Kinh tế số

Thanh toán bằng tiền mặt mang đến rủi ro cho khách hàng và doanh nghiệp thương mại điện tử

DNVN - Hiện nay, tỷ lệ thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tới gần 90% các giao dịch thương mại điện tử. Điều này mang đến nhiều rủi ro cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.

Covid-19: Thương mại điện tử và giao dịch qua ví điện tử tăng đột biến / Hậu Covid-19: Hãy biến các sàn thương mại điện tử trở thành công cụ, chứ đừng phụ thuộc vào nó

86% người mua hàng thương mại điện tử thanh toán bằng tiền mặt

Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam - Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online" vừa được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội bán lẻ và đại diện nhiều doanh nghiệp trong nước. Mục đích nhằm đưa ra các biện pháp chuyển mình nắm bắt cơ hội cho các doanh nghiệp để phù hợp với thị trường công nghệ mới. Đồng thời, nhận định về những tiện ích, rủi ro mà khuynh hướng tiêu dùng mới mang lại cho tương lai thanh toán không dùng tiền mặt và những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp,

Tại Diễn đàn, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) cho biết, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 5 năm qua với tốc độ tăng trung bình trên 25%/năm.

 thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 5 năm qua với tốc độ tăng trung bình trên 25%/năm.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 5 năm qua với tốc độ tăng trung bình trên 25%/năm. (Ảnh minh họa: Internet)

Thống kê cho thấy, doanh thu TMĐT B2C tại Việt Nam năm 2019 vào khoảng 10,8 tỷ USD, đạt tỷ trọng 4,9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước. Lượng người Việt tham gia mua sắm trực tuyến vẫn tăng trưởng qua từng năm, năm 2019, có khoảng 44,8 triệu người tham gia mua trực tuyến. Lượng website TMĐT hàng năm tăng mạnh, các chỉ số cơ bản tăng trưởng. Song vẫn còn nhiều trở ngại khi mua hàng trực tuyến. Nguyên nhân được đưa ra là sản phẩm kém chất lượng, lo ngại rò rỉ thông tin cá nhân, giá cả không trung thực… khiến niềm tin của người tiêu dùng bị giảm sút.

Một vướng mắc nữa đó là tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của TMĐT. Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, trong các giao dịch dịch trực tuyến, việc sử dụng công cụ thanh toán điện tử vẫn chưa thể thay thế cho hình thức COD (trả tiền mặt). Theo Bộ Công Thương, năm 2019 vẫn có tới 86% người mua hàng trực tuyến sử dụng thanh toán COD. “Tỷ lệ này ảnh hưởng đến sự phát triển của TMĐT. Nếu không được giải quyết thì khi thị trường hoặc nguồn vốn đầu tư thay đổi, doanh nghiệp và cả thị trường sẽ không mở rộng được”, ông Lê Đức Anh nhấn mạnh.

Tương tự, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại Tiki miền Bắc nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua không đạt như kỳ vọng. “TMĐT hay thanh toán trực tuyến chỉ có thể phát triển khi tạo dựng được niềm tin cho khách hàng. Việc tiếp tục dùng tiền mặt sẽ mang đến rủi ro cho cả khách hàng và doanh nghiệp TMĐT”, ông Quyền nói.

Để người mua hàng sẵn sàng cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, theo ông Quyền, cần kiểm tra, xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Có chế tài và biện pháp mạnh mẽ để tạo niềm tin cho người mua sắm và thanh toán online. Các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online; tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Ông Lê Đức Anh cho hay, trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 Bộ Công Thương đang xây dựng “Nền tảng tín nhiệm” đối với TMĐT. Nền tảng sẽ đánh giá các chủ thể kinh doanh, thậm chí là các cá nhân sau đó cấp giấy chứng nhận để công bố rộng rãi đến người tiêu dùng. Nền tảng này đề cập đến những hình thức thanh toán đảm bảo (tạm giữ dòng tiền trong quá trình giao dịch); giao hàng Prime; ứng dụng chứng từ điện tử; xử lý tranh chấp khiếu nại, chất lượng dịch vụ giao hàng hay thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.

Năm 2025, 55% dân số Việt Nam mua sắm trực tuyến với doanh số 35 tỷ USD

Trước những xu hướng về hành vi tiêu dùng trong kỷ nguyên số, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, năm 2020, có 4 tỷ người kết nối Internet trên toàn thế giới với 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua các ứng dụng điện tử. Tới năm 2025, dự đoán nền kinh tế chia sẻ của toàn cầu đạt mức giá trị 300 tỷ USD. Việt Nam đang trong xu hướng kinh tế toàn cầu với dự đoán trong năm nay, Internet Việt Nam sẽ chiếm gần 60% dân số và 33% người tiêu dùng Việt sẽ thực hiện việc chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi mua sắm trực tuyến. Cứ 10 người thì có 3 người sở hữu tài khoản với một tổ chức tài chính ở Việt Nam.

Bà Thúy Hà đề nghị, các doanh nghiệp cần hiểu người tiêu dùng để cung cấp sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng, phải mang lại sự thuận tiện cho khách hàng và hướng tới việc tiếp cận đa kênh, đồng thời mang lại nhiều trải nghiệm khách hàng đồng nhất tại từng điểm chạm.

Tại Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn. Việt Nam là quốc gia phát triển sau về chuỗi cửa hàng tiện lợi nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Theo số liệu thống kê, tăng trưởng giá trị của cửa hàng tiện lợi, cửa hàng mini là 27% trong khi Hàn Quốc và Philippines là 14%, Thái Lan và Malaysia là 5%... Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm. Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019: mua sắm quần áo: 24%; hàng cá nhân: 21%; hàng điện tử: 18%; vé máy bay, vé xem phim: 17%...

Người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ thường xuyên sử dụng các thiết bị di động, mạng xã hội và đặc biệt thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số). Theo nhận định của Nielsen, đến năm 2020, 55% dân số Việt Nam có khả năng truy cập Internet. Bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Đánh giá về tương lai số của ngành bán lẻ Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, hiện nay là thời đại bùng nổ về Internet và TMĐT. Chuyển đổi số chính là mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt doanh nghiệp vào một cuộc đua sinh tử. Nếu chậm chân, doanh nghiệp sẽ đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của mình. Tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cũng tạo thêm sức ép buộc các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ phải chuyển mình.

Bà Mỹ Loan cũng đưa ra mô hình chuyển đổi số trong ngành bán lẻ. Cụ thể, phải tập trung vào trải nghiệm của khách hàng và tạo thêm các mô hình chuỗi giá trị số như thu thập dữ liệu khách hàng của sản phẩm hay địa điểm, biến dữ liệu thành thông tin hiểu biết rồi biến chúng thành hành động. Từ đó, tạo nên những trải nghiệm số trong cả hành trình mua sắm của khách hàng.

Việc chuyển đổi số được đánh giá là xu thế tất yếu song nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại thất bại do hiểu chưa đúng và chưa sẵn sàng về nguồn lực. Bà Loan dẫn chứng, theo khảo sát của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), có gần 95% doanh nghiệp ý thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, chỉ có 5,1% trả lời chưa hiểu biết và chưa có hành động gì liên quan tới chuyển đổi số. Nhưng có tới 84% doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số và việc áp dụng công nghệ mới vào doanh nghiệp thường không hiệu quả. Điều đó đặt ra vấn đề nên bắt đầu từ đâu để có hành trình chuyển đổi số an toàn và hiệu quả.

Hiện nay, đã có gần 45 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến. Chính phủ cũng đạt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 55% dân số mua sắm trực tuyến với doanh số khoảng 35 tỷ USD. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu có được sự hỗ trợ của Chính phủ, cùng các bộ, ngành và doanh nghiệp. Cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp TMĐT tiếp cận nguồn vốn để tham gia chuỗi giá trị liên kết hàng Việt bán trên sàn TMĐT của người Việt. Có chính sách liên kết trong việc thanh toán, an toàn bảo mật thông tin dữ liệu của người dùng; song song với việc siết chặt các quy định bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn TMĐT hoặc bảo vệ các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm