Kinh tế số

Phát triển hợp đồng điện tử an toàn: Thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số

DNVN - Ngày 15/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”. Chương trình do Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức.

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp / Ứng dụng hợp đồng điện tử: Doanh nghiệp cần làm gì để tránh rủi ro?

Diễn đàn nhằm cung cấp thông tin toàn diện cho cộng đồng doanh nghiệp về việc ứng dụng hợp đồng điện tử an toàn. Sự kiện không chỉ tạo ra không gian trao đổi và thảo luận giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong giai đoạn 2024-2025.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, khả năng linh hoạt và sẵn sàng chuyển đổi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Quá trình này không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng.

Bà Lê Hoàng Oanh cũng cho biết, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về thương mại điện tử được thể hiện trong luật mẫu của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) và Công ước Liên hợp quốc về giao kết hợp đồng sử dụng chứng từ điện tử.

Với tinh thần đồng hành, sẻ chia và hỗ trợ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng một hệ sinh thái số bền vững. Do đó, nội dung Diễn đàn tập trung thảo luận về một khâu trong chu trình kinh doanh của doanh nghiệp: giao kết hợp đồng, theo định hướng thúc đẩy ứng dụng hợp đồng điện tử an toàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT Đỗ Kế Công, cho biết, từ năm 2009, VNPT đã không ngừng nâng cao các dịch vụ và giải pháp, bao gồm nền tảng VNPT eContract và giải pháp ký số từ xa (Remote Signing). Đến năm 2024, VNPT đã cung cấp hơn 1 triệu hợp đồng điện tử trong nhiều lĩnh vực.

Theo Chủ tịch Công ty TNHH FPT IS Trần Đăng Hòa, việc triển khai các giải pháp giao kết và xác thực điện tử là một xu hướng quan trọng và cần thiết tại Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, vấn đề an toàn và bảo mật trong giao dịch điện tử được đánh giá là yếu tố then chốt để các tổ chức và cá nhân có thể khai thác hiệu quả những giải pháp này.

Cũng bàn luận về vấn đề, ông Nguyễn Đăng Triển - đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đề cao vai trò của chữ ký số và định danh xác thực trong việc bảo đảm an toàn và phòng ngừa gian lận trong giao dịch điện tử. Theo đó, Viettel cam kết sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số ngày càng an toàn hơn và dễ dàng hơn bằng bộ giải pháp: hợp đồng điện tử, chữ ký số, dấu thời gian hay hoá đơn điện tử…

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp tham gia đều nhất trí rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những vấn đề, khó khăn thực tế như: chi phí cao, thủ tục phức tạp và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng…).

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại đây.

Thu Thủy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo