Phát triển kinh tế chia sẻ: Rào cản pháp lý có thể triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo
Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đám mây an toàn đón cơ hội từ nền kinh tế số / Tìm giải pháp phát triển đột phá kinh tế số TP Hồ Chí Minh
Tạo động lực ứng dụng công nghệ
Kinh tế chia sẻ là hoạt động kết nối để người dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau, đem lại giá trị kinh tế cao, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.
Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ: vận chuyển hành khách với chia sẻ phương tiện giao thông; dịch vụ lưu trú, du lịch; dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Việt Nam có đặc điểm tự nhiên là thích ứng tốt với kinh tế chia sẻ. Kết quả khảo sát của Nielsen năm 2017 cho thấy, người Việt Nam sẵn sàng tận dụng sản phẩm và dịch vụ chia sẻ ở mức 76%, cao hơn so với 66% trung bình của thế giới.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương - Phó viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ KH&ĐT), kinh tế chia sẻ có nhiều lợi ích. Trong đó, vấn đề cạnh tranh trong mô hình kinh tế này mang lại lợi ích rất thiết thực. Đây không chỉ là câu chuyện cạnh tranh vì công nghệ mang lại. Sau khi có sự xuất hiện của taxi công nghệ như Grab, Uber và một loạt các hãng khác… các hãng taxi truyền thống cũng phải thay đổi theo xu hướng ứng dụng các nền tảng và sử dụng các công nghệ gần giống như công nghệ của kinh tế chia sẻ.
Mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam dưới nhiều hình thức.
Kinh tế chia sẻ mang lại hệ sinh thái rất khác cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Có những quán ăn nhờ kinh tế chia sẻ đạt doanh thu 300 triệu mỗi tháng, người dân cả đoạn phố cũng “ăn nên làm ra” nhờ các dịch vụ “ăn theo”.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thuỳ Trang - Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam đánh giá, một trong những đóng góp quan trọng của kinh tế chia sẻ là tạo động lực cho các thành phần trong xã hội, bao gồm người dùng trong xã hội, đối tác tài xế, thương nhân, thậm chí là cả cơ quan quản lý tăng tốc trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động hàng ngày.
Ngoài ra, kinh tế chia sẻ có thể góp phần tối ưu hoá các nguồn lực xã hội. Qua đó, đóng góp vào việc nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm tài nguyên.
Đáng chú ý, kinh tế chia sẻ tạo ra được thị trường, trong đó những sản phẩm, dịch vụ cung ứng mang tính chất minh bạch, rõ ràng hơn.
Trước đây, khi chưa áp dụng công nghệ, nếu khách hàng không biết đường, sẽ có tình trạng tài xế đi lòng vòng để lấy tiền cước của khách nhiều hơn so với giá trị thực của cuốc xe đó. Với việc dùng xe công nghệ này, bất cập này được loại bỏ hoàn toàn.
Những trở ngại, thách thức
Ở góc độ chuyên gia, theo Viện phó CIEM, bên cạnh những lợi ích của kinh tế chia sẻ còn có rất nhiều rủi ro liên quan đến lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của các bên liên quan.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều đáng lo ngại nhất của kinh tế chia sẻ là có rất nhiều biến tướng, sự thay đổi mà ban đầu khi áp dụng kinh tế chia sẻ nhiều người không nghĩ tới”, ông Cương nêu.
Bản chất ban đầu của kinh tế chia sẻ là sử dụng các tài nguyên sẵn có để tăng hiệu suất sử dụng nguồn tài nguyên. Nhưng khi mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện, vì lợi ích của những mô hình kinh tế khác do công nghệ mang lại, có rất nhiều doanh nghiệp mua hàng chục phương tiện giao thông vận tải mới và tham gia vào hệ thống dịch vụ công nghệ. Việc này đem lại lợi ích cho những cá nhân, doanh nghiệp muốn kinh doanh theo mô hình thông thường.
Điều đáng lưu ý, do kinh tế chia sẻ là mô hình mới nên còn nhiều rất nhiều câu chuyện liên quan đến rào cản pháp lý. Khi có sự xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp theo mô hình truyền thống với doanh nghiệp áo dụng mô hình kinh tế chia sẻ, nhiều khả năng cơ quan quản lý Nhà nước có xu hướng đưa về quản lý theo mô hình kinh doanh thông thường. Điều này có thể triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo.
Dịch vụ xe công nghệ được nhiều người sử dụng.
Trong khi đó, nêu khó khăn, thách thức khi áp dụng kinh tế chia sẻ, TS Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, chính sách phát triển công nghệ còn yếu và thiếu. Xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng thực trạng rất là manh mún và phân tán, không có sự kết nối liên thông.
Đặc biết, khung chính sách thử nghiệm (Sandbox) chưa được cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm xây dựng. Theo đó, có thể sẽ dẫn tới nhiều rủi ro. Các quy định pháp luật chưa bắt kịp xu thế phát triển các mô hình kinh tế mới. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, mà điểm yếu là thay đổi cách thức kinh doanh từ truyền thống sáng ứng dụng công nghệ.
Tạo điều kiện tối đa cho đổi mới sáng tạo
Là doanh nghiệp tiên phong trong việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần hỗ trợ để đẩy mạnh, tăng cường sự đóng góp của kinh tế chia sẻ trong tương lai. Một trong những điều cơ bản nhất là tạo điều tối đa cho hoạt động đổi mới sáng tạo, để những mô hình mới, ý tưởng sáng tạo mới có thể nhanh chóng được triển khai.
Trong giai đoạn đầu tiên khi Grab mới triển khai thí điểm tại Việt Nam, Bộ GTVT đã có cân nhắc sửa đổi quy định trong Luật Đường bộ, các nghị định quy định điều kiện kinh doanh của ngành giao thông cho phù hợp với các mô hình mới.
“Tuy nhiên, quá trình trao đổi để từ đó định hình được đây là mô hình nào, hoạt động ra sao và có những tác động tiêu cực, tích cực như thế nào đến nền kinh tế - xã hội… sẽ mất khá nhiều thời gian. Những trao đổi, bàn thảo kéo dài đã gián tiếp hạn chế tốc độ phát triển nhanh và bứt phá của mô hình kinh tế mới”, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo bà Trang, với các mô hình kinh doanh mới, thường có những ý tưởng đột phá mà nhiều khi các quy định hiện nay chưa trùng khớp với mô hình mới.
“Rõ ràng mô hình kinh tế chia sẻ có những vấn đề mà cơ quan quản lý, người làm luật chưa hình dung hết. Từ phía Grab hay bất cứ từ một doanh nghiệp nào hoạt động theo mô hình mới đều có thể gặp phải. Điều quan trọng là hai bên, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, phải cùng ngồi nói chuyện với nhau để tìm ra giải pháp tối ưu. Một mặt bảo đảm mục tiêu quản lý của Nhà nước, mặt khác vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh của mình”, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo