Xã hội số

Mang nợ cả trăm triệu vì app đa cấp trả thưởng Bounty

DNVN - Nhiều người dính nợ hàng trăm triệu đồng chỉ sau 2 tuần tham gia mô hình đa cấp lừa đảo trả thưởng với những cái tên rất mời gọi như: nuôi bò Trang trại tiết kiệm, ấp trứng online Tamago, nuôi heo đất, đào Dogecoin…

Edunetwork mượn danh “khóa học trực tuyến” để kinh doanh đa cấp? / Núp bóng đa cấp thu lợi bất chính: Chiêu cũ nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy

Bounty là gì?

Bounty là một trong những phương pháp kiếm tiền ảo “miễn phí” khá thịnh hành. Bản chất Bounty là là việc phát hành các token miễn phí vào ví (wallet) người dùng khi họ tham gia các công việc của dự án ICO. Ví dụ, khi share, like Facebook, video trên Tiktok, dịch bài hay viết bài… người dùng sẽ có cơ hội nhận được một lượng token/coin tương ứng.

Bounty tồn tại từ lâu trong ngành tài chính vì khi một nền tảng muốn thu hút thêm người tham gia, họ sẽ phát hành điểm thưởng nếu người dùng hoàn thành các nhiệm vụ. Thông thường những nhiệm vụ này sẽ giúp nền tảng đến với nhiều người hơn như chia sẻ, đánh giá. Ngoài mục đích làm nhiệm vụ chia sẻ nền tảng, các ứng dụng Bounty đúng nghĩa không yêu cầu nạp tiền để nhận được hoa hồng cao hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế mô hình này được “biến hóa” tinh vi để móc túi người dùng rất nhanh. Các ứng dụng “ấp trứng”, “nuôi bò”… tạo ra cơ hội "đầu tư" cho người dùng như một trò chơi. Người đầu tư sẽ tham gia các nhiệm vụ để nhận thưởng, muốn nhận được phần thưởng lớn hơn, người chơi phải nạp thêm một khoản tiền nâng cấp gói đầu tư. Điều đáng chú ý là ban đầu, những ứng dụng này được giới thiệu với khả năng hoàn vốn nhanh, "cam kết 100% có lời", công việc vô cùng đơn giản.

Xem YouTube, follow TikTok, like Facebook… và nhận tiền

Qua tìm hiểu trong nhóm Facebook “Bounty- kiếm tiền”, hàng trăm bài chiêu dụ thành viên được đăng tải. Mỗi ứng dụng được thiết kế cho các nhiệm vụ khác nhau từ tương tác, theo dõi TikTok, Facebook, YouTube đến ấp trứng, nuôi bò, nuôi heo đất, đào Dogecoin...

hàng trăm ứng dụng khác đang bủa vây người dùng Internet tại Việt Nam.

Rất nhiều ứng dụng trả thưởng Bounty đang bủa vây người dùng Internet tại Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Một người chơi tham gia nền tảng Bounty6 cho hay, cách hoạt động của ứng dụng chỉ là thả tim, follow (theo dõi), đăng ký các tài khoản TikTok, Facebook, YouTube (chủ yếu là kênh bán hàng online). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phải chụp màn hình để xác nhận. Bounty6 chia người dùng thành 10 cấp, ở cấp phổ thông, khi hoàn thành một nhiệm vụ, người chơi được trả 1.000 đồng, mỗi ngày chỉ được tham gia 10 nhiệm vụ. Bounty6 cũng khuyến khích người tham gia giới thiệu bạn bè để nhận thêm hoa hồng khi "cấp dưới" hoàn thành nhiệm vụ hay nạp tiền.

Người chơi nói trên đã tham gia 175 nhiệm vụ trong 7 ngày, mỗi nhiệm vụ được trả 25.000 đồng, nếu hoàn thành các lượt tương tác, chị nhận được khoảng 440.000/tuần. Sau vài lần rút được tiền, chị càng thêm tin tưởng vào ứng dụng nên vay mượn để mua gói VIP với hi vọng kiếm được tiền nhiều hơn, nhanh hơn. Gói VIP càng đắt, số nhiệm vụ càng nhiều đồng nghĩa tiền hoa hồng càng cao. Nhưng không ngờ đến ngày 23/4, toàn bộ hội nhóm tham gia đều thông báo không thể rút được tiền. Sáng 24/4, các hội nhóm Bounty đồng loạt giải tán. Tiếp đến, ngày 27/4, trang web của ứng dụng chuyển sang giao diện tiếng Trung Quốc.

Từ "đảm bảo 100% có lời", ứng dụng ấp trứng online Tamago đã đóng cửa chỉ sau vài tháng. Số tiền đầu tư, nâng cấp trứng của người đầu tư bốc hơi chỉ sau một đêm. Theo các chuyên gia, không chỉ có Trang trại tiết kiệm hay Tamago, hàng trăm ứng dụng khác đang bủa vây người dùng Internet tại Việt Nam. Không ít người ham lợi đã vay tiền lãi suất cao để nâng cấp gói VIP cho ứng dụng với dự định 5-7 ngày sẽ hoàn vốn, ai ngờ sàn sập, tiền mất hút luôn trong chớp mắt.

Một chuyên gia về lập trình ứng dụng cho biết, trang web Bounty6 được thiết kế sơ sài, không phát hành ứng dụng trên AppStore hay Google Play mà chỉ có phiên bản web. Đây là dấu hiệu thường thấy ở các ứng dụng lừa đảo. Ngoài ra, app này còn kêu gọi người dùng tham gia những chương trình trúng thưởng có liên kết hoặc tài trợ bởi những thương hiệu lớn. Điều đáng nói là khi thử làm nhiệm vụ theo dõi một tài khoản TikTok, Bounty6 yêu cầu chụp ảnh màn hình nhưng anh không làm theo mà chỉ gửi một tấm ảnh ngẫu nhiên nhưng nhiệm vụ vẫn được tính đã xong.

 

Như vậy, tuyên bố của Bounty6 rằng được các TikToker trả tiền để tăng theo dõi là không có thật. Các nhiệm vụ trong Bounty6 chỉ sinh ra cho có việc để làm. Nền tảng này chỉ cố kiếm tiền bằng cách chiêu dụ người dùng nâng cấp gói. Sau khi nâng cấp, người chơi sẽ được tăng khoản thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ và được làm nhiều nhiệm vụ hơn trong một ngày.

Trước đó, thời điểm cuối năm 2020 cũng có nhiều người bị dụ dỗ truy cập website có tên Like Share (tại địa chỉ likevi789.com) để kiếm tiền thông qua việc nhấn like các video trên ứng dụng Tiktok.

Trang web này đưa ra các gói nhiệm vụ được đặt tên bao gồm Đồng, Bạc, Vàng, Bạch Kim và Kim Cương với các mức giá từ 1 triệu đến 27 triệu đồng. Nhiệm vụ cũng hết sức đơn giản, thành viên chỉ cần lên TikTok, nhấn follow và like bất kỳ một video nào rồi chụp ảnh màn hình gửi cho website này. Gói có mức giá càng lớn thì được làm càng nhiều nhiệm vụ trong một ngày. Khi hoàn thành các gói nhiệm vụ, thành viên có thể có thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng và hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hệ thống của Like Share có cách thức mở rộng thành viên kiểu đa cấp. Thành viên cũ khi mời thêm được người mới sẽ được hưởng “hoa hồng" ứng với số tiền mà người mới mua gói nhiệm vụ. Chưa kể, nhằm hút người dùng nạp tiền mua gói nhiệm vụ, Like Share còn thường xuyên đưa ra các chương trình giải thưởng, quảng cáo tặng điện thoại thông minh, ôtô cho thành viên tích cực.

Tương tự, trang mạng tên Golden Hand cũng thu hút đông đảo người tham gia với hứa hẹn lãi suất “khủng". Golden Hand (tại địa chỉ https://app.goldfingeronline.com) bán các gói nhiệm vụ like video TikTok với tên gọi từ “VIP1” đến “VIP4”, tương ứng với số tiền nạp vào từ 500.000 đồng đến hơn 60 triệu đồng. Một gói VIP có thể mua được nhiều gói nhiệm vụ để tăng thu nhập cho mình. Trang này quảng cáo thu nhập của gói cao nhất lên tới 21 triệu đồng mỗi tháng và 260 triệu đồng mỗi năm.

 

Đến ngày 15 và 18/11/2020, hệ thống của Like Share và Golden Hand bất ngờ dừng hoạt động. Khách hàng không thể rút được tiền và website không thể truy cập. Hàng nghìn nạn nhân ngã ngửa vì trót nạp vào các hệ thống này một lượng tiền lớn mà không kịp trở tay.

Liều lĩnh tham gia dù biết… sập

Đáng nói là đa phần người tham gia đều thừa biết những nền tảng này sẽ sập trong thời gian ngắn. Các bài rao đều đánh vào tâm lý đó để giới thiệu nền tảng. Trong đó, thời gian ra mắt là quan trọng nhất bởi ai cũng quan tâm mình có phải người vào trước hay không. Một trang web như Bounty6 chỉ tốn khoảng 5 - 6 giờ để hoàn thành. Vì vậy, cứ gom tiền xong lại có dự án mới được chào mời và lại có người tham gia vì cho rằng mình là người đầu tiên.

Một người chơi đã đăng bài “chiêu mộ” trong các nhóm như sau: “Tôi xin lưu ý rằng tất cả dạng hình thức đầu tư tiền kiếm lợi nhuận không bao giờ là 100% an toàn dù có là đầu tư vàng hay đất đai cho đến chứng khoán thì việc có lời hay lỗ vốn đều phải dùng đầu để tính toán và quyết định kỹ lưỡng trước khi tham gia. Mục đích khi tôi giới thiệu là vì chính bản thân tôi đã tham gia và rút được vốn (ít nhất là một nửa) và cảm thấy mức đầu tư là hợp lý thì tôi sẵn sàng giới thiệu vì hai lý do chính: thứ nhất là tôi sẽ được lợi nhuận (rose) từ những người đăng ký khi nhập mã mời của tôi, thứ hai là dù mọi người có đăng ký thì tôi chẳng mất gì mà mọi người lại có cơ hội kiếm tiền. Tôi cũng khẳng định rằng đây là môi trường đa cấp, tuy nhiên việc nội bộ họ sử dụng hình thức Ponzi (lấy tiền người trước trả cho người sau) hay dùng tiền đầu tư, làm dịch vụ hay tài sửu, chốt lô là do lòng tin và sự lạc quan của mỗi người. Các hình thức đầu tư mà tôi chọn luôn có những mức đầu tư ngắn hạn và thời gian gỡ vốn nhanh mục đích chính cũng vô cùng đơn giản thôi: Nhanh - Đỡ đau tim - Bớt sốt ruột”.

Một người chơi khác thừa nhận biết sẽ đến lúc Bounty ngưng trả tiền cho nhà đầu tư, nhưng không ngờ là app sập chỉ sau hơn 2 tháng hoạt động bởi theo thông tin tìm hiểu thì phải đến năm sau app mới sập!? Sau khi app sập, một vài tài khoản tiếp tục đăng bài trong nhóm Facebook “Bounty- kiếm tiền” kêu gọi các thành viên nạp thêm tiền để rút lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đầu tư, tùy theo các mức nhất định. Đó là “cú chót” tận thu của những kẻ chủ mưu.

 

Và sau khi Bounty6 ngừng trả tiền làm nhiệm vụ, nhiều người chơi ngay lập tức nhận được lời chào mời từ một thành viên khác trong nhóm Facebook. Ứng dụng lần này yêu cầu người dùng để lại đánh giá sản phẩm trên các shop thương mại điện tử và cũng có những gói nâng cấp tài khoản và chiêu thức “moi tiền” tương tự.

Các chuyên gia cho rằng, tâm lý “vào sớm, rút sớm” là thứ khiến nhiều người tham gia hình thức gọi vốn, kinh doanh đa cấp. Họ hi vọng những ứng dụng này sẽ có khoảng thời gian tồn tại nhất định, đủ để thu hồi vốn cùng lợi nhuận. Đúng là cũng có những người thu được lợi nhuận thông qua các app này rồi tìm cách chuyển giao khoản vốn đó cho người khác và khi đó, gánh nặng nợ nần đổ lên vai người đến sau. Nên nhớ là những hình thức kinh doanh này đều không được pháp luật Việt Nam bảo hộ.

Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội, đầu tư trên những trang mạng không rõ nguồn gốc có thể trở thành công cụ để thực hiện hành vi rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài bất hợp pháp. Khi nhiều hoạt động huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo và ngày càng biến tướng, luật sư khuyến cáo người dân phải cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng trước khi bỏ vốn đầu tư vào bất cứ hoạt động nào trên mạng.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm