Kinh tế số

Triển vọng và rủi ro cho thị trường bán lẻ, thương mại điện tử năm 2021

DNVN - Trong thời kỳ giãn cách xã hội, xu hướng tiêu dùng đã có rất nhiều thay đổi, các kênh bán hàng trực tuyến, gian hàng thương mại trở nên vô cùng được yêu thích, và tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ tăng mạnh trong vòng 5 năm tới.

Khai trương Trung tâm thu mua nông sản công suất tối đa 50 tấn/ngày ở Tiền Giang / Bộ NN-PTNT: Bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống

Mặc dù đại dịch Covid đã làm cho năm 2020 trở nên vô cùng khó khăn trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Năm 2021 được kỳ vọng là năm Việt Nam lấy lại được mức tăng trưởng ấn tượng, đồng nghĩa với nhiều cơ hội hơn được tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam. Theo Ngân hàng phát triển Châu Á, Việt Nam có mức tăng trưởng GPD năm 2020 là 1,8%, tuy là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng lại là con số đầy ấn tượng trong khi các nước Đông Nam Á đều có mức tăng trưởng âm.

Đáng chú ý trong thời gian tới đó là lĩnh vực thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Từ trước tới nay mô hình kinh doanh bán lẻ truyền thống vẫn rất mạnh tại Việt Nam dưới các hình thức chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên do thời kỳ giãn cách xã hội, xu hướng tiêu dùng đã có rất nhiều thay đổi, các kênh bán hàng trực tuyến, gian hàng thương mại trở nên vô cùng được yêu thích, và tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ tăng mạnh trong vòng5 năm tới.

Các kênh bán lẻ có nhiều thay đổi trong những năm qua

Thị phần các kênh bán lẻ có nhiều thay đổi trong những năm qua.

Tuy có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào mảng bán lẻ ở Việt Nam, nhưng những công ty Việt mới là những người dẫn dắt thị trường: Thế giới Di động dẫn đầu trong mảng thiết bị điện tử và đang mở rộng ra mảng hàng hóa. Vingroup với hệ thống trung tâm thương mại toàn quốc, với vai trò phát triển bất động sản, sở hữu và điều hành các trung tâm thương mại chiếm 40% trong thị trường trung tâm thương mại bán lẻ. Masan tập đoàn vừa mua lại hệ thống siệu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart /Vinmart+ với tổng số hơn 2.000 cửa hàng. Tuy người Việt Nam vẫn có thói quen mua hàng tại chợ, hay cửa hàng nhỏ, nhưng số lượng siêu thị mini ra đời cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng của họ. Bách Hóa Xanh - một thương hiệu siêu thị của Thế giới Di động đã tăng số lượng cửa hàng lên gấp 4 lần chỉ trong vòng 24 tháng từ 421 lên 1719 cửa hàng từ tháng 1/2019 đến tháng 1/2021.

Xu hướng bán lẻ thay đổi nhờ những tiến bộ trong việc phân phối hàng hóa. Trước đây người tiêu dùng có thói quen đến từng cửa hàng để mua những mặt hàng khác nhau, nhưng giờ đây thói quen đi siêu thị đã tăng lên đáng kể, chưa kể những nhà đầu tư như Vingroup đã tạo ra những hệ thống VinShop (trong đó đã bán Vinmart / Vinmart+ cho Masan) mang đến cho khách hàng những lợi ích khi sử dụng ví tiêu dùng, và giảm giá đặc biệt đối với một số mặt hàng. VinShop cung cấp cho khách hàng rất nhiều chương trình khuyến mãi mua hàng, cung cấp nhiều mặt hàng của nhiều hãng khác nhau, vận chuyển hàng hóa không kể ngày nghỉ, cho vay mua hàng, và mua hàng online. Vào tháng 1/2021 hệ thống Vinshop đã có tới 55.000 cửa hàng và tham vọng đạt được 350.000 cửa hàng vào năm 2025.

Trước đây, các công ty nhãn hàng phụ thuộc rất nhiều vào Facebook để quảng bá thương hiệu cho mình nhưng hiện nay một số công ty đã chủ động phát triển hệ thống quản lý khách hàng riêng để tạo được tệp khách hàng trung thành với mình. VinID là một điển hình với 11 triệu người sử dụng và 100.000 điểm bán có thể sử dụng thanh toán qua ứng dụng này. VinID được coi là trung tâm của hệ thống sinh thái Vingroup. Một ví dụ khác là Pharmacity với 3,5 triệu người dùng, khuyến khích người dùng mua sản phẩm dựa trên lịch sử mua hàng trước đó.

Người Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều hơn, tạo điều kiện cho các nhãn hàng tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, theo nhiều cách thức khác nhau, dựa trên thông tin khách hàng. Điện thoại thông minh được coi như trục cung cấp thông tin tới khách hàng. Khách hàng Việt Nam không chỉ mua hàng online mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ như đặt xe, gửi hàng hóa, hay các dịch vụ tiện ích khác. Ngày càng nhiều người, đặc biệt là người trẻ ưa thích sử dụng các dịch vụ ví điện tử, thanh toán không sử dụng tiền mặt và sức mạnh lan tỏa rất lớn.

Thương mại điện tử sức bật mới của thị trường tiêu dùng

Thị phần của các sàn thương mai điện tử Việt Nam

Thị phần của các sàn thương mại điện tử Việt Nam.

Thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, với quy mô thị trường tăng 4 lần so với năm 2019 vào năm 2025. Người Việt Nam sử dụng mạng xã hội rất nhiều, chủ yếu là Facebook, YouTube và Zalo, sau đó là Messenger, Tiktok, Instagram. Đây đều là những kênh được khai thác rất lớn trong thương mại điện tử. Trong thời kỳ giãn cách xã hội và ngay cả sau đó, việc mua sắm online trở nên tăng mạnh hơn bao giờ hết, từ đồ ăn, thực phẩm, sản phẩm vệ sinh tới thời trang và các sản phẩm giải trí khác. Các sàn thương mại điện tự cũng đang cạnh tranh rất lớn về lượng người dùng và lợi nhuận kèm theo. Shopee nổi lên chiếm ưu thế trong năm 2020 tới 41% bỏ xa các đối thủ còn lại như Tiki, Lazada, Sendo hay Thế giới Di động. Cách thức bán hàng online ngày càng trở nên đa dạng hơn bao giờ hết, từ phương thức giỏ hàng truyền thống, tới bán hàng online hay quảng bá thông qua các KOLs.

Một phần không thể thiếu trong thương mại điện tử đó chính là lĩnh vực logistic, giao nhận hàng hóa, ngành lên ngôi trong năm 2020. Các nền tảng như Grab, Gojek và Baemin đã làm thay đổi rất lớn thói quen của người sử dụng trong việc giao nhận, đặt hàng. 51% người sử dụng của các ứng dụng gọi đồ ăn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Họ bắt đầu sử dụng với những chương trình khuyến mãi và nhận thấy những ứng dụng này thật sự tiện dụng, cùng với thời gian phải ở nhà nhiều trong suốt năm qua đã làm cho các ứng dụng này trở lên phổ biến hơn bao giờ hết.

Triển vọng và rủi ro

Tăng trưởng kinh tế mang lại nhiều cơ hội cho các nhà kinh doanh. Nền kinh tế vĩ mô đầy lạc quan với các cơ hội cho nhà đầu tư mặc dù Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ trong nước và nước ngoài. Từ đại dịch Covid-19 người Việt Nam đã quan tâm và chú trọng hơn nhiều tới lĩnh vực sức khỏe và an toàn cho bản thân, gia đình. Các sản phẩm chống dịch liên quan tới sức khỏe được đặc biệt quan tâm, trong khi đó yếu tố an toàn trở nên quan trọng hơn khi người mua hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có được cảm giác an toàn và thoải mái.

Thu nhập trung bình của người dân cũng tăng lên đồng nghĩa với việc tìm kiếm những sản phảm nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với sự phổ biến của thiết bị di động, hệ thống viễn thông ngày càng tốt, người dân có xu hướng sử dụng điện thoại di động nhiều hơn, các phần mềm mua bán, thanh toán online ngày càng trở nên phổ biến, các nhà kinh doanh cũng dễ dàng đưa sản phẩm của mình tiếp cận với khách hàng online hơn. Vì thế việc nghiên cứu data khách hàng cũng trở nên dễ dàng hơn, các chiến dịch marketing online cũng đạt hiệu quả cao hơn.

Mặc dù đầy lạc quan, chúng ta cũng không được quên rằng đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua đi và vẫn chưa biết tới khi nào có thể trở lại bình thường. Việc đóng các chuyến bay thương mại, hạn chế giao tiếp quốc tế vẫn là rào cản lớn đối với những ngày du lịch, dịch vụ, nhà hàng, giải trí… Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các dịch vụ, tiện ích online càng lớn thì lợi tức thu lại càng giảm xuống. Cũng do sự biến động không ngờ tới mà thói quen của người tiêu dùng sẽ có nhiều thay đổi từ việc lựa chọn những hàng hóa xa xỉ sang những hàng hóa bình dân hơn, và cân nhắc nhiều hơn trong việc lựa chọn nhãn hàng.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm