“Bài thuốc” Facebook dùng dầu mè, dầu dừa nhỏ mũi tránh COVID-19 là nhảm nhí
Hình ảnh "xác chết do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh" là tin giả / Bác sĩ cảnh báo không được tự chữa COVID-19 theo “bài thuốc” lan truyền trên mạng
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao thông tin một vị "bác sĩ" có tên P.X.T đăng bài viết: "Giải pháp mới: Bảo vệ niêm mạc khỏi sự xâm nhập của virus COVID". Theo bài viết, nhiều loại dầu có công dụng hữu hiệu trong việc khiến người bệnh nhanh chóng giảm chứng khô mũi như dầu olive, dầu dừa hay dầu mè đều có tính hiệu quả trong việc điều trị chứng khô mũi mùa hanh khô.
Những chia sẻ thiếu căn cứ về việc dùng các loại dầu mè, dầu dừa... để chữa COVID-19. (Ảnh: Internet)
Dầu olive chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, chất chống oxy hóa ngăn ngừa đột quỵ, bảo vệ tim mạch và không gây tăng cân, béo phì. Mỗi ngày nhỏ 1 vài giọt dầu olive vào mũi sẽ làm mũi thông thoáng, dễ chịu. Dầu dừa có công dụng đối với tóc và giúp giảm chứng khô mũi mùa hanh khô, giảm đau hiệu quả. Nhỏ mũi mỗi ngày từ dầu dừa nguyên chất khiến mũi không bị khô, rát khó chịu. Dầu mè có chứa vitamin E, một loại chất dưỡng ẩm cho da khô, có hiệu quả làm giảm khô mũi rõ rệt. Nên nhỏ một giọt dầu mè hữu cơ vào mũi 2 lần mỗi ngày. Ở dạng viên nén, vitamin E được sử dụng bằng cách cắt một đầu viên thuốc rồi nghiêng đầu nhỏ 2 đến 3 giọt vào mũi. Vitamin E giúp làm giảm khô mũi, có tính chống viêm, các chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn các bệnh qua đường mũi hiệu quả.
Ngoài những thông tin trên, vị này còn dẫn link một bài nghiên cứu làm dẫn chứng. Đáng nói là ngay cả thuật ngữ chuyên môn, người xưng là bác sĩ này cũng viết sai, tên của virus là SARS-CoV-2, còn COVID-19 là tên bệnh, nhưng trong bài viết gọi là "virus COVID".
Khi thông tin trên bị lan truyền, nhiều chuyên gia đầu ngành đã lên tiếng phản đối vì công dụng của những loại dầu này hoàn toàn không như bài viết nêu ra.
Trao đổi với truyền thông về “bài thuốc” trên, nhiều bác sĩ đầu ngành cho rằng, lần đầu tiên nghe về những thông tin đó, các quốc gia trên thế giới cũng không dùng dầu dừa, dầu mè che phủ niêm mạc bảo vệ mũi khỏi sự tấn công virus SARS-CoV-2. Các loại dầu đó chỉ là gia vị trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Nhiều người đang bị tin vào những lời đồn thổi một cách mù quáng. Bản thân dầu dừa cũng giống như bất cứ loại thực phẩm nào khác giúp tăng đề kháng, tăng cường miễn dịch, không nên đồn thổi quá mức vai trò của từng loại thực phẩm này dẫn đến những hiểu lầm tai hại.
Các chuyên gia y tế khẳng định việc sử dụng dầu mè, dầu dừa… để tiêu diệt virus SARS-CoV-2, coi đây là một loại thuốc chữa bệnh COVID-19 là suy nghĩ sai lầm, thiếu căn cứ khoa học, thậm chí có thể dẫn đến chết người. Uống nhiều dầu dừa mỗi ngày để tiêu diệt COVID-19 hay bảo vệ niêm mạc có thể dẫn tới tiêu chảy, mất nước vì tính nhuận tràng của dầu dừa; đồng thời có thể gây dị ứng, nổi mụn không kiểm soát...Thành phần của dầu dừa đa phần là chất béo, nếu uống quá nhiều sẽ dẫn đến việc tăng cholesterol, bao gồm cả cholesterol xấu trong cơ thể, tạo nguy cơ hình thành bệnh xơ vữa động mạch...
Thậm chí, có nhiều người lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi, làm niêm mạc mỏng đi không hề tốt, ngược lại còn giảm đi kháng thể bảo vệ cơ thể khi gặp virus.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan những hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa bệnh COVID-19 tại nhà. Đáng chú ý, trong một bài chia sẻ, liều paracetamol khuyên sử dụng là liều tối đa, rất dễ dẫn đến nguy cơ quá liều và ngộ độc. Hay việc người dân đổ xô tìm mua loại thuốc trị sốt rét (thuốc HydroxyChloroquine và Azithromycin) để sử dụng nhằm phòng ngừa hay điều trị COVID-19 cũng rất nguy hiểm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có khuyến cáo về những “bài thuốc” chữa COVID-19 tự phát. “Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ăn tỏi, dầu mè và Vitamin C giúp trị khỏi nCoV”, WHO thông báo trên tài khoản Twitter chính thức của tổ chức này, cùng với hashtag #KnowtheFacts (Hãy biết sự thật).
Các công ty mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng từng bị lên án gay gắt về cách xử lý thông tin sai lệch, bình luận độc hại liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Theo các chuyên gia, phương pháp đặc hiệu nhất để phòng ngừa COVID-19 là sử dụng vắc xin. Khi được tiêm chủng, con người sẽ có miễn dịch đặc hiệu, nếu lỡ tiếp xúc với virus cũng chỉ nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không bị bệnh, khi nào có triệu chứng khó thở, sốt,… lúc ấy mới gọi là gọi bệnh COVID-19. Những người có miễn dịch sẽ không bị bệnh nặng, tải lượng virus cũng ít đi.
Ngoài ra, kể cả khi đã tiêm phòng, chúng ta vẫn nên thực hiện 5K để phòng tránh tối đa sự lây nhiễm của dịch bệnh.
Các bác sĩ cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, những trường hợp dương tính với Covid-19 phải nhập viện điều trị, không tự điều trị ở ngoài. Những bài thuốc trên mạng đều là đồn thổi vô căn cứ, chỉ khuyến khích người dân uống thuốc nâng cao thể trạng như vitamin, ăn uống đủ chất, tập thể dục…
End of content
Không có tin nào tiếp theo