Kinh tế số

Xiaomi nuôi tham vọng phủ sóng tại Việt Nam

DNVN - Theo thông tin từ Digiworld - đối tác phân phối sản phẩm Xiaomi tại Việt Nam, hãng công nghệ Trung Quốc đang phối hợp cùng với một đơn vị ở Việt Nam để xây dựng nhà máy lắp ráp tại Hải Phòng.

Tập huấn mở "Gian hàng Việt trực tuyến" và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm của Sơn La / Livestream bán hàng: Ngành công nghiệp tỷ USD, hướng đi mở cho nền kinh tế số Việt Nam

Lần đầu tiên một thương hiệu điện thoại Trung Quốc mở nhà máy tại Việt Nam

Việt Nam luôn là điểm đến lý tưởng đối với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, đặc biệt với những thành tựu về kinh tế xã hội trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các “ông lớn" càng tự tin hơn để đầu tư vào nước ta.

Một số cơ quan truyền thông trong nước đưa tin Xiaomi sắp xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Theo thông tin này, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dẫn lời nhà phân phối Digiworld cho biết Xiaomi đang phối hợp với một đối tác để xây dựng nhà máy lắp ráp tại Hải Phòng, dự kiến hoàn tất trong tháng 6/2021.

Là thương hiệu điện thoại Trung Quốc, được thành lập từ tháng 4/2010, đến cuối năm 2020, "hạt gạo nhỏ" Xiaomi đã vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, sau Samsung và Apple, theo TrendForce. Năm qua, Xiaomi đã xuất xưởng 146 triệu chiếc điện thoại thông minh trên toàn cầu, chiếm 11% thị phần.

Xiaomi đã vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, sau Samsung và Apple

Xiaomi đã vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, sau Samsung và Apple. (Ảnh: Internet)

Riêng tại thị trường Việt Nam, mặc dù không có chi nhánh phân phối chính hãng song thông qua hợp đồng độc quyền với Công ty CP Thế giới số (Digiworld, mã: DGW), điện thoại Xiaomi đã chiếm tới 12% thị phần smartphone trong nước, đứng thứ 3 sau những cái tên như Samsung và OPPO, theo thống kê của Canalys. Dải sản phẩm của "hạt gạo nhỏ" - Xiaomi tiếp tục đóng góp 884 tỷ đồng trong tháng 1/2021 cho Digiworld, tương đương 77,4% doanh thu điện thoại di động của Xiaomi trong quý I/2020.

Lý giải về việc Xiaomi xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam, Công ty Chứng khoán BVSC cho biết động thái này nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam về chi phí thuê đất, đồng thời cũng thể hiện tham vọng mạnh mẽ của Xiaomi đối với thị trường công nghệ tại Việt Nam.

Xiaomi mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ rút ngắn khoảng thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển cho DGW vì thông thường các lô hàng mất khoảng 6 tuần cho công đoạn này. Đặc biệt, việc mở nhà máy tại Hải Phòng giúp giải quyết phần nào những rào cản thuế nhập khẩu, vốn là nguyên nhân chính ngăn cản các sản phẩm thiết bị tiêu dùng khác của Xiaomi mở bán tại Việt Nam.

 

Tại Việt Nam, Xiaomi được biết đến là một thương hiệu điện thoại giá rẻ, cấu hình mạnh; hướng tới đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình. Sau thời gian dài hợp tác với Digiworld để phân phối tại thị trường Việt Nam, tháng 1/2018, Xiaomi đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên của mình nằm trong trung tâm thương mại Cresent Mall, Quận 7, TP HCM. Store Xiaomi tại Việt Nam bày bán các phụ kiện của Xiaomi như là Balo, Mi Box, VR, đèn bàn, loa, tai nghe; đồ gia dụng như máy lọc không khí, cân thông minh, camera giám sát… và những mẫu điện thoại mới nhất của hãng.

Mặc dù hãng có website riêng, mở bán sản phẩm trực tuyến song tại Việt Nam, nhiều người vẫn tiếp cận với sản phẩm Xiaomi theo con đường xách tay bởi giá rẻ và đến tay người dùng nhanh hơn hàng chính hãng. Hệ quả là người tiêu dùng chịu thiệt thòi khi không được hưởng các chính sách hậu mãi của hãng cũng như chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Mặt khác, hàng xách tay cũng gây ra nạn "chảy máu doanh thu" với các đối tác phân phối của Xiaomi tại Việt Nam. Do đó, việc Xiaomi trực tiếp mở nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam được kỳ vọng góp phần giảm giá thành và giúp sản phẩm đến tay người dùng sớm hơn.

Nếu Xiaomi mở nhà máy lắp ráp điện thoại tại Việt Nam sẽ trở thành hãng smartphone Trung Quốc đầu tiên xây nhà xưởng tại đây.

Chỗ đứng của Xiaomi

Việt Nam là nơi đặt nhà máy của một số hãng công nghệ lớn như Samsung, LG, Canon, Intel,... với số vốn hàng tỷ USD. Trong đó, riêng mảng sản xuất smartphone hiện có nhà máy Samsung, sản xuất những điện thoại dòng S, dòng Note cao cấp và các sản phẩm phân khúc khác phục vụ thị trường Việt Nam lẫn thế giới.

 

Gần đây nhất, Foxconn - đối tác của Apple - đã đầu tư mở rộng nhà máy ở các khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang. Việc này nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy tại Trung Quốc, vốn là tâm điểm trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.

Luxshare, đối tác Trung Quốc sản xuất Airpods cho Apple, cũng có ý định mở nhà máy tại Việt Nam.

Nếu thông tin Xiaomi xây nhà máy tại Hải Phòng là chính xác, như vậy, tại Việt Nam đang có 4 thương hiệu smartphone sở hữu các nhà máy sản xuất điện thoại quy mô lớn cùng hoạt động gồm: cụm nhà máy Samsung, LG, VinSmart và Xiaomi. Ngoài ra, các xưởng lắp ráp của Foxconn (Đài Loan) cũng chiếm một phần không nhỏ trong ngành công nghiệp smartphone tại Việt Nam.

Khác với Samsung và LG - hai đơn vị tập trung vào các dòng smartphone flagship, Xiaomi lại theo đuổi chiến lược giá phổ thông, chất lượng tốt, hướng tới số đông người dùng là lao động thu nhập thấp, học sinh, sinh viên,… để chiếm thị phần, cùng mục tiêu với VinSmart.

Ngay từ những ngày đầu thành lập năm 2010, "hạt gạo nhỏ" Xiaomi đến từ Trung Quốc đã kiên quyết cho rằng nguồn sống của mình sẽ nằm ở dịch vụ Internet - quảng cáo, phần mềm, nhạc… "Chúng tôi không đơn thuần chỉ là một công ty chuyên về phần cứng. Chúng tôi là một công ty Internet luôn luôn hướng tới sự sáng tạo", người sáng lập Lei Jun từng nhiều lần khẳng định trước truyền thông.

 

Thực tế đã chứng mình những thiết bị smartphone do Xiaomi sản xuất luôn có giá rẻ hơn rất nhiều so với đối thủ cùng cấu hình. Để có giá thành sản phẩm rẻ hơn so với đối thủ, Xiaomi đã trực tiếp mở nhà máy sản xuất tại các thị trường chủ lực. Đơn cử, ngoài Trung Quốc, đến nay Xiaomi đang sở hữu 3 cơ sở sản xuất khác tại Ấn Độ và cho biết 99% sản lượng thiết bị tại các nhà máy này đều được dùng để cung cấp cho thị trường nước sở tại.

Xiaomi đã phát triển một hệ sinh thái xoay quanh điện thoại thông minh

Xiaomi đã phát triển một hệ sinh thái xoay quanh điện thoại thông minh. (Ảnh: Internet)

Bình luận về việc Xiaomi mở nhà máy tại Việt Nam, theo các chuyên gia, cũng không nằm ngoài mục đích rút ngắn khoảng thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển cho các sản phẩm của hãng phân phối tại Việt Nam. Bên cạnh đó, định hướng là một công ty Internet sáng tạo, Xiaomi đã phát triển một hệ sinh thái xoay quanh điện thoại thông minh, bao gồm thiết bị ngoại vi di động, phần cứng thông minh và các sản phẩm xoay quanh phong cách sống của người dùng. Đây chính là điểm chung giữa VinSmart và Xiaomi, bởi lẽ công ty công nghệ của Vingroup đặt mục tiêu hướng tới xây dựng hệ sinh thái sản phẩm các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, tivi, thiết bị IoT…

 

Theo BVSC, quy mô lớn thị trường thiết bị gia dụng Việt Nam đạt xấp xỉ khoảng 2,4 tỷ USD. Theo đó, lĩnh vực này sẽ là mảng cạnh tranh duy nhất giữa VinSmart và Xiaomi khi hãng công nghệ Trung Quốc quyết định mở nhà máy tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường smarthome và các thiết bị điện tử ngoại vi thông minh của Việt Nam vẫn trong giai đoạn sơ khởi. VinSmart có lợi thế sân nhà, nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, trong khi Xiaomi có lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm đi trước - cơ hội đang chia đều cho cả hai.

Công ty trẻ nhất lọt vào danh sách Fortune Global 500

Năm 2020 đánh dấu một thập kỷ thăng trầm nhưng đầy vinh quang của Xiaomi khi liên tiếp đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực công nghệ và trở thành công ty trẻ nhất lọt vào danh sách Fortune Global 500.

Xiaomi đang trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn trên thế giới và thiết lập nền tảng IoT tiêu dùng hàng đầu

Xiaomi đang trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn trên thế giới và thiết lập nền tảng IoT tiêu dùng hàng đầu. (Ảnh: Internet)

 

Xiaomi đang trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn trên thế giới và thiết lập nền tảng IoT tiêu dùng hàng đầu với 252 triệu thiết bị thông minh được kết nối. Các sản phẩm của Xiaomi đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và khu vực trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Ông Lei Jun – Chủ tịch, Giám đốc điều hành và người sáng lập Xiaomi đã chia sẻ về những mốc quan trọng trên chặng đường 10 năm phát triển mạnh mẽ của tập đoàn.

Đầu tiên là đợt phát hành cổ phiếu lần đầu và công bố 5%. Xiaomi đã tuyên bố một lời hứa với người dùng rằng mảng kinh doanh phần cứng của Xiaomi sẽ có tỷ suất tổng lợi nhuận ròng sau khi nộp thuế không bao giờ vượt quá 5%. Nếu lợi nhuận vượt quá 5%, họ sẽ tìm cách trả lại phần vượt quá 5% đó cho người dùng. Triết lý của Lei Jun là "Công ty giỏi thì kiếm ra tiền, công ty có tầm thì chinh phục được trái tim của người tiêu dùng ". Sự kiện đặc biệt thứ hai là việc cơ sở Xiaomi đã mở cửa vào tháng 7/2019.

Và cuối cùng, lọt vào danh sách Fortune Global 500. Tháng 8/2020, công ty lại tiếp tục góp mặt trong Danh sách Fortune Global 500, thăng 46 hạng lên vị trí thứ 422 và vị trí thứ 7 trong số các công ty dịch vụ Internet và bán lẻ toàn cầu.

 

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm