

 

Chính vì vậy, để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp xuyên biên giới tại Việt Nam thì giải pháp căn cơ mà các cơ quan quản lý cần phải triển khai ngay là phải hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi chính sách pháp luật.

Việc xây dựng, sửa đổi chính sách pháp luật như sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh, sửa đổi; bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ… sẽ góp phần quản lý hiệu quả dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường truyền hình trả tiền; đồng thời điều chỉnh được đối tượng là các doanh nghiệp xuyên biên giới.

Dịch vụ OTT TV trong nước đạt 3,6 triệu thuê bao

Thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đã hình thành và phát triển từ 2002 kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg về quản lý việc thu các kênh chương trình truyền hình của nước ngoài. Dịch vụ phát thanh truyền hình (PTTH) trên mạng Internet cùng với các dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình mặt đất và truyền hình di dộng là các dịch vụ truyền hình trả tiền đang được quản lý theo quy định của Luật Báo chí 2016 và Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hiện có 22 doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên mạng Internet (hay còn gọi là OTT TV). Mặc dù bắt đầu phát triển từ 2017, đến nay OTT TV đã chiếm quy mô 20% thị trường, đạt xấp xỉ 3,6 triệu thuê bao, doanh thu đạt gần 190 tỉ đồng. OTT TV, ngoài các kênh chương trình, còn đang cung cấp đến 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu (VOD), trong đó phim các loại chiếm đến 60% thời lượng. Đặc điểm nổi bật của các nội dung VOD là hết sức đa dạng, phong phú của cả trong và ngoài nước sản xuất và tất cả đều được biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.

 

Dẫn đầu thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet trong nước hiện nay là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có hạ tầng viễn thông lớn trong nước như: FPT (FPT Play), Viettel (Next TV), VNPT (MyTV), VTVcab (VTVcab On)... Các doanh nghiệp nêu trên có điểm chung lợi thế là ngoài kinh doanh dịch vụ truyền hình còn kinh doanh nhiều dịch vụ viễn thông khác trên cùng hạ tầng truyền dẫn. Vì vậy, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng ngày càng được nâng cao.

Có thể thấy, dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung và dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet nói riêng do các doanh nghiệp trong nước cung cấp đã và đang phục vụ khá tốt nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, đáp ứng được nhu cầu thông tin, giải trí của người dân cả nước và vẫn tuân thủ các quy định quản lý nội dung hiện hành của nhà nước.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm