Con trai bà Tân Vlog bị xử phạt: YouTube dung túng cho clip xấu độc, nhảm nhí?
Bài 3: YouTube lên tiếng về lý do khiến Yeah1 phải trả giá / Gặp nhau cuối năm 2020 bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng trên YouTube và Facebook
Không đủ khả năng kiểm duyệt hay “nhắm mắt làm ngơ”?
Sau 5 ngày đăng tải clip ‘Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết’ trên kênh YouTube của mình, Nguyễn Văn Hưng đã bị Sở TT&TT Bắc Giang xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng, theo Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP. Nguyễn Văn Hưng là con trai của bà Tân Vlog, một hiện tượng YouTuber năm 2019. Hưng cũng có kênh YouTube riêng mang tên Hưng Vlog với 2,89 triệu subscribers (subs), là điển hình của một thế hệ YouTuber mới nổi mong muốn làm giàu từ nền tảng này bằng các clip câu view bất chấp tất cả.
Hiện tồn tại khá nhiều kênh YouTube nhảm nhí, từ bịa đặt thông tin, vu khống cá nhân, tuyên truyền các nội dung sai, độc hại, phản cảm. (Ảnh minh họa: Internet)
Vụ việc YouTuber Hưng Vlog bị xử phạt nhận được sự đồng tình của dư luận. Trao đổi với truyền thông, nhiều luật sư và chuyên gia nhận định hiện nay tồn tại khá nhiều kênh YouTube nhảm nhí, từ bịa đặt thông tin, vu khống cá nhân, tuyên truyền các nội dung sai, độc hại, phản cảm. Tuy nhiên, các trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt như Hưng Vlog, NTN còn rất ít. Điều này chứng tỏ, chế tài liên quan chưa đủ sức răn đe. Đáng chú ý là các kênh có nội dung nhảm nhí, độc hại lại có lượt truy cập rất lớn, mang về lợi nhuận khủng tới hàng tỷ đồng cho chủ kênh. Bởi vậy, mức xử phạt vài chục triệu đồng chả thấm tháp vào đâu. Các đối tượng chấp nhận xử phạt và tiếp tục đưa các video xấu độc lên mạng để thu lợi bất chính.
Với khoảng 50 triệu nhà sáng tạo nội dung cứ mỗi phút lại đăng lên một khối lượng video khoảng 500 giờ xem, YouTube đã tạo ra kho nội dung hơn 5 tỷ video, thu hút được 2 tỷ người dùng hàng tháng. Thế nhưng, số lượng nhân viên YouTube chỉ khoảng 5.000 người. Với số lượng nhân sự mỏng như thế, YouTube phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm duyệt của AI (phần mềm trí tuệ nhân tạo). Nhưng AI chỉ làm việc hiệu quả với những nội dung cực kỳ độc hại (sex, máu me, súng đạn) hoặc nội dung vi phạm bản quyền (thể thao, âm nhạc). Còn những video được cắt ghép, lồng một phần nhạc hoặc nội dung nhạy cảm, YouTube gần như bó tay.
Và chỉ đến khi vướng vào những lùm xùm và bị dọa tẩy chay hồi năm 2017 với hàng loạt video xấu độc liên quan đến trẻ em, YouTube mới sử dụng người thật để kiểm duyệt. 10.000 nhân viên chuyên trách được thuê, nhưng liệu họ có đủ khả năng giúp YouTube giải quyết bài toán khó này không? Đại diện của một công ty công nghệ trong nước cho biết YouTube vẫn để lọt khoảng 20-30% nội dung xấu độc. Với hàng tỷ nội dung như đã nói ở trên, 20-30% thực sự là một con số rất lớn.
Theo New York Times, lưu lượng truy cập vào YouTube được ước tính cao thứ 2 so với bất kỳ trang web nào, chỉ sau Google. Các chuyên gia cũng cảnh báo mọi người nên nghiêm túc nhìn nhận mối nguy từ YouTube, bởi các tính năng của nền tảng này có thể dẫn họ đến những thứ đáng sợ. Trong khi CEO của YouTube đã phớt lờ các đề xuất từ chính nhân viên của mình để dẹp bỏ những video độc hại, nguy hiểm có xu hướng nở rộ, chỉ tập trung phát triển số lượng người tham gia.
Có ý kiến đề nghị tắt hẳn tính năng đề xuất video để giảm ảnh hưởng của các nền tảng như YouTube đối với bản thân. Việc loại bỏ các tính năng như tự động phát trên YouTube giúp kiểm soát phần nào nội dung người dùng sẽ tiếp cận.
Muôn nẻo kiếm tiền trên YouTube
Từ những ngày đầu khi YouTube mở cửa kiếm tiền, người Việt đã biết cách làm sao để kiếm tiền chóng vánh qua mặt nền tảng này: từ reup (cắt ghép, tổng hợp clip của người khác rồi đăng lại) cho đến trao đổi subs (các kênh trao đổi link chéo để tăng subs cho nhau), mua view (tăng view nhờ click ảo trên các web đen, web lậu), đi backlink (đăng clip lên các website, forum để lấy SEO), tool seeding (tự động đăng clip lên các group, fanpage). Thời đó, người Việt thậm chí còn lập kênh giả đi report ngược chính kênh chính chủ, qua mặt hệ thống kiểm duyệt của YouTube.
Kênh đầu tư nhiều công sức không ai xem, video phản cảm lại được đề xuất khiến view tăng chóng mặt. Đây là vấn nạn chung của YouTube Việt Nam hiện nay. Trước Hưng Vlog, có nhan nhản những kênh YouTube khác dùng chiêu trò tương tự, gọi là trào lưu chơi khăm (prank) hoặc thử thách làm gì đó (challenge), bắt chước từ nước ngoài. Điển hình là kênh NTN Vlogs của Nguyễn Thành Nam. YouTuber sinh năm 1994 này từng bị triệu tập vì làm clip đóng giả nhóm khủng bố IS quăng bom hồi năm 2016. Sau đó, Nguyễn Thành Nam tiếp tục làm các clip nguy hiểm khác như ‘Thử thách trèo lên cột điện 100m’, ‘Thả 100 con dao từ trên cao xuống’ hoặc các clip cổ súy lãng phí như 'Đốt hàng trăm nghìn que diêm', sử dụng hàng nghìn ống hút bị người xem chỉ trích dữ dội.
Dù bị YouTube cảnh cáo bằng việc tắt kiếm tiền nhiều lần nhưng Nguyễn Thành Nam vẫn kháng cáo thành công. Cứ mỗi lần quay trở lại, NTN Vlogs lại cho ra đời những video táo tợn, bất chấp mọi thứ để câu view. Những clip độc hại của NTN Vlogs vẫn tồn tại trên YouTube nhờ một thủ thuật đơn giản: thêm vào giới hạn độ tuổi người xem (chẳng hạn trên 18 tuổi). Nhưng trước đó có bao nhiêu người xem là trẻ em? Có lẽ cả YouTube và Nguyễn Thành Nam đều không bận tâm.
Giới hạn độ tuổi 18+ để đẩy trách nhiệm cho người dùng
YouTube rất khôn ngoan trong việc quy hết trách nhiệm cho người dùng. Với lớp vỏ an toàn giới hạn độ tuổi (age-restricted), YouTube có lý do để chừa lại đất sống cho các clip xấu độc. Chính sách của YouTube quy định rất rõ video giới hạn độ tuổi (18+) có chứa nội dung bạo lực, ngôn ngữ thù địch, chửi bậy, gợi dục, khỏa thân, các hoạt động nguy hiểm, Một khi video được gắn mác 18+, YouTube nghiễm nhiên an toàn trước sự công kích của người dùng bởi điều khoản sử dụng đã ghi cụ thể. Trong khi đó, việc đăng ký tài khoản Google liên kết với YouTube không hề có bất cứ rào cản hay xác nhận độ tuổi nào nên ai cũng có thể dễ dàng đăng ký một nick trên 18 tuổi.
Hơn nữa, mặc dù YouTube khuyến khích các biện pháp báo cáo vi phạm (report) từ người dùng. Song những video của Khá Bảnh hay thánh chửi Dương Minh Tuyền chỉ bị xóa khi báo chí phản ánh và cơ quan chức năng vào cuộc. NTN Vlogs, kênh YouTube bị ném đá nhiều nhất Việt Nam, cũng không hề hấn gì dù người dùng liên tục kêu gọi lập hội nhóm để report kênh này.
Dung túng clip độc hại, YouTube “được nhiều hơn mất”
Để kích thích những người làm nội dung, YouTube có một cơ chế chia sẻ doanh thu gọi là bật kiếm tiền (monetization). Muốn được bật kiếm tiền, người dùng chỉ cần có trên 1.000 subs và tổng 4.000 giờ xem video trong 12 tháng trước.
Nhưng YouTube không trả tiền ngay cho các chủ kênh mà thường gửi hóa đơn tổng tiền kiếm được và trả sau khoảng 2 tháng. Trong quãng thời gian này, nếu có bất cứ vấn đề gì về bản quyền (thuật ngữ gọi là ăn gậy hoặc cắm cờ), bị report dẫn đến tắt kiếm tiền, chủ kênh không nhận được một đồng nào cho đến khi kháng cáo thành công và được bật kiếm tiền trở lại. Vấn đề là YouTube đã nhận tiền từ nhà mua quảng cáo, hoàn tất việc hiển thị nó trong các video nhưng không chia sẻ lại doanh thu cho chủ kênh.
Nghịch lý là, sau một thời gian làm có thể bị tắt kiếm tiền, các YouTuber lại lao đầu vào lập kênh mới và xây dựng nội dung miễn phí cho YouTube. Một vòng luẩn quẩn lắp đi lặp lại bởi YouTube chỉ tắt kiếm tiền chứ hiếm khi xóa những video phản cảm dạng này.
Hà cớ gì YouTube phải kiểm duyệt gắt gao? Thậm chí, nền tảng này vẫn dung túng cho các video xấu độc, clip rác, bởi càng nhạy cảm càng có nguy cơ bị tắt kiếm tiền, càng giúp cho YouTube không phải chia sẻ doanh thu và người thiệt nhất chính là những nhà sáng tạo nội dung.
Trên thế giới, nhiều trường hợp YouTuber đưa hình ảnh phản cảm, thực hiện thử thách nguy hiểm, ngớ ngẩn... cũng ngang nhiên tồn tại, thu hút lượt xem lớn mà chưa có biện pháp xử lý triệt để. Không ít vụ việc chỉ được đưa ra xử lý do phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng và truyền thông. Một số quốc gia chỉ có thể xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chứ không hề có điều khoản nào nhắc tới nội dung nhảm nhí mà bộ phận lớn YouTuber đang sản xuất ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo